11/11/2023 08:10 GMT+7

Israel và Hamas: Cuộc chiến dài hơi

Gần 2 tuần từ lúc khởi động chiến dịch tấn công đường bộ vào Dải Gaza do phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine kiểm soát, Israel đang gửi tín hiệu cho một cuộc chiến dài hơi.

Hai đứa trẻ Palestine nhìn ra bên ngoài cửa sổ tại khu vực nhà ở bị Israel không kích ở thành phố KhanYounis, phía nam Dải Gaza, vào ngày 9-11 - Ảnh: Reuters

Hai đứa trẻ Palestine nhìn ra bên ngoài cửa sổ tại khu vực nhà ở bị Israel không kích ở thành phố KhanYounis, phía nam Dải Gaza, vào ngày 9-11 - Ảnh: Reuters

Hôm 10-11, căng thẳng cuộc chiến Israel - Hamas tiếp diễn với hàng loạt thông tin về việc Israel không kích vào các bệnh viện của người Palestine.

Diễn biến này tạo thêm áp lực quốc tế lên Israel giữa lúc cơ quan y tế của Dải Gaza cho rằng số người chết trong cuộc chiến đã vượt mốc 10.000 người, còn quan chức Palestine khẳng định một nửa nhà cửa tại Gaza bị phá hủy.

Israel không ngại đánh lâu dài

Các bệnh viện được cho đã hứng đợt tấn công của Israel vừa qua có al-Shifa, bệnh viện lớn nhất tại Dải Gaza. Israel nhận định các tay súng Hamas lẩn trốn tại các bệnh viện và dùng khu phức hợp al-Shifa để làm trung tâm chỉ huy.

Phía Hamas đã bác bỏ lập luận này và cho rằng Israel chỉ đang tìm cớ để tấn công. Nhưng bất chấp sự thật về al-Shifa đúng hay sai, Israel dường như sẽ không dừng lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sẽ xóa sổ Hamas và khẳng định đây là một cuộc chiến lâu dài. Israel đang kiên định với chiến thuật kiểm soát từ phía bắc và kêu gọi người dân ở Dải Gaza di chuyển về phía nam. Các cuộc tấn công của Israel không có dấu hiệu ngưng nghỉ.

Hôm 9-11, Mỹ thông báo Israel đã chấp nhận việc tạm ngưng bắn 4 tiếng mỗi ngày ở một số khu vực nhất định tại phía bắc Gaza nhằm cho phép dân thường sơ tán hoặc ra ngoài an toàn.

Nhà Trắng xem đây là bước tiến sau nhiều ngày thuyết phục Israel cân nhắc tình hình nhân đạo của hơn 2,3 triệu người đang sống ở Gaza, nhưng thỏa thuận 4 tiếng/ngày nêu trên vẫn gặp chỉ trích.

Francesca Albanese, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vùng lãnh thổ Palestine, cho biết quyết định ngừng bắn 4 tiếng mỗi ngày rất "tàn nhẫn" vì Dải Gaza đang hứng chịu 6.000 quả bom mỗi tuần, người dân mắc kẹt, còn sự tàn phá lại vô cùng lớn.

Trong khi đó, văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định quân đội đang cho phép người dân di chuyển xuống phía nam Gaza.

"Giao tranh tiếp diễn và sẽ không có lệnh ngừng bắn mà không đi kèm việc thả con tin của chúng tôi. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi người dân ở Gaza sơ tán về phía nam", tuyên bố của Israel nêu.

Họ sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu này vì Hamas không chỉ ở Gaza
Ông Mohammad Shtayyeh, thủ tướng của chính quyền Palestine, khẳng định Israel sẽ không thể xóa sổ Hamas khi trả lời kênh truyền hình France 24 đăng ngày 9-11.

Không thấy lối thoát

Những cuộc chiến trước đây giữa Israel và Hamas vào các năm 2008, 2008 - 2009 và 2014 đều kết thúc bằng lệnh ngừng bắn và không hề dẫn tới một thỏa thuận nào để giải quyết được xung đột. Và sau đó các cuộc đụng độ vẫn nổ ra với việc Hamas nã rocket vào Israel, còn Israel không kích vào Dải Gaza.

Vòng xoáy bạo lực giữa Israel và Hamas là nguyên nhân lớn đằng sau việc Israel quyết tâm "xóa sổ Hamas" lần này, với lập luận rằng một cuộc chiến triệt để sẽ giúp ngăn các hành động của Hamas tái diễn trong tương lai. Điều này báo hiệu cuộc chiến Israel - Hamas sẽ kéo dài với rất ít khả năng tìm được giải pháp chính trị.

Hiện nay, Israel đang tìm cách phá hủy các tuyến đường hầm của Hamas tại phía bắc Gaza, trong cái gọi là "giai đoạn tiếp theo" của chiến dịch đường bộ này. Đây là một nỗ lực dự kiến phải mất vài tháng, theo lời năm nguồn tin an ninh Israel nói với Reuters.

Quan trọng hơn, theo đánh giá của đa số giới quan sát, cả Israel lẫn Hamas đều không có dấu hiệu tìm kiếm một giải pháp chính trị, hay nói đúng hơn chính họ cũng chưa tiết lộ cụ thể về cái mình muốn và trong tay không nhiều lựa chọn có thể mang tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo báo Politico, các nghiên cứu chỉ ra rằng những nhóm nổi dậy chỉ chấp nhận đàm phán chính trị nếu được cho phép chia sẻ quyền lãnh đạo. Nhưng Hamas lại bị cho là không có nhu cầu ấy, vì mục tiêu của tổ chức này là đối kháng với Israel.

Ở phía còn lại, Israel có đủ khả năng kiểm soát Gaza và làm suy yếu Hamas nhưng không bao giờ được người Palestine tại khu vực này ủng hộ hoặc chấp nhận.

Ngoài ra, cuộc tấn công của Israel lần này đã làm gia tăng đáng kể sự thù địch đối với Israel từ người dân Gaza, người Palestine và người Ả Rập.

Đây là kịch bản gây bất lợi cho mục tiêu "xóa sổ" Hamas. Vì để làm được điều này, Israel chỉ còn cách hiện diện đủ lâu ở Gaza, đồng nghĩa chấp nhận nguy cơ thiệt hại sinh mạng cho cả người Israel lẫn Palestine.

Iran cảnh báo xung đột lan rộng

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo Israel về cuộc không kích tại Dải Gaza. Ông cho rằng việc tổn thất dành cho dân thường gia tăng sẽ dẫn tới xung đột lan rộng.

"Vì cường độ của cuộc chiến chống lại dân thường ở Dải Gaza ngày càng tăng, chuyện phạm vi cuộc chiến lớn theo đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược", Reuters dẫn lời ông Amir-Abdollahian nói với Ngoại trưởng Qatar Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani vào tối 9-11.

Phát biểu của phía Iran được đưa ra trong bối cảnh có tin Israel đã không kích vào một số bệnh viện ở Dải Gaza. Lời cảnh báo từ Tehran cũng làm dấy lên lo ngại về việc liệu các nỗ lực hòa bình của Mỹ, cũng như sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải, có phải là cách tiếp cận đúng để ngăn bất ổn ở Trung Đông hay không.

Liên Hiệp Quốc đề nghị điều tra việc Israel dùng vũ khí công phá lớnLiên Hiệp Quốc đề nghị điều tra việc Israel dùng vũ khí công phá lớn

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về quyền con người Volker Turk khẳng định việc Israel sử dụng vũ khí có sức công phá lớn để tấn công Dải Gaza phải được điều tra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên