11/09/2011 15:37 GMT+7

Hy Lạp huy động 7 nghìn cảnh sát dẹp biểu tình

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou ngày 10-9 đã khẳng định sẽ giữ nguyên các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu từ các chủ nợ của nước này bất chấp những cuộc biểu tình lan rộng trên đường phố.

PXxs2vYo.jpgPhóng to
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại thành phố Thessaloniki - Ảnh: Tân Hoa xã

Khoảng 7.000 cảnh sát, một kỷ lục, đã được huy động để ngăn cản khoảng 25.000 người biểu tình xung quanh tòa nhà nghị viện. Họ tiến hành hai vụ bắt giữ nhưng không có thông tin gì về thương vong.

“Ở vị trí của khu vực đồng euro hiện giờ... bất cứ sự trì hoãn, lượng lực và lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết của chúng ta... đều là nguy hiểm cho đất nước và người dân”, AFP dẫn lời ông Papanderou nói trước một cuộc tụ tập của khoảng 25.000 người biểu tình chống các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ. “Mỗi lần trì hoãn hay lưỡng lự, chúng ta đều phải trả giá đắt hơn”.

Chính phủ Hy Lạp đã cam kết cắt giảm chi tiêu cho lĩnh vực công, tự do hóa thị trường lao động và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Đổi lại, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro tuyên bố gói giải cứu 159 tỉ euro (223 tỉ USD) cho nước này hồi tháng 7. Tuy nhiên, hiện Athens chưa thể đáp ứng các yêu cầu cho đợt giải ngân tiếp theo.

Nhiều người Hy Lạp sợ rằng tài sản nhà nước sẽ bị bán với giá quá rẻ và tức giận vì khoảng 20.000 nhân viên trong lĩnh vực công sẽ bị sa thải, nhiều người khác bị cắt giảm lương trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 16% vào tháng 6.

Những vụ đụng độ đã nổ ra tại thành phố lớn thứ hai Hy Lạp, Thessaloniki, gần tòa nhà hội đồng thành phố nơi Papandreou phát biểu, giữa cảnh sát và những người biểu tình, với tấm băng-rôn lớn có dòng chữ: “Chúng tôi không nợ nần gì hết, không trả gì hết, không bán gì hết, không sợ gì hết”.

Cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và đẩy lùi khoảng 3.000 tài xế taxi trong số những người biểu tình. Ngành taxi là một trong những ngành được nhà nước tuyên bố tự do hóa, theo lộ trình cải cách của chính phủ. Nhiều thành viên các công đoàn trong cả hai lĩnh vực công và tư cũng tham gia cuộc biểu tình, cùng các cổ động viên của đội bóng địa phương Heraklis, vừa bị loại khỏi giải hạng nhất Hy Lạp.

BRp2MiwE.jpgPhóng to
7000 cảnh sát đã được huy động để dẹp biểu tình - Ảnh: Tân Hoa xã

Chính quyền Hy Lạp ngày 9-9 đã phủ nhận các tin đồn cho rằng họ có thể phải tuyên bố phá sản vào cuối tuần này, cho rằng đó chỉ là những tin đồn thất thiệt. Tuy nhiên, báo Đức Der Spiegel dẫn lời Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nghi ngờ khả năng Hy Lạp có thể tránh được một vụ phá sản và đang chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất, theo hai kịch bản, hoặc Hy Lạp vẫn ở lại khối đồng euro, hoặc phải sử dụng lại đồng tiền cũ của họ, đồng drachma.

Cũng ngày 10-9, Reuters dẫn lời Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos nói kinh tế nước này có thể suy thoái 5% trong năm nay, mức giảm tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán trước đó. “Suy thoái vượt xa mọi suy đoán”, Venizelos nói, ý ông muốn nhắc đến các dự báo của Liên minh châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). “Dự báo vào tháng 5 là suy thoái ở mức 3,8%, thực ra chúng tôi đang suy thoái ở mức 5%”.

Kinh tế Hy Lạp đã lần lượt suy giảm 7,3% và 8,1% trong hai quý đầu năm 2010. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng, bao gồm thuế má cao hơn, cắt giảm chi tiêu công và trợ cấp, đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên