Hãng thông tấn Yonhap dẫn dữ liệu được công bố hôm 18-8 của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc cho biết nước này đã xuất khẩu 4,73 triệu viên đạn hơi cay trong vòng 5 năm rưỡi qua.
Số lượng đạn hơi cay xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2019 là 866.000 viên và giảm xuống còn 421.000 viên vào năm 2020.
Đặc biệt, số lượng đạn hơi cay xuất khẩu đột ngột tăng vọt từ 638.000 viên vào năm 2022 lên gần 1,6 triệu viên vào năm 2023. Trong sáu tháng nửa đầu năm 2024, Seoul đã xuất 713.000 viên đạn này ra nước ngoài.
Iraq, Indonesia mua nhiều đạn hơi cay nhất
Chính phủ Hàn Quốc đã ngừng sử dụng hơi cay để trấn áp các cuộc biểu tình từ năm 1999 do loại vũ khí này có nguy cơ gây ngạt thở.
Hiện nay, hơi cay được xếp vào nhóm “vật liệu chiến lược” theo Đạo luật Quản lý ngoại thương và xếp vào danh mục “chất nổ” theo Đạo luật Quản lý sử dụng súng đạn hiện hành của Hàn Quốc.
Tuy không được sử dụng trong nước nhưng Hàn Quốc vẫn cho phép xuất khẩu khi có giấy phép của cơ quan cảnh sát cấp tỉnh, cấp thành phố và giấy phép của Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA).
Cũng theo dữ liệu mới đây của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, quốc gia nhập khẩu đạn hơi cay Hàn Quốc nhiều nhất là Iraq. Chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2024, quốc gia Trung Đông này đã mua 478.000 viên đạn hơi cay từ Hàn Quốc.
Hai quốc gia nhập khẩu đạn hơi cay Hàn Quốc nhiều thứ hai và thứ ba trong vòng 5 năm 6 tháng qua lần lượt là Indonesia với 649.000 viên và Philippines với 625.000 viên.
Theo Yonhap, đạn hơi cay Hàn Quốc đã xuất hiện tại những cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng cắt điện thường xuyên ở Iraq hồi năm 2023.
Truyền thông địa phương đưa tin quân đội Iraq đã sử dụng hơi cay và đạn thật để trấn áp đám đông biểu tình, khiến một số người bị thương.
Trong khi đó, các nhóm hoạt động vì nhân quyền ở Indonesia - quốc gia nhập khẩu đạn hơi cay Hàn Quốc nhiều thứ hai sau Iraq, cáo buộc cảnh sát ở xứ sở vạn đảo lạm dụng hơi cay mỗi khi có biểu tình xảy ra.
Trong đó, vụ việc đáng chú ý nhất là vụ giẫm đạp tối 1-10-2022 tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, nằm trên đảo Java, Indonesia. Do không hài lòng với kết quả trận đấu bóng đá khi đó, hàng nghìn người hâm mộ tức giận tràn xuống sân và cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Vụ việc khiến 135 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.
Bán được hàng nhưng không vui
Hạ nghị sĩ Yong Hye In, thành viên Ủy ban An ninh và Chính sách công trực thuộc Quốc hội Hàn Quốc, bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc trước thực tế những viên đạn hơi cay do Hàn Quốc sản xuất đang được sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình tại một số nước.
“Tôi rất lấy làm tiếc trước thực tế những viên đạn hơi cay do Hàn Quốc sản xuất đang được sử dụng làm công cụ để trấn áp các cuộc biểu tình. Hơn nữa, hoạt động sản xuất đạn hơi cay trong nước cũng đang tăng lên nhanh chóng”, hạ nghị sĩ Yong trả lời Yonhap hôm 18-8.
“Chúng tôi chỉ xuất khẩu đạn hơi cay sang những quốc gia có hiện trạng ‘vi phạm nhân quyền’”, bà Yong nói thêm.
Nữ hạ nghị sĩ Hàn Quốc nhận định Quốc hội nước này cần phải thúc đẩy sửa đổi Đạo luật Quản lý ngoại thương để phần nào thay đổi thực tế đáng buồn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận