
Cò nhạn, hay còn gọi là cò ốc được bắt gặp xuất hiện trên một cánh đồng lúa ở thị xã Hương Trà (TP Huế) - Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG
Ngày 7-4, Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho biết đơn vị có kế hoạch bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm vừa xuất hiện tại thị xã Phong Điền.
Theo đó, vừa qua kiểm lâm TP Huế phát hiện một quần thể cò nhạn, hay còn gọi là cò ốc, với số lượng gần 100 con xuất hiện ở thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và một số vùng lân cận. Đây là loài cò quý hiếm, rất ít khi xuất hiện tại khu vực này.
Nhằm bảo vệ quần thể cò nhạn quý hiếm nói trên, đồng thời bảo vệ các loài chim hoang dã và chim di cư khác có khả năng xuất hiện trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm thị xã Phong Điền đã xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài chim hoang dã tại thị xã.
Theo đó, kiểm lâm sẽ tăng cường tần suất tuần tra tại các khu vực xuất hiện cò nhạn và các loài chim di cư khác, bao gồm vùng Ngũ Điền và các xã, phường: Phong An, Phong Hiền, Phong Sơn và Phong Xuân.
Trong các đợt tuần tra, nếu bắt gặp cò nhạn hay các loài chim quý hiếm, lực lượng kiểm lâm sẽ chụp ảnh, quay clip để làm tư liệu nghiên cứu.
Kiểm lâm cũng sẽ tăng cường kiểm tra, nắm tình hình và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, tàng trữ, mua bán, săn bẫy các loài chim trời, đặc biệt là loài cò nhạn quý hiếm trái quy định.
Cò nhạn quý hiếm cỡ nào?
Theo Chi cục Kiểm lâm TP Huế, cò nhạn - hay còn gọi là cò ốc, có tên khoa học là Anastomus oscitans, là một loài chim thuộc họ hạc. Cò nhạn chủ yếu có màu trắng với đôi cánh màu đen bóng và đuôi có ánh lục hay tía. Những con trưởng thành có mỏ với một khoảng hở hẹp, hình thành bởi hàm dưới uốn ngược và hàm trên hình vòng cung rất đặc biệt. Bộ lông chim trưởng thành thay đổi theo mùa.
Ở Việt Nam, cò nhạn thường thấy nhiều ở Đồng Tháp Mười, miền Tây Nam Bộ và các vùng ngập nước.
Thức ăn chính của loài cò nhạn là ốc, đặc biệt là ốc bươu vàng nên chúng được xem là "cứu tinh đồng ruộng" trong việc kiểm soát sinh vật gây hại. Cò nhạn là loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận