20/07/2023 11:26 GMT+7

Hàng trăm người biểu tình Iraq trèo tường, phóng hỏa Đại sứ quán Thụy Điển

Ngày 20-7, hàng trăm người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq để phản đối vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển.

Một người biểu tình giơ cao chân dung giáo sĩ Moqtada al-Sadr khi khói bốc lên từ tòa nhà Đại sứ quán Thụy Điển trong một cuộc biểu tình gần đại sứ quán, vài giờ sau khi họ xông vào và phóng hỏa Đại sứ quán Thụy Điển sáng 20-7 - Ảnh: REUTERS

Một người biểu tình giơ cao chân dung giáo sĩ Moqtada al-Sadr khi khói bốc lên từ tòa nhà Đại sứ quán Thụy Điển trong một cuộc biểu tình gần đại sứ quán, vài giờ sau khi họ xông vào và phóng hỏa Đại sứ quán Thụy Điển sáng 20-7 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, người biểu tình trèo tường và phóng hỏa Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad để phản đối sau khi cảnh sát Thụy Điển phê duyệt một cuộc tụ tập đốt kinh Koran.

Văn phòng báo chí Bộ Ngoại giao Thụy Điển cập nhật thông tin là tất cả nhân viên tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad đều an toàn. Họ cũng lên án vụ tấn công và nhấn mạnh chính quyền Iraq cần bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao.

Trước vụ đột nhập, những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr đã kêu gọi biểu tình nhằm phản đối kế hoạch việc đốt kinh Koran ở Thụy Điển.

Một loạt video được đăng lên Telegram cho thấy nhiều người tụ tập xung quanh Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad lúc khoảng 1h sáng 20-7 (giờ địa phương). Họ hô vang các khẩu hiệu ủng hộ ông al-Sadr và xông vào khu phức hợp đại sứ quán khoảng một giờ sau đó.

Lực lượng an ninh triển khai vòi rồng khi người biểu tình tụ tập gần Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq sau vụ đột nhập sáng 20-7 - Ảnh: REUTERS

Lực lượng an ninh triển khai vòi rồng khi người biểu tình tụ tập gần Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq sau vụ đột nhập sáng 20-7 - Ảnh: REUTERS

Các video sau đó cho thấy khói bốc lên từ một tòa nhà trong khu đại sứ quán và những người biểu tình đứng trên mái nhà.

Bộ Ngoại giao Iraq cũng lên án vụ đột nhập và cho biết Chính phủ Iraq đã chỉ thị cho các lực lượng an ninh tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, xác định thủ phạm và buộc họ phải chịu trách nhiệm.

Theo các nhân chứng của Reuters, sáng 20-7, lực lượng an ninh đã được triển khai bên trong Đại sứ quán Thụy Điển và khói bốc lên từ tòa nhà nói trên khi lính cứu hỏa dập tắt đám cháy. Hầu hết những người biểu tình đã rút, nhưng vẫn còn vài chục người lảng vảng bên ngoài đại sứ quán.

Vì đâu nên nỗi?

Trước khi xảy ra vụ đốt phá tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Iraq, truyền thông Thụy Điển cho biết cảnh sát quốc gia Bắc Âu này đã chấp nhận đơn xin tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Iraq tại Stockholm vào ngày 20-7. Những người đăng ký cho biết họ sẽ đốt kinh Koran và cờ Iraq.

Trước đó hồi tháng 6, một người đàn ông tên Salwan Momika - người tị nạn Iraq ở Thụy Điển - đã đốt kinh Koran bên ngoài nhà thờ Hồi giáo lớn nhất tại Stockholm.

Chính phủ một số quốc gia Hồi giáo như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Jordan và Morocco đã lên tiếng phản đối hành động đốt kinh Koran của ông Salwan. Iraq tìm cách dẫn độ người đàn ông này về nước để xét xử.

Mỹ cũng lên án hành động đốt kinh Koran, nhưng nói thêm việc Thụy Điển cấp giấy phép tụ tập là ủng hộ quyền tự do ngôn luận và không đồng nghĩa tán thành hành động đốt kinh Koran.

Thụy Điển và sự cố đốt Kinh Koran: hợp pháp chưa chắc hợp lýThụy Điển và sự cố đốt Kinh Koran: hợp pháp chưa chắc hợp lý

TTCT - Làm thế nào mà một người đàn ông "đầu đen", râu ria xồm xoàm, lại có thể thản nhiên đạp lên cuốn Kinh Koran nhiều lần, nhét những lát thịt xông khói vào, rồi đốt cháy mấy trang trước nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thủ đô Stockholm?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên