Phóng to |
Các nhà lãnh đạo châu Âu trong những ngày qua liên tục nhấn mạnh khu vực đồng euro cần có một “chính quyền liên bang châu Âu” với một “bộ tài chính liên bang” có quyền kiểm soát các lĩnh vực như thuế, phát hành trái phiếu, ngân sách...
Thống nhất để hành động
“Một liên minh tiền tệ mà không có chính sách tài khóa liên bang và chính sách kinh tế thống nhất sẽ không thể hoạt động hiệu quả” - nhóm các cựu lãnh đạo EU, học giả cùng các nhà tư bản châu Âu đã khẳng định như thế khi gặp nhau tại Brussels ngày 5-9. Họ cho rằng việc thiếu một cơ quan tài chính trung ương để quản lý chính sách nợ và chi tiêu là nguyên nhân khiến EU không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 18 tháng qua.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet khẳng định: “Cuộc khủng hoảng cho thấy cần có sự quản lý mạnh mẽ trong khu vực sử dụng chung một đồng tiền”. Giám đốc khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Antonio Borges mới đây cũng nhấn mạnh: “Để vượt qua khủng hoảng, chúng ta cần thêm sự thống nhất của châu Âu”.
Mỗi chính sách lớn của EU hiện nay đều cần được đồng thuận từ tất cả các nước thành viên. Do vậy, mọi hoạt động đều diễn ra hết sức chậm chạp. Chẳng hạn như gói cứu trợ mới cho Hi Lạp. Các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất từ hồi tháng 7, nhưng đến giờ vẫn đang chờ được từng thành viên trong khu vực đồng euro thông qua. Quốc hội của bất kỳ nước thành viên nào cũng có quyền phủ quyết gói cứu trợ này. Hậu quả là thế bế tắc vẫn tiếp diễn.
Nhiều nhà kinh tế khẳng định cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, bắt đầu từ đầu năm 2010 khi Hi Lạp có nguy cơ vỡ nợ, lẽ ra có thể được giải quyết nhanh chóng hơn nhiều. “Nếu EU có một bộ tài chính, bộ này có thể đã đưa ra những đề xuất dựa trên lợi ích và mục tiêu chung của 17 nước thành viên, thay vì là 17 mục tiêu quốc gia riêng rẽ đối lập lẫn nhau - cựu quan chức IMF Garry J. Schinasi nhận định - Hậu quả là EU cứ luẩn quẩn, tiến hai bước nhỏ để rồi lại lùi ba bước lớn”.
Quyết tâm
Các nỗ lực thúc đẩy sự thống nhất tài chính đã được nêu ra từ lâu, nhưng vẫn chỉ dừng ở hậu trường với những tuyên bố còn chung chung. Điều này không mấy khó hiểu. Bởi lẽ ý tưởng thành lập một bộ tài chính châu Âu có trách nhiệm quản lý chính sách tài khóa của các nước thành viên, nghĩa là có quyền chia sẻ tài sản của các nước giàu cho những nước nghèo hơn, không được cử tri nhiều nước tán thành. Người dân của những nước giàu như Đức không muốn thấy tiền đóng thuế của mình bị sử dụng để cứu trợ các nước vay nợ quá nhiều. Còn các nước nghèo hơn không muốn nước ngoài kiểm soát chính sách tiền tệ, thuế má của chính phủ nước mình, tức xâm phạm chủ quyền tài chính và đồng tiền quốc gia của mình.
Lần này, xem ra các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết tâm hơn. Một số quan chức EU thừa nhận một sự cải tổ lớn đến thế sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng không thể không làm nếu muốn tránh nguy cơ tan rã của khối đồng euro. Theo nhà kinh tế Mỹ Nuriel Roubini, các nước như Đức cần phải nhận ra lợi ích của việc cải tổ này. “Đó là quyết định tối quan trọng nhằm xác định khối đồng euro có thể tiếp tục tồn tại hay không tồn tại” - chuyên gia Roubini nhấn mạnh.
Thị trường chứng khoán vẫn sụt giảm Theo Reuters, thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu vẫn sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 6-9 do nỗi lo khủng hoảng nợ châu Âu. Giá euro giảm xuống mức thấp nhất trong vòng bảy tháng qua: 1 euro đổi được 1,4055 USD. Giá vàng tăng lên mức kỷ lục mới 1.919 USD/ounce, trong khi giá dầu thô giảm hơn 3 USD, còn 83,3 USD/thùng. Giới đầu tư lo ngại khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục lan sang Ý và Tây Ban Nha. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Ý tăng vọt gần 5,6%, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8. Ngân hàng Deutsche (Đức) cảnh báo khủng hoảng nợ sẽ khiến lợi nhuận của giới ngân hàng sụt giảm trong vài năm tới và có thể làm sụp đổ những ngân hàng yếu kém. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận