Tối hậu thư của ông Trump với Nga

Ông Trump gia tăng áp lực với Matxcơva nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine bằng việc nói sẽ cung cấp vũ khí mới cho Kiev và sẽ trừng phạt thuế 100% với những nước làm ăn với Nga trong 50 ngày tới nếu Matxcơva không chịu đàm phán.

ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tối hậu thư khi ông ngày càng không hài lòng với ông Putin - Ảnh: FINANCIAL TIMES

Ngày 14-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hai bước nhằm buộc Nga chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Động thái này phản ánh sự thay đổi đáng kể trong lập trường của ông Trump về cuộc xung đột tại Ukraine, khi ông nói ngày càng thất vọng với ông Putin và coi nhà lãnh đạo Nga là trở ngại chính khiến cam kết chấm dứt nhanh cuộc chiến của ông chưa thể thực hiện.

Vũ khí và áp lực kinh tế

Phát biểu cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết hệ thống phòng không Patriot và các vũ khí khác sẽ được chuyển giao nhanh chóng cho Ukraine.

Mỹ sẽ bán vũ khí cho NATO, các nước này sẽ trả tiền và chuyển chúng cho Ukraine hoặc dùng để thay thế cho các vũ khí đã viện trợ trước đó.

Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen ca ngợi: "Quyết định gửi thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, được thực hiện nhờ khoản đầu tư có ý nghĩa của các đối tác châu Âu, sẽ cứu sống vô số người Ukraine trước những cuộc tấn công kinh hoàng của Nga".

Kế hoạch này cho thấy cách các lãnh đạo NATO đã "giải mã" được ông Trump và tìm ra cách hợp tác hiệu quả.

Kế hoạch cũng thể hiện bản chất "giao dịch" trong chính sách của đương kim Tổng thống Mỹ khi hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho Washington từ việc châu Âu mua vũ khí Mỹ.

Tuy nhiên, bà Jennifer Kavanagh từ tổ chức Defense Priorities cho rằng việc giao vũ khí mới có thể mất vài tháng hoặc vài năm. Về phía Nga, bà Kavanagh nhận định: "Ông Putin đánh giá Nga đang có lợi thế trên chiến trường và Mỹ hay châu Âu không thể gây áp lực đủ mạnh.

Việc viện trợ thêm cho Ukraine khó có thể làm thay đổi cán cân quân sự đáng kể, và ông Putin sẵn sàng chịu đựng các biện pháp trừng phạt bổ sung".

Nghi ngờ tính khả thi

Ông Trump tuyên bố sẵn sàng áp mức thuế quan 100% đối với cả Nga và các đối tác thương mại của Nga nếu không đạt thỏa thuận ngừng bắn sau 50 ngày. Tuy nhiên mức thuế trực tiếp đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Nga.

Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2024 Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 3 tỉ USD hàng hóa từ Nga, chủ yếu là phân bón, sắt thép và uranium.

Lời đe dọa áp thuế thứ cấp với bất kỳ quốc gia nào tiếp tục giao thương với Nga có thể gây tác động mạnh hơn, đặc biệt với ngành năng lượng Nga.

Ấn Độ hiện nhập gần 40% dầu mỏ từ Nga, tăng vọt so với mức chỉ 1% trước năm 2022. Nga cũng chiếm hơn 15% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng khả năng ông Trump đối đầu với Trung Quốc chỉ vì Ukraine là rất thấp. Quy mô thương mại song phương Nga - Trung gần 250 tỉ USD mỗi năm khiến việc thực hiện lời đe dọa có thể đẩy ông Trump vào thế đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.

Ông Trump cũng nổi tiếng là người thường đặt ra hạn chót mà không thực thi. Ông Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, lưu ý là trước đây ông Trump đã từng rút lại lời đe dọa áp thuế hơn 125% với hàng hóa Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ cũng hiểu rằng việc cắt giảm mạnh xuất khẩu năng lượng từ Nga có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ và làm gia tăng lạm phát.

Bà Kavanagh không cho rằng tối hậu thư sẽ làm thay đổi tính toán của ông Putin, song bà nhận định thời hạn 50 ngày sẽ trùng với thời điểm kết thúc chiến dịch tấn công mùa hè của Nga. "Tôi nghĩ có thể sẽ xuất hiện một cơ hội đàm phán sau khi đợt tấn công kết thúc", bà dự báo.

Phản ứng và tiết lộ

* Ngày 15-7, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định "Nga không quan tâm" tối hậu thư của ông Trump, cho rằng tối hậu thư này "mang tính khoa trương". Cùng ngày, Điện Kremlin nhấn mạnh: "Tuyên bố của ông Trump là nghiêm trọng và chúng tôi cần thời gian phân tích".

* Báo Financial Times ngày 15-7 tiết lộ trong cuộc gọi hôm 4-7, ông Trump đã hỏi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: "Ông Volodymyr, ông có thể tấn công Matxcơva không? Ông có thể tấn công St. Petersburg nữa không?".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đáp: "Chắc chắn rồi. Chúng tôi có thể nếu ông cung cấp vũ khí cho chúng tôi". Ông Trump được cho là tỏ ý ủng hộ việc "khiến họ (người Nga) cảm thấy đau đớn" để buộc Điện Kremlin đàm phán.

* Tổng thống Donald Trump nói với báo giới ở Phòng Bầu dục ngày 14-7: "Có một lần tôi trở về và nói với Đệ nhất Phu nhân: "Em biết không, hôm nay anh vừa nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin. Cuộc trò chuyện rất tuyệt vời". Cô ấy đáp lại rằng: "Thật sao? Nhưng một thành phố khác vừa bị tấn công".

Khoảng một giờ sau, trong buổi tiệc trưa ở Nhà Trắng, ông Trump tiếp tục nhắc lại chi tiết này.

Ông kể: "Có nhiều lần tôi về nhà và nói: "Anh vừa có cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất với ông Vladimir. Anh nghĩ đã giải quyết được vấn đề". Rồi khi tôi mở TV, cô ấy lại nói: "Kỳ lạ thật, vì họ vừa đánh bom một viện dưỡng lão đây anh". Tôi bàng hoàng hỏi lại thật ư?".

Tối hậu thư của ông Trump với Nga - Ảnh 2.Báo Mỹ: Ông Trump hỏi ông Zelensky có thể tấn công tới Matxcơva không

Câu hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như khuyến khích Ukraine tăng cường các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên