Học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đọc câu chuyện họp phụ huynh chỉ tiền là tiền, tôi muốn chia sẻ về cuộc họp phụ huynh nhẹ nhàng của lớp con mình.
Ngay từ đầu tháng 8, khi con vào học lớp 1, hôm đầu tiên đưa con đến lớp, tôi nhủ lòng phải để ý xem cô giáo là người thế nào. Trong lòng tôi chỉ mong sao con được học với cô giáo "dễ tính" một chút.
Bởi tôi nghĩ, trẻ lớp 1 còn ham vui, quen nếp sinh hoạt phóng túng, tự do thời mẫu giáo rồi, nếu cô khó tính quá, nghiêm khắc quá sẽ khiến các con sợ học, sợ cô. Do vậy, tôi luôn mong muốn cô sẽ uốn nắn dần dần, để các con không bị "sốc" khi vào lớp 1.
Hôm nhận lớp, cô giáo đứng trước cửa lớp để đón học sinh. Cô mặc chiếc áo dài hồng, trang điểm nhẹ nhàng, gương mặt niềm nở chào phụ huynh và chào các con. Nhìn ánh mắt cô hạnh phúc khi đón nhận học sinh cùng lời chào ấm áp: "Cô chào con, con vào lớp nhé", tôi cảm thấy ấm lòng vô cùng.
Đến ngày họp phụ huynh, cô càng khiến tôi bất ngờ. Người ta thường bảo, họp phụ huynh đầu năm là "họp tiền". Nhưng không phải, buổi họp nhẹ nhàng với lời cảm ơn đầu tiên của cô dành cho phụ huynh vì đã bớt chút thời gian đến dự họp. Cô trao đổi về nội quy, thói quen và "nằm lòng" tính cách của các con trong lớp dù mới học tròn 1 tháng.
Cô cởi mở với phụ huynh việc có đồng ý để cô phạt nếu các con phạm lỗi hay không? Cô kể có trẻ dùng bút chì chọc vào mặt bạn; có bạn rút đầu bút chì khúc cho vào tai, vào mũi; có bạn ra chơi chạy nhảy nên ngã và phải khâu mấy mũi trên mặt...
"Tất nhiên phụ huynh yên tâm là cô sẽ không phạt các con theo kiểu bạo hành như trên báo đài đưa mà phạt để các con vào nếp, tuân thủ nội quy mà thôi", cô nói.
Chuyện học của các con, chuyện bài tập đều được cô trao đổi thẳng thắn, đối thoại với phụ huynh để cả hai bên cùng hiểu nhau. Buổi họp phụ huynh trôi qua nhẹ nhàng vì chủ yếu nói về chuyện học, chuyện rèn nề nếp sinh hoạt.
Và vì thế, phần lớn phụ huynh cảm thấy thở phào, không bị áp lực "họp tiền" như suy nghĩ trước đó. Quan trọng hơn cả đây là cơ hội để phụ huynh và cô giáo cùng thống nhất, cùng chia sẻ trong việc uốn nắn các con.
Trên Zalo, cô lập một nhóm phụ huynh để tiện thông báo tình hình của lớp học. Tôi thực sự ấn tượng với những câu nhắn nhủ của cô: "Có gì anh/chị cứ lên gặp em để em chia sẻ kỹ ạ". Có phụ huynh thắc mắc chuyện đánh vần như thế nào, cô cũng nhẹ nhàng nói: "Em tranh thủ gặp chị vào đầu giờ hoặc cuối giờ chiều, chị sẽ nói cụ thể hơn".
Tôi thật bất ngờ khi cô không cảm thấy "bị làm phiền" bởi trong group của lớp có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc mỗi ngày về sách vở, về đồ dùng học tập, về bài tập, về cả chăn gối cho các con nằm ngủ buổi trưa ở lớp…
Rồi cô chia sẻ: "Các con đang vừa ở lớp mầm non vào nên chắc chắn còn ham vui, nhiều bạn còn chạy lung tung trong lớp khi cô đang giảng bài, có bạn không xin phép cô ra ngoài khi đi vệ sinh. Ở lớp cô uốn nắn dần, rất mong ở nhà phụ huynh cùng nhắc nhở để con ngoan hơn…".
Một lớp với 55 học sinh, lại ở lứa tuổi "ẩm ương" khó bảo như lớp 1 thực sự là một thử thách đối với cô giáo. Nhưng cô vẫn niềm nở với phụ huynh và học sinh, điều đó khiến tôi nể phục cô, cảm thấy con mình thật may mắn vì được học cô.
Học sinh, đặc biệt lớp 1, là lứa tuổi nhạy cảm, các con cần được yêu thương nhiều hơn, cần được tôn trọng nhiều hơn. Các con sẽ nhìn, sẽ soi vào hành động của người lớn để hình thành thói quen, đó có thể là cha mẹ, là giáo viên…
Do vậy, trước khi muốn các con nghe lời, giáo viên hay phụ huynh phải dành sự tôn trọng tối thiểu cho các con - đôi khi chỉ đơn giản là một lời chào, một cái ôm hoặc một nụ cười thân thiện. Chỉ khi ấy, các con mới cảm thấy mình được tôn trọng, biết mình được đón chào.
Tôi thấy cô đã dành cho các con sự tôn trọng ấy. Cảm ơn cô, cô giáo chủ nhiệm lớp 1A6 Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận