11/08/2015 16:13 GMT+7

Hi Lạp và các chủ nợ đạt thỏa thuận thứ ba

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Hi Lạp đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về một gói cứu trợ sẽ giải ngân 86 tỉ euro (94 tỉ USD), theo Bộ Tài chính Hi Lạp ngày 11-8.

Các biện pháp khắc khổ đã nhiều lần dẫn tới những cuộc biểu tình lớn bùng phát thành bạo động tại Hi Lạp - Ảnh: voanews.com

Những cuộc thương lượng giữa Hi Lạp với các quan chức Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) đã hoàn tất vào sáng sớm 11-8, Hãng tin Bloomberg dẫn lời người phát ngôn Bộ Tài chính Hi Lạp Theodoros Mihopoulos.

Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos trao đổi với các phóng viên rằng những cuộc bàn thảo “còn lại một hoặc hai chi tiết rất nhỏ”.

Phát biểu của ông Tsakalotos được đưa trên Đài truyền hình Hi Lạp Skai TV.

Hi Lạp cần một thỏa thuận mới để tránh cảnh phải tuyên bố phá sản và rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro.

Thỏa thuận mới, với khoản tiền 86 tỉ euro giải ngân trong thời hạn ba năm, dự kiến được Quốc hội Hi Lạp thông qua ngay trong tuần này. Thời hạn chót tiếp theo với Hi Lạp là ngày 20-8, khi một khoản nợ 3 tỉ euro của nước này với ECB đáo hạn. 

Athens sẽ không thể trả khoản nợ đó nếu không nhận được gói cứu trợ thứ ba, chỉ trong vòng năm năm.

Những cuộc thương lượng xuyên đêm ở một khách sạn tại trung tâm Athens rốt cuộc đã đi tới một kết luận cuối cùng, theo lời ông Tsakalotos. Theo đó, Hi Lạp đồng ý lập một quỹ tư nhân hóa mới đẩy mạnh quá trình bán ra các tài sản thuộc sở hữu nhà nước và xử lý mạnh tay các ngân hàng ngập trong nợ xấu.

Đây là hai vấn đề then chốt trong cuộc thương lượng giữa Hi Lạp và các chủ nợ.

Vicky Pryce, kinh tế gia trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế học và kinh doanh London, nói với BBD rằng thảo thuận mới sẽ vấp phải không ít sự chống đối tại Quốc hội Hi Lạp.

“Sẽ có những người phản đối. Chắc chắn là khối thiên tả của Đảng cầm quyền Syriza sẽ không hài lòng với thỏa thuận này”, bà Pryce nói.

Bà cũng nhận định Thủ tướng Alexis Tsipras có thể lại phải tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng đối lập để thông qua gói cứu trợ thứ ba.

Hi Lạp đã phải dựa vào các cam kết cứu trợ tổng cộng 240 tỉ euro kể từ khi thị trường tài chính nước này mất tín nhiệm và không thể đi vay nợ từ năm 2010.

Để đổi lấy những khoản tài chính mới, nhiều chính phủ Hi Lạp thay thế nhau đã phải áp đặt hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và cải cách, giảm chi tiêu ngân sách, nhưng lại gây ra suy thoái trầm trọng với nền kinh tế và làm tăng mạnh tỉ lệ thất nghiệp.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên