Theo Hãng tin Reuters, nhóm Prabowo-Gibran, tức nhóm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và Thị trưởng thành phố Surakarta Gibran Rakabuming Raka, đã giành được khoảng 58% số phiếu bầu trong cuộc kiểm phiếu nhanh, sau cuộc bầu cử hôm 14-2.
Nếu như vậy, ông Gibran có thể trở thành phó tổng thống trẻ nhất lịch sử của Indonesia.
Vậy nhưng, ông Gibran cũng bị trở thành đề tài bàn tán và bị dư luận đặt lên bàn cân để so sánh với chính cha mình là Tổng thống Widodo.
Bị đặt lên bàn cân với cha
Hãng tin Reuters nhận định có sự khác biệt giữa ông Gibran và cha ông là Tổng thống Widodo.
Bởi ông Widodo từng có 10 năm phục vụ công ích trước khi lên làm tổng thống Indonesia hồi năm 2014, trong khi ông Gibran chỉ làm thị trưởng thành phố Surakarta (hay còn được gọi là Solo) hai năm trước khi ứng cử vị trí phó tổng thống.
Trong khi ông Widodo được coi là người vượt qua những rào cản cũ, mở ra kỷ nguyên dân chủ mới thì hành trình thăng tiến quá nhanh của ông Gibran đã gặp phải không ít điều tiếng và nghi ngờ.
Con đường dẫn đến chiếc ghế phó tổng thống của ông Gibran cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu ông đã chuẩn bị như thế nào để bước lên vũ đài chính trị quốc gia, ngay cả khi chức vị phó tổng thống chỉ là vị trí có quyền lực và ảnh hưởng tương đối hạn chế.
Tuy nhiên, ông Gibran bày tỏ sự tin tưởng rằng ông đã sẵn sàng đảm nhận vai trò mới này trong bài phát biểu hôm 14-2, sau khi ông Prabowo tuyên bố chiến thắng.
“Ba tháng trước, tôi chẳng là gì cả. Họ nói tôi trống rỗng và tôi sợ phải đối mặt với các cuộc tranh luận. Nhưng có một điều chắc chắn rằng nhờ những lời cầu nguyện và sự ủng hộ của các bạn, ông Prabowo và tôi đã có mặt ở đây”, vị phó tổng thống tương lai trẻ nói hôm 14-2.
Tại Indonesia, phó tổng thống thường giữ vai trò khiêm tốn và chỉ làm việc khi được tổng thống giao nhiệm vụ cụ thể.
Thế nhưng, theo Reuters, có không ít lời đồn thổi cho rằng việc bổ nhiệm ông Gibran vào vị trí phó tổng thống, làm dấy lên suy đoán văn phòng phó tổng thống có thể sẽ được trao thêm nhiều quyền hạn hơn so với trước đây.
Vũ khí thu hút cử tri của ứng cử viên tổng thống
Theo Đài CNA, mức độ phổ biến của nhóm ông Ganjar Pranowo và ông Mohammad Mahfud Mahmodin chỉ nằm ở mức 24% đến 27%, nhóm ông Anies Baswedan và ông Muhaimin Iskandar nằm ở mức 21% đến 23%.
Trong khi đó, một số nhà thăm dò đánh giá mức độ phổ biến của nhóm Prabowo - Gibran nằm ở mức 45% đến 47%, vượt xa các nhóm đối thủ còn lại.
Sự nổi tiếng ngày càng tăng của nhóm Prabowo - Gibran được các chuyên gia gọi là hiệu ứng Jokowi, tức gọi theo tên của cha ông Gibran.
Trong suốt mùa vận động tranh cử từ ngày 28-11, ông Gibran khó có thể di chuyển ở bất cứ nơi đâu bởi hàng nghìn người hâm mộ vây quanh, hò hét không khác nào một ngôi sao.
Thậm chí, theo ghi nhận của Đài CNA, có những người hâm mộ ông Gibran cuồng nhiệt đến mức ẩu đả và té ngã chỉ để được một lần trông thấy “thần tượng”.
Thời điểm ông Prabowo chọn ông Gibran làm người đồng hành, nhiều chuyên gia đã tỏ ra nghi ngại bởi cả tuổi đời lẫn “tuổi nghề” của ông Gibran đều còn quá ít.
“Một số người nói rằng ông ấy còn quá trẻ và quá thiếu kinh nghiệm”, ông Budiman Sujatmiko, cố vấn nhóm vận động của nhóm Prabowo - Gibran, nói với CNA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận