Phóng to |
Thầy lang Hồ Văn Hùng với các món thuốc bí truyền của người Vân Kiều - Ảnh: Xuân Dũng |
Phóng to |
Thầy lang Hồ Văn Hùng thăm bệnh - Ảnh: Xuân Dũng |
Lá rừng, rượu và... thổi
Anh Trần Văn Hoàn, 53 tuổi, một nông dân vùng Cam Lộ (Quảng Trị) không may bị tai nạn xe máy gãy chân phải đi bệnh viện mổ sắp lại xương và bên ngoài dùng nẹp cố định. Cả tuần sau, chân anh vẫn còn sưng vù. Bác sĩ chẩn đoán ít nhất khoảng ba tháng sau mới bắt đầu hồi phục. Được người quen giới thiệu, người nhà đưa anh lên xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) để thầy lang người Vân Kiều tên Hồ Văn Hiền chữa trị.
Hằng ngày, thầy lang vào núi hái một thứ lá rừng vò nát đắp vào ngoài da đoạn chân gãy, rồi ngậm rượu trong miệng thổi vào vết sưng tấy. Là người có học nên nhìn cách thầy lang chữa trị, anh Hoàn thắc mắc trong lòng nhưng bấm bụng không dám hỏi. Thôi thì gặp nạn phải vái tứ phương! Anh thầm nghĩ và hi vọng biết đâu “phước chủ duyên thầy”. Nhưng thật lạ lùng, 10 ngày sau anh thấy chân mình đỡ đau hẳn và cử động cũng dễ dàng hơn nhiều. Thầy lang Hiền cho anh “xuất viện” với lời dặn khoảng một tháng sau sẽ đi lại được. Quả đúng như vậy.
Kể chuyện này với tôi, anh Hoàn vẫn còn tấm tắc: ”Thầy lang gọi cách chữa bệnh này là thổi. Một nắm lá rừng, một xị rượu, vừa ngậm rượu vừa thổi, khấn vái nghe như cúng ma. Vậy mà vết thương mau lành mới lạ chứ. Nếu bản thân mình không trực tiếp gặp họ chữa trị thì chắc cũng không tin đó là chuyện có thật”.
Bác sĩ Trương Xuân Nhuận, trưởng khoa ngoại chấn thương - bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, xác nhận cách chữa bệnh huyền bí của dân tộc Vân Kiều có tác dụng rõ rệt đối với các chấn thương phần mềm, cơ, gân và bổ trợ phần nào cho sự phục hồi của xương khi bị chấn thương. Tuy nhiên, nếu quá tin vào “phép lạ” này khi điều trị gãy xương thì cần phải xem lại vì không có cơ sở khoa học, thậm chí có thể gây nên những hậu quả nguy hại. Muốn làm rõ cách chữa bệnh của đồng bào Vân Kiều cần phải có nghiên cứu thực nghiệm, mà cho đến nay y học vẫn chưa chú ý đến vấn đề này. Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Quảng Trị, cho biết sắp tới huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sẽ tiến hành nghiệm thu một đề tài nghiên cứu về cách chữa bệnh dân gian của đồng bào miền núi, trong đó có dân tộc Vân Kiều. Điều này thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với y học dân tộc. Hi vọng qua cuộc nghiên cứu này sẽ hé mở phần nào tấm màn huyền bí trong cách chữa bệnh của đồng bào dân tộc Vân Kiều. |
Một trường hợp khác, bà Lê Thị Hóa, 70 tuổi, ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị ngã gãy xương vai đi bệnh viện bó bột. Khi chụp phim kiểm tra lại thấy bị lệch xương. Nếu cắt băng ra bó bột lại thì đã muộn, phải mổ để sắp xương. Nghe lời giới thiệu của người quen, con trai liền chở mẹ lên huyện Đakrông gặp ông Hồ Văn Hùng, môt thầy lang núi. Ông Hùng sau khi xem xét vết thương cũng đã đắp thuốc, thổi cho bà. Năm ngày sau tay bà hết đau, cử động dễ dàng.
Người viết bài này được tận mắt chứng kiến chuyện lạ của thầy lang núi khi cùng đồng nghiệp lên huyện miền núi Đakrông thực hiện phóng sự về đời sống đồng bào vùng cao. Khi lội qua suối, Thắng trượt chân ngã rồi kêu đau chân, không thể đi tiếp được. Tôi đã nghĩ đến chuyện nhờ người mượn võng gánh Thắng ra đường tìm cách về xuôi thì chợt thấy một người dân Vân Kiều đi qua. Tôi hỏi có ai thổi giúp cái chân đau này không. Người thanh niên Vân Kiều dìu Thắng vào nhà thầy lang.
Chủ nhà cười bảo đây là chuyện vặt không có gì phải lo. Thầy lang núi chiêu một hớp rượu, vừa xoa bóp chân Thắng vừa thổi rượu vào chân Thắng. Tôi hồi hộp đợi chờ nhưng không hi vọng lắm với lối chữa lạ kỳ đó. Nhưng chỉ khoảng 15 phút sau Thắng đã hết đau, chân cử động bình thường, mặt mày tươi tỉnh lại. Thầy lang cười bảo cứ đi bộ về, không việc gì phải lo sợ. Chúng tôi rối rít cảm ơn và tiếp tục lên đường, vừa đi vừa không ngớt trầm trồ về y thuật kỳ bí của dân tộc Vân Kiều.
Chuyện khó tin
Chị Trần Thị Nữ, sinh năm 1970, một người buôn bán gỗ mít ở xã miền núi Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), không may lâm nạn. Trong khi chỉ đạo thợ bốc vác gỗ, chị Nữ đã ghé vai đưa gỗ lên ôtô. Do sơ ý, một cây gỗ mít rơi xuống đánh mạnh vào người chị làm gãy xương chậu. Gia đình tức tốc đưa chị vào một bệnh viện ở Huế. Bác sĩ cho biết không thể phục hồi xương chậu chị Nữ, vì ngoài bó bột không còn cách nào khả thi để chạy chữa. Mà bó bột cho phụ nữ trong ca này là hoàn toàn không thể có tác dụng. Có thầy thuốc còn nói thêm: ca này có đưa ra nước ngoài cũng chịu. Gia đình đưa chị Nữ về trong nỗi tuyệt vọng, từ đây đến cuối đời chỉ còn nằm một chỗ trên giường.
Gia đình vẫn tiếp tục chạy ngược chạy xuôi tìm thầy thuốc, từ thầy đông y cho đến các thầy lang trong dân gian. Có người vừa mới nghe bệnh viện lớn trả về đã lắc đầu quầy quậy, có người đến nhà hỏi han rồi thở dài bỏ đi. Đang trong tình cảnh ấy, có người mách nước nhờ thầy lang Vân Kiều xem sao. Vậy là người nhà chị Nữ lên xã Hướng Hiệp (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tìm một bà lang núi tên Hồ Thị Tam, khẩn khoản cậy nhờ. Bà lang nhận lời cứu chữa. Cả nhà chị Nữ nửa mừng nửa lo, nín thở đợi chờ phép lạ. Tôi tìm đến nhà chị Nữ để xem thầy chạy chữa ra sao cho một trường hợp nan y hi hữu. Bà con xóm giềng cũng kéo đến xem khá đông dù không tin lắm vào cách chữa bệnh có vẻ quá ư giản đơn này.
Anh Phạm Văn Hiền ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối, đều đặn chở bà lang từ trên núi về làm thuốc cho vợ. Thầy lang với một nắm lá rừng phơi khô đắp lên vết thương, một chai rượu phun vào vết thương, vừa phun vừa thổi cùng với bàn tay xoa bóp. Thật bất ngờ, sau ba tuần chữa trị, chị Nữ đã đứng lên và bước đi chậm chạp. Sau ba tháng thì hoàn toàn bình phục, có thể làm mọi việc như trước. Tôi gặp lại chị Nữ mà không tin vào mắt mình. Hệt như có phép mầu chỉ có thể tin mà không thể lý giải. Giờ đây gặp lại chị Nữ nếu không nghe kể thì không ai nghĩ chị từng gặp đại họa, bệnh viện trả về nằm liệt giường vô vọng. Chị Nữ tươi cười nói: ”Tôi cứ tưởng mình đã tàn đời khi bệnh viện trả về. Như thể chết đi sống lại”.
Tôi lân la hỏi chuyện thầy lang Hồ Văn Hùng về cách chữa bệnh của người Vân Kiều, ông cười đáp: “Miềng cũng chỉ học được từ người đi trước. Lá rừng phải đi hái, tay nghề là phải rèn luyện, khấn vái trong khi thổi thì xưa bày nay làm thôi, không phải phù phép chi mô. Còn vì răng bệnh hắn lành thì mình chịu, không giải thích được. Các thầy của miềng cũng không giải thích được. Chỉ biết chữa lành bệnh giúp người là được rồi!”.
_________________
Kỳ tới: Cà răng căng tai
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận