13/01/2019 13:25 GMT+7

Huawei trong ván cờ của ông Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Liệu nhiều nước đang tẩy chay Huawei có phải là chiến thuật gây sức ép tối đa quen thuộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán thương mại?

Huawei trong ván cờ của ông Trump - Ảnh 1.

Huawei được cho là con bài chiến lược của ông Trump để gây sức ép với Trung Quốc trên bàn đàm phán thương mại - Ảnh: Reuters

Chào mừng đến với chiến tranh lạnh mới, nơi vũ khí là công nghệ và thông tin thay vì xe tăng. Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để vẽ lại bản đồ thế giới.

Janice Stein (giáo sư về quản lý xung đột tại Đại học Toronto, Canada)

Nhiều người cho rằng Huawei được xem là quân cờ của bàn cờ ngoại giao thời công nghệ giữa một bên gồm Mỹ và các nước, bên còn lại là Trung Quốc.

Câu chuyện của Huawei đã phản ánh một sự thật rằng chưa bao giờ người ta thấy Mỹ thành công như vậy trong việc liên kết các nước đồng loạt bày tỏ sự lo ngại thẳng thừng trước Trung Quốc.

Liên kết các nước

Ba Lan là ví dụ mới nhất cho làn sóng này với việc bắt ông Vương Vĩ Tinh, giám đốc bán hàng của Huawei tại Ba Lan. Lý do cho đến nay vẫn nằm ở yếu tố an ninh mạng, khi Warsaw cáo buộc ông Vương dính líu đến đường dây gián điệp.

Dư luận lập tức liên kết trường hợp trên với vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính và là ái nữ của nhà sáng lập Huawei.

Vụ bắt bà Mạnh được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ. Giới quan sát Trung Quốc cũng lập tức quy Ba Lan vào diện "thân Mỹ", khi nhà nghiên cứu Zhao Junjie tại Viện nghiên cứu châu Âu, thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cảnh báo Ba Lan không nên "quá gần gũi" với Mỹ, đặc biệt trong vụ Huawei.

Nhưng bất kể thế nào, một thực tế là Huawei hiện bị "dí" từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Úc cho đến khắp châu Âu. Cho tới nay nhiều nước lớn ở lục địa già như Anh, Pháp, Đức và Na Uy đều bày tỏ lo ngại về việc sử dụng thiết bị hạ tầng mạng do Huawei cung cấp.

Nói như ông Abigail Grace, nhà nghiên cứu trong chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, đây là lần đầu tiên nhiều người nhìn thấy một "mặt trận đoàn kết" lên tiếng buộc tội Trung Quốc mạnh mẽ như vậy.

Nhận định trên của ông Grace được phát trên CNBC từ tháng 12-2018, thời điểm vụ bắt bà Mạnh vẫn đang là tâm điểm.

CNBC đánh giá tích cực cho ông Trump ở việc tận dụng tiếng nói của các đồng minh, đối tác để gây sức ép lên các nước mà Washington đang nhắm tới. Sau những chỉ trích trên mặt báo, các đồng minh của Mỹ âm thầm làm theo và đây lại là điều ít người để ý.

Việc này cũng được thể hiện rõ qua trường hợp Iran. Dù lên tiếng chỉ trích ông Trump về quyết định rút khỏi hạt nhân Iran, rốt cuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 9-1 cũng thống nhất trừng phạt Iran.

Lý do cho lệnh trừng phạt này là cáo buộc nhằm vào việc Tehran đứng sau các vụ thanh trừng đối thủ chính trị trên đất Đức, Đan Mạch và Pháp. Dẫu dùng bất cứ điều gì để giải thích thì Mỹ và đồng minh vẫn đang "hát cùng một tông".

Mũi tên trúng nhiều đích

Vấn đề là "dàn đồng ca" này cất tiếng luôn rất đúng thời điểm có lợi cho Mỹ.

Cụ thể, vụ bắt giữ ông Vương ở Ba Lan được đưa lên mặt báo ngay sau khi hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng đàm phán thương mại đầu tiên kể từ sau tuyên bố 90 ngày không áp thêm thuế nhập khẩu lên nhau. Kết quả cuộc đàm phán ấy đi đến thống nhất rằng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán ở cấp cao hơn vào cuối tháng 1 này.

Đã xuất hiện những bài viết cho rằng Huawei đang bị biến thành một con bài của Washington trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Tính thời điểm của những cáo buộc nhằm vào Huawei và Trung Quốc cũng diễn ra gần như ngay trước khi hai bên ngồi vào thảo luận.

Hôm 8-1, tức ngày đầu tiên của cuộc đàm phán tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cấp thứ trưởng, tờ Wall Street Journal đăng bài điều tra nói quan chức Trung Quốc đề nghị "giúp đỡ Malaysia" che đậy vụ bê bối quỹ đầu tư quốc gia 1MDB.

Không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu áp lực lập tức đặt lên vai Trung Quốc như thế nào. Đó là lý do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khi đề cập vụ 1MDB đã nhắc về chuyện hai bên "cần cư xử có trách nhiệm đối với việc tạo ra điều kiện tốt nhất" cho đàm phán thương mại.

Giờ còn chừng nửa tháng cho đến ngày đàm phán cấp cao hơn, chưa rõ liệu ai đang cần "cư xử có trách nhiệm" để chốt được một đồng thuận.

Việc nhắm vào Huawei cũng bị giới quan sát cho rằng đa số tập trung vào hạ tầng mạng không dây thế hệ thứ 5 (mạng 5G). Vì vậy, chuyện ngăn chặn được hiểm họa an ninh mạng từ Trung Quốc cũng mở đường cho một cuộc chạy đua 5G mới được tái khởi động.

Huawei đã bị biến thành tâm điểm mâu thuẫn ngoại giao, từ đó cũng ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia cáo buộc. Tờ Globe and Mail của Canada ngày 12-1 cũng đã cảnh báo rằng ý định ký thỏa thuận thương mại song phương Canada - Trung Quốc gần như tan biến.

Bắc Kinh muốn gặp ông Vương Vĩ Tinh

Kênh truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc ngày 12-1 đưa tin Bắc Kinh đang tìm cách tiếp cận lãnh sự đối với Vương Vĩ Tinh, giám đốc bán hàng của Huawei tại Ba Lan, với cáo buộc gián điệp.

CCTV dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ vụ việc và đã đề nghị được thăm lãnh sự sớm nhất có thể đối với ông Vương. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan đã đề nghị phía Ba Lan "đảm bảo những quyền lợi hợp pháp, lợi ích và đối xử nhân đạo, an toàn" với nhân vật này.

D.AN

Huawei sa thải giám đốc mới bị bắt ở Ba Lan Huawei sa thải giám đốc mới bị bắt ở Ba Lan

TTO - Công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) hôm 12-1 tuyên bố sa thải Wang Weijing (Vương Vỹ Kinh), trong một động thái làm rõ việc không dính líu tới cáo buộc gián điệp.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên