30/12/2016 12:26 GMT+7

IS đang bành trướng ở Indonesia

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới khẳng định số nghi can khủng bố bị bắt và tiêu diệt tại nước này tăng hơn gấp đôi trong năm 2016 là bằng chứng cho thấy sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra toàn cầu do sức ép ở Syria và Iraq.

Cảnh sát Indonesia kiểm tra an ninh xung quanh một nhà thờ ở Jakarta ngày 24-12  - Ảnh: Reuters
Cảnh sát Indonesia kiểm tra an ninh xung quanh một nhà thờ ở Jakarta ngày 24-12 - Ảnh: Reuters

Theo cảnh sát trưởng Tito Karnavian của Indonesia, bất chấp tỉ lệ các loại tội phạm khác giảm xuống, số vụ liên quan đến khủng bố ở nước này trong năm nay tăng mạnh.

Cụ thể, Jakarta bắt giữ 137 nghi can khủng bố (so với 75 người của năm 2015) và tiêu diệt 33 nghi can (trong khi con số này năm ngoái chỉ là 7).

Hoạt động khủng bố tăng mạnh trong những tuần lễ cuối năm, khi cảnh sát Indonesia bắt giữ hàng chục nghi can và bắn hạ 5 người âm mưu đặt bom và tấn công trong dịp lễ.

Dù nhiều vụ đã bị phá, nhưng một số không thể bị ngăn chặn như vụ tấn công nhà thờ ở Sarinah, Medan hay vụ tấn công làm chết 8 người ở thủ đô Jakarta hồi đầu năm được cho là mô phỏng vụ tấn công Paris (Pháp).

Đây là vụ tấn công đầu tiên ở Đông Nam Á mà IS nhận trách nhiệm thực hiện. Còn theo chuyên gia Sidney Jones - giám đốc Viện nghiên cứu chính sách xung đột tại Jakarta, ngày càng nhiều người Indonesia sẵn sàng bán nhà cửa, vay mượn tiền để gia nhập IS.

Giải thích tại buổi báo cáo cuối năm, ông Karnavian cho biết IS không còn bành trướng mạnh mẽ ở Trung Đông như những năm trước do chịu sự tấn công của các nước phương Tây và Nga. Do bị dồn vào chân tường, chúng kêu gọi các mạng lưới ở nước ngoài thực hiện tấn công để chuyển hướng chú ý.

“Điều đó lý giải các vụ tấn công ở Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi và Indonesia cũng không ngoại lệ. Đến khi nào IS còn tồn tại ở Syria, mối đe dọa vẫn còn đó, không chỉ đối với Indonesia mà cả thế giới” - ông Karnavian cho biết và nhận định xu hướng bành trướng sẽ còn tiếp tục trong năm 2017.

Trong khi đó, giới an ninh tại Đông Nam Á mới đây khẳng định IS đang xem khu vực này như một căn cứ khủng bố mới thay cho Trung Đông, trong đó miền nam Philippines được đánh giá là khu vực có nguy cơ cao nhất.

Nhiều quốc gia trong khu vực thời gian qua cũng lo ngại các chiến binh IS trở về xây dựng mạng lưới khủng bố trong nước.

Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 18-12 cũng kêu gọi “nếu các chiến binh IS tháo chạy khỏi Iraq và Syria, tôi hi vọng các nước ASEAN tăng cường hợp tác, bởi có khả năng chúng sẽ tạo ra một nhà nước Hồi giáo trong khu vực của chúng ta”.

Đánh bom kép ở Philippines, 39 người bị thương

Ít nhất 39 người bị thương trong hai vụ đánh bom ở Philippines, chính quyền nước này cho biết ngày 29-12.

Trong vụ nổ thứ nhất diễn ra ở tỉnh miền trung Leyte tối 28-12 khiến 33 người bị thương, cảnh sát cho biết họ không xác định được nghi can nào và cũng không có nhóm nào nhận trách nhiệm.

Ngay sau đó, một quả bom khác phát nổ trên một đường cao tốc ở Mindanao làm 6 người bị thương. Chính quyền cũng tìm thấy một quả bom chưa nổ ở phía nam thủ đô Manila.

Trước đó, một vụ nổ trong ngày Giáng sinh ở tỉnh Cotabato đã làm 13 người bị thương. Tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh báo nguy cơ ngày càng lớn ở miền nam Philippines, nằm rất gần các cộng đồng Hồi giáo ở nước láng giềng Malaysia, Brunei, Indonesia và là nơi có nhiều nhóm đã tuyên bố trung thành với IS.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên