05/07/2018 07:05 GMT+7

Israel 'chấm' khởi nghiệp Đà Nẵng

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đại sứ Nadav Eshcar nói qua những cuộc tới thăm và làm việc với Đà Nẵng, ông đã "chấm" địa phương này như là một biểu tượng thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến những người trẻ làm khởi nghiệp.

Israel chấm khởi nghiệp Đà Nẵng - Ảnh 1.

Chuyên gia Israel chia sẻ kiến thức khởi nghiệp cho các nhân lực lĩnh vực khởi nghiệp ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Hằng năm chúng tôi sẽ mang đến những chuyên gia, họ từng là startup và nay là nhà đầu tư. Từ những kinh nghiệm tích lũy được, họ sẽ mang đến những kiến thức và bí mật từ cả 2 phía: startup và nhà đầu tư cho những người bạn trẻ ở thành phố Đà Nẵng"- đó là khẳng định của ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam bên lề Triển lãm khởi nghiệp TP Đà Nẵng lần thứ 3.

Nhìn thấy nhiều điểm chung

Mối lương duyên giữa "quốc gia khởi nghiệp" với Đà Nẵng bắt đầu được đặt nền tảng từ những ngày đầu địa phương này định hướng trở thành một thành phố khởi nghiệp. 

Vào năm 2015, khi đang đi tìm lời giải cho động lực phát triển tiếp theo cho thành phố, những nhà lãnh đạo lúc đó đã nhìn thấy được tiềm năng "một Singapore thứ hai cho Đà Nẵng" - một trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển ở lĩnh vực khởi nghiệp. Mô hình "quốc gia khởi nghiệp" của Israel đã được tham khảo và nghiên cứu.

Ông Võ Duy Khương, nguyên phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, "cha đẻ" của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng nhớ những ngày đầu khi thành lập các thành viên trong hội đồng điều phối có nhiều so sánh về việc chọn mô hình cho phù hợp. Thế rồi họ đi đến quyết định phải "kết bạn" với Đại sứ quán Israel để học hỏi từ "vùng đất thánh khởi nghiệp". 

"Thời điểm ấy hai từ khởi nghiệp còn rất mới mẻ, chúng tôi phải sang Israel để học tất tần tật. Rồi sau đó mời các chuyên gia của họ sang đào tạo cho đội ngũ những người hỗ trợ khởi nghiệp ở Đà Nẵng..." - ông Khương nhớ lại.

Theo ông Khương, câu chuyện thành công của Israel chính là nguồn cảm hứng cho Đà Nẵng. Và khi gặp Đại sứ Nadav Eshcar, quyết tâm đó càng được cũng cố thêm khi có những điểm "gặp gỡ" như: nguồn lực nội tại, đặc điểm kinh tế - xã hội, sự ủng hộ của chính quyền và đặc biệt là khát vọng khởi nghiệp.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại sứ Nadav Eshcar cho rằng tính cách của người Việt Nam giống với dân tộc ông ở điểm "sáng tạo" và tinh thần không đầu hàng trước những thách thức. Ông lấy ví dụ ở Việt Nam nếu như có thứ gì hư hỏng thì người ta cũng bắt tay vào sửa chữa nhiều hơn là chọn thay thế. 

Đây như là một sự "cứng đầu" nhưng là một yếu tố của việc giải quyết vấn đề khác thông thường.  

Đại sứ nhận xét: "Tôi đã ở đây và thấy rằng sự hỗ trợ của chính quyền Đà Nẵng với cộng đồng doanh nghiệp là rất tốt. Do vậy chúng tôi muốn gắn bó để chuyển giao kiến thức nhằm phát triển cộng đồng khởi nghiệp bằng cách mang tới các chuyên gia làm việc dài ngày với các dự án starup".

Nhiều cơ hội để xây dựng hệ sinh thái

TS Jaime Amsel, người có hơn 30 năm kinh nghiệm về tư vấn quản lý phát triển tổ chức và thay đổi ở Israel cho rằng "thế giới phẳng" đang cho những quốc gia như Việt Nam cơ hội bứt phá. 

Cụ thể các nước đi sau luôn có cơ hội để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn những nước đi trước. Ông đưa ra một thế mạnh khác biệt của của Việt Nam so với Israel là lợi thế về tài nguyên và thị trường. 

"Nếu các bạn có một sản phẩm khởi nghiệp tốt, bạn có tới hơn 90 triệu dân đang chờ để sử dụng. Một thị trường lớn cho các bạn cơ hội để ước mơ và đi đến cùng dự án. Chúng tôi có nhiều công ty vì không có thị trường nên không thể đi đến cùng mà chỉ chuyên xây dựng ý tưởng rồi bán "lúa non" cho các tập đoàn lớn" - TS Jaime Amsel nhận định.

Đối với thành phố bên sông Hàn, TS Jaime Amsel nhận định các bạn trẻ nên tận dụng nguồn lực là lượng du khách đến với thành phố để phát triển các dự án.

Phát biểu tại triển lãm khởi nghiệp mới đây, ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung đã tiến được một bước quan trọng trong hành trình được  định hướng rất rõ của thành phố từ 4 năm về trước. 

Ông Minh cho rằng vốn đang là vấn đề của khởi nghiệp Đà Nẵng. Đó không chỉ là vốn tài chính, mà còn là vốn xã hội, vốn bản địa, vốn công nghệ và vốn con người. Do vậy sự "tiếp sức" từ nguồn lực bên ngoài là vô cùng ý nghĩa để thành phố theo đuổi quyết tâm trở thành trung tâm khởi nghiệp.

Chính quyền quyết định cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Từ kinh nghiệm của Israel, ông Doron Lebovich, phó Đại sứ Israel tại Việt Nam nhận xét chính quyền thành phố đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

"Đối với DNES, trong 2 năm làm việc liên tục, chúng tôi nhận thấy đây là đối tác cực kì tin cậy trong việc chuyển giao kiến thức và công nghệ. Đó chính là lý do mà năm nay, chúng tôi không chỉ mong duy trì mối quan hệ đối tác mà còn muốn mở rộng thêm, tham dự nhiều hơn vào SURF 2018, đặc biệt khi đây là dịp kỉ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao 25 năm giữa Israel và Việt Nam" - ông Doron Lebovich nói.

​Ra mắt chuyên mục ​Ra mắt chuyên mục 'Tôi yêu Đà Nẵng' trên báo Tuổi Trẻ

TTO - Sáng 23-3, tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra mắt chuyên mục Tôi yêu Đà Nẵng.

TTO - Sáng 23-3, tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra mắt chuyên mục Tôi yêu Đà Nẵng.    

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên