Kỳ 1: Chiếc lá tránh thaiKỳ 2:Thầy lang núi và phương thuốc lạKỳ 3:Cà răng, căng tai
Phóng to |
Lễ hội đâm trâu của người Vân Kiều - Ảnh: XUÂN DŨNG |
Nghi án thảm sát lúc nửa đêm
Hồi nhỏ tôi đã nhiều lần nghe một vụ trả thù bí ẩn tại vùng trung du Cam Lộ (Quảng Trị) liên quan đến ngải. Khi làm báo, tôi đã nhiều lần dò hỏi chuyện này. Ông Trần Văn Quế năm nay gần 60 tuổi, hồi trước sống tại khu vực nay là thị trấn Cam Lộ, quả quyết đó là chuyện có thật.
Ông còn nói thêm nếu muốn biết tường tận, hãy tìm đến một bậc cao niên là ông Lê Văn Đen, gần 90 tuổi, nắm rất rõ sự tình.Tôi tìm gặp ngay ông Đen ở thị trấn Cam Lộ. Sau một thoáng e ngại lúc mới gặp, ông bắt đầu kể vanh vách.
...Vào một đêm khuya của mùa hè 1966, khi người dân khu định cư Cam Lộ đang say nồng giấc ngủ, chợt nghe tiếng máy bay vút qua, rồi có tiếng nổ long trời lở đất. Mọi người hốt hoảng bật dậy khỏi giường, nhìn ra ngoài thấy cả xóm Vân Kiều bên cạnh lửa cháy bùng lên.
Mọi người nhốn nháo hỏi nhau sao bom lại thả vào xóm nhà người Thượng, là khu vực trong vòng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Cả chín nóc nhà cháy trụi, người chết nằm la liệt. Chi khu quân sự quận Cam Lộ báo động liên hồi. Hôm sau, chính quyền thông báo do phi công bay đêm chấm nhầm tọa độ nên đã ném bom nhầm vào nhà dân. Vụ ném bom vào xóm Vân Kiều rồi cũng dần lắng xuống, nhưng người dân vùng này không một ai tin đó chỉ là tai nạn.
Số là thời ấy có viên quan chức làm ở quận lỵ Cam Lộ tên Cáo, dân gọi là Quận Cáo. Người này trong một lần đánh bạc với ông Vìa, một người Vân Kiều, thì xảy ra xích mích. Quận Cáo thua liên tục nên cho rằng ông Vìa chơi gian rồi bạt tai ông Vìa trước mặt người khác.
Ông Vìa chỉ cười nhạt và nói:”Miềng không chơi ăn gian, ông thích đánh thì cứ đánh”. Quận Cáo càng nổi nóng định đánh tiếp nhưng mọi người can ngăn nên lại thôi.
Sau chuyện gây sự ít lâu, ông Vìa chủ động mời Quận Cáo giảng hòa và nhậu nhẹt với nhau. Độ ba tháng sau, Quận Cáo đau trong ruột, nhưng đi khám nhiều nơi vẫn không thấy bệnh. Người ông ta ngày càng teo tóp dù ăn uống tẩm bổ không thiếu thứ gì. Quận Cáo vào tận Sài Gòn để khám ở tổng y viện Cộng Hòa, là bệnh viện quân đội lớn nhất ở miền Nam thời bấy giờ, nhưng cũng không phát hiện được bệnh gì. Nhà ông ta tìm đủ thầy thuốc đông tây y nhưng đều bất lực. Lại coi bói, cúng bái tứ phương mà bệnh tình Quận Cáo lại ngày một nặng thêm.
Cả quận Cam Lộ cùng rộ lên lời đồn Quận Cáo đã bị bỏ ngải trong bữa tiệc giảng hòa, loại ngải khô (là thứ thuốc độc đặc biệt làm cho người bị đầu độc ngày càng khô đét cho đến chết, khác với ngải nước là khiến người bị hại phình người ra mà thiệt mạng).
Đương nhiên khi bàn tán như vậy, người ta nghi thủ phạm chính là ông Vìa. Nghe nói trước lúc chết, con bệnh còn trối trăng phải trả thù. Quận Cáo có một người em ruột là phi công lái máy bay chiến đấu trong quân lực Sài Gòn. Xâu chuỗi tất cả chuyện này lại, mọi người cho rằng đã có chuyện em ruột trả thù cho anh trai mình. Người ta bảo sao nửa đêm lại ném bom chính xác đến mức chỉ xóa sổ cả xóm Vân Kiều, trong đó có ông Vìa, còn xóm khác không hề hấn gì.
Ông Đen bảo chuyện này người ta nói rần rần một dạo, tuy nhiên vẫn chưa có cơ sở để xác định chính xác về chuyện đầu độc bằng ngải và trả thù sau đó. Dù sao đi nữa đó cũng là một trang sử bi thương của vùng quê Cam Lộ.
Phóng to |
Ông Hồ Văn Hải, người được cho là còn nắm được bí quyết về ngải độc Ảnh: X.DŨNG |
Thuốc độc từ cây amưng?
Người ta thường giải thích ngải là một loại thuốc độc đặc biệt và cách đầu độc cũng thật đặc biệt, thường thông qua chuyện ăn uống, thậm chí là chỉ một cái bắt tay trong giao tiếp.
Theo những lời đồn thổi từ dân gian thì có những người mắc ngải bị “thư” vào bụng những vật lạ như trứng lộn và một nhúm tóc, rồi đổ bệnh mà chết.
Có đi khám cũng không tìm ra bệnh, chạy chữa cũng vô ích. Chỉ có cách mời thầy ngải lấy ngải ra mới khỏi. Chuyện thư trứng lộn và tóc vụn vào bụng mang màu sắc huyền bí, nhưng chuyện mời thầy bóc ngải thì có thật. Chẳng qua là cách giải độc mà thôi, nhưng để bóc ngải ra cũng không hề đơn giản. Thầy bóc ngải phải cao tay ấn, đẳng cấp phải hơn hoặc chí ít phải bằng người bỏ ngải.
Nếu ở miền xuôi người ta thoải mái nói về ngải, nhưng lên miền núi đây là chuyện nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ. Khi được hỏi chuyện này, người Vân Kiều tỏ ra khó chịu và cảnh giác. Dù có thân tình, họ cũng chỉ nói qua loa vài câu rồi chuyển đề tài.Tôi đã gặp phải nhiều lần như thế.
Hôm ấy, tôi lên tìm lại già làng Hồ Văn Chiến ở bản Khe Vấn, thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đăk Rông, Quảng Trị, để hỏi chuyện ngải.
Ông già Vân Kiều này từng nhiều năm tham gia bộ đội và là một từ điển sống vùng cao. Chuyện trò một lúc, tôi mới hướng sang đề tài ngải. Nhưng mặc cho tôi gợi chuyện, kể cả chiêu “khích tướng” để ông bực mình góp chuyện cũng chẳng ăn thua. Vị già làng cứ ngồi yên, ậm ừ chiếu lệ cho đến khi chai rượu cạn và lời năn nỉ của tôi đã làm ông xiêu lòng.
Theo ông, thực chất ngải là một loại thuốc độc của người vùng cao, được điều chế từ cây rừng, thường dùng là cây amưng, một loại cây hiếm gặp ngay ở núi cao rừng rậm và không phải nơi nào cũng có, người nào cũng biết. Chỉ có những chuyên gia về ngải mới biết amưng nằm ở đâu. Cái lạ của loại độc dược này, theo già Chiến, người trúng độc không chết liền mà phải sinh bệnh, đau đớn một thời gian, ngắn vài tháng, dài thì vài năm rồi mới chết.
Được dịp tôi hỏi thêm: ”Nghe kể rằng người ta nuôi ngải từ một con sâu độc, cấy vào búp măng đang sống ở cây tre để nuôi sâu luyện ngải. Con sâu đó tiết ra một chất rất độc gọi là ngải. Và mỗi năm, người nuôi ngải phải giết chết một người.
Nếu không sẽ bị ngải phạt mất mạng. Chuyện này thế nào bố ơi?”. Trầm ngâm một lúc, ông bảo: ”Thì cũng có nghe nói vậy. Đúng là có nhiều cách luyện ngải. Người có ngải cũng phải cúng giàng để xin phù hộ cho mình. Cũng có nhiều người mê tín mà tin thế. Nhưng còn chuyện phải giết để khỏi mất mạng vì bị ngải phạt thì chắc hẳn không có. Người ta đồn đại cho ly kỳ đó mà”. “Ở bản này còn ai có ngải không bố?”. “Không biết mô, mà chắc thời chừ cũng chẳng còn được mấy người”, già Chiến buông một câu lơ lửng...
Vậy là tôi vẫn chưa gặp được người có ngải. Tôi lại tìm đến ông Nguyễn Văn Đoàn, năm nay gần 90 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa hiện sống tại xóm Nà, thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, gắn bó lâu năm với người Vân Kiều.
Ông kể rằng ngày trước hoạt động cách mạng trên vùng cao Quảng Trị, ông nghe nói nhiều về ngải. Mỗi lần đến chỗ lạ, cơ sở cán bộ vẫn nhắc ông phải cẩn thận trong khi ăn uống, nhất là với những người khả nghi và bất hảo. Ông biết hai người có ngải là ông Trẹng và ông Xười nhưng cả hai đều đã chết vì tuổi già.
Tôi lại tiếp tục dò la tung tích ông Hồ Văn Hải ở bản Kà Reng, vùng núi Đakrông, con của một gia đình khét tiếng về ngải, mấy đời cha truyền con nối.
Dọc đường vào bản, khi hỏi nhà ông, người dân bản nhìn tôi dò xét. Khi tôi chào, ông Hải nhìn tôi soi mói.Trước mặt tôi là một con người tầm vóc nhỏ bé, chẳng có điều gì đặc biệt, duy đôi mắt nhỏ có ánh nhìn sắc lạnh. Tôi đánh bạo nói mình là cán bộ văn hóa, lên vùng cao tìm hiểu phong tục tập quán. Ông ậm ừ trong cổ. Tôi hỏi vu vơ một lúc, ông nghe chẳng mặn mà và trả lời nhát gừng, thỉnh thoảng lại nheo mắt nhìn cảnh giác. Tôi hỏi đại: ”Bố ơi,vùng cao mình còn ai có ngải nữa không?”. Như chạm nọc, ông quắc mắt nhìn tôi:”Không biết, đi mà hỏi người khác”. Tôi vội vàng cáo từ.
Khi tôi hỏi đến chuyện ngải độc miền núi Quảng Trị, bác sĩ Trương Xuân Nhuận, trưởng khoa ngoại chấn thương - bỏng Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, cho hay đã nghe nhiều chuyện về ngải và theo ông đó chỉ là một loại thuốc độc khá đặc biệt. Nhưng muốn tường minh về nó cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc.
-----------------------------------
Kỳ tới: Rừng thiêng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận