28/05/2021 19:37 GMT+7

Huế ra mắt trung tâm điều hành '4 không 1 có' ở UBND tỉnh

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra mắt hướng đến mục tiêu '4 không 1 có' gồm: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa.

Huế ra mắt trung tâm điều hành 4 không 1 có ở UBND tỉnh - Ảnh 1.

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra mắt Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: NGỌC MINH

Chiều 28-5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) tổ chức khai trương Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trung tâm này đặt tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, số 16 Lê Lợi, TP Huế.

Trung tâm điều hành UBND tỉnh sẽ giúp lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành có thể theo dõi sát sao nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực đời sống, kinh tế xã hội như: chất lượng dịch vụ y tế, thông tin môi trường, tình hình giải quyết thủ tục hành chính, giám sát giao thông, giám sát thiên tai, bão lũ và đặc biệt là phản ánh của người dân về những bất cập xảy ra trên địa bàn...

Những dữ liệu được tổng hợp đưa về trung tâm sẽ là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra những quyết định xử lý nhanh chóng, chính xác và đáp ứng nhanh, giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân.

Trung tâm này còn được kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Huế ra mắt trung tâm điều hành 4 không 1 có ở UBND tỉnh - Ảnh 2.

Toàn cảnh khu phòng họp đặt tại Trung tâm điều hành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: NGỌC MINH

Trung tâm điều hành UBND tỉnh còn có chức năng là phòng họp thông minh, được xây dựng trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, với các tính năng nhận diện được khuôn mặt, chuyển tài liệu từ dạng văn bản nói sang văn bản viết và lưu trữ được toàn bộ nội dung cuộc họp; giúp chủ tọa biểu quyết các vấn đề cần biểu quyết, lấy ý kiến, thống kê được các ý kiến của các thành viên dự họp, phần mềm tích hợp chức năng họp trực tuyến, giúp người sử dụng vừa họp không giấy tờ vừa có thể họp trực tuyến ở bất cứ địa điểm nào.

Trong trường hợp đặc biệt như mưa lũ, cứu hộ cứu nạn, kiểm soát dịch bệnh... trung tâm này cũng có thể biến thành sở chỉ huy khẩn cấp, nơi những người đứng đầu tỉnh có thể trực tiếp nhận định, đưa ra các quyết sách kịp thời tùy vào tình huống.

Việc đưa trung tâm này vào hoạt động nằm trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh, hướng đến hoàn thành mục tiêu "4 không 1 có" gồm: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt và dữ liệu có số hóa.

Trước đó tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa vào hoạt động trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, nơi tích hợp dịch vụ công, nhận phản ánh của người dân thông qua ứng dụng Hue-S. Sau khi trung tâm này đưa vào hoạt động đã nhận được sự phản hồi, tương tác tích cực đến từ người dân trong tỉnh.

Thừa Thiên Huế muốn có mạng xã hội riêng Thừa Thiên Huế muốn có mạng xã hội riêng

TTO - Tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn cùng Viettel xây dựng một mạng xã hội riêng trên nền tảng ứng dụng phản ánh hiện trường Hue-S do Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh quản lý.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên