
Triển lãm tại Sotheby's Maison của đá quý Piprahwa - Ảnh: Sotheby's
Theo The Guardian, Bộ Văn hóa Ấn Độ cảnh báo nếu Sotheby’s không ngừng bán đấu giá bộ sưu tập đá quý Piprahwa, nước này sẽ khởi kiện tại các tòa án ở Ấn Độ, Hong Kong và cả các tổ chức quốc tế vì “vi phạm luật bảo tồn di sản văn hóa”.
Trong thông cáo, Sotheby’s cho biết phiên đấu giá, vốn được ấn định tổ chức vào ngày 7-5, sẽ tạm hoãn để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận giữa bên bán - là ba hậu duệ của William Claxton Peppé - một địa chủ người Anh từng khai quật các cổ vật này tại miền bắc Ấn Độ vào năm 1898 và Chính phủ Ấn Độ.
Trong văn bản pháp lý gửi đến Sotheby’s vào ngày 5-5, Bộ Văn hóa Ấn Độ nhấn mạnh những cổ vật này nên được xem là di sản thiêng liêng của Đức Phật và nếu tiếp tục đấu giá, Sotheby’s sẽ bị coi là đang tiếp tay cho hành vi bóc lột thực dân kéo dài.
Bức thư được công bố trên các kênh truyền thông chính thức của bộ còn cho rằng Chris Peppé - cháu của ông William Peppé, hiện là đạo diễn truyền hình và biên tập phim sống tại Los Angeles - không có quyền hợp pháp để rao bán các cổ vật này.
Đá quý Piprahwa là di sản của cộng đồng Phật tử toàn cầu
Chính phủ Ấn Độ cho biết đây là di sản tôn giáo và văn hóa không thể chuyển nhượng, không chỉ của quốc gia mà còn của cộng đồng Phật tử toàn cầu.
Việc hoãn đấu giá diễn ra sau làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tín đồ Phật giáo - những người tin rằng các viên ngọc quý này mang năng lượng thiêng liêng và nên được đối đãi như là xá lợi thân thể của Đức Phật.
Bộ sưu tập gồm 334 viên ngọc bao gồm thạch anh tím, san hô, hồng ngọc, ngọc trai, tinh thể thạch anh, vỏ sò và vàng - từng được kỳ vọng sẽ đạt mức giá khoảng 9,7 triệu bảng Anh. Một số được chế tác thành dây chuyền, hạt chuỗi và đồ trang sức, số còn lại giữ nguyên dạng thô.

Những viên ngọc Piprahwa của Đức Phật lịch sử, Đế chế Mauryan, thời Ashokan, khoảng năm 240-200 trước Công nguyên - Ảnh: Sotheby's
Theo sử liệu, các cổ vật này từng được an táng bên trong một bảo tháp hình mái vòm tại Piprahwa, thuộc bang Uttar Pradesh ngày nay, vào khoảng năm 240-200 trước Công nguyên.
Khi đó chúng được chôn cùng với tro cốt hỏa táng của Đức Phật - người được cho là đã viên tịch vào khoảng năm 480 trước Công nguyên.
Dưới thời thuộc địa, chính quyền Anh tuyên bố sở hữu phát hiện của William Claxton Peppé theo Đạo luật Kho báu Ấn Độ năm 1878.
Phần tro cốt và xương được tặng cho vua Chulalongkorn của Xiêm (Thái Lan ngày nay), trong khi phần lớn khoảng 1.800 viên ngọc được chuyển đến bảo tàng thuộc địa ở Kolkata. Gia đình Peppé chỉ được phép giữ lại khoảng 1/5 số cổ vật.
Các chuyên gia pháp lý cho biết Chính phủ Ấn Độ vẫn có thể thực hiện hành động pháp lý ngay cả khi các viên ngọc đã được bán.
Cuộc chiến pháp lý căng thẳng
Ông Sameer Jain, luật sư điều hành Công ty luật PSL tại Ấn Độ, nhận định rằng vụ đấu giá có thể đã vi phạm nhiều đạo luật hiện hành của nước này, bao gồm Luật Cổ vật và Tác phẩm nghệ thuật năm 1972, Luật Di tích và Di sản khảo cổ học năm 1958 và Đạo luật Kho báu 1878 - đúng như lập luận của Bộ Văn hóa Ấn Độ.
“Các đạo luật này trao quyền sở hữu các di vật cho Chính phủ Ấn Độ, bất kể việc chúng có bị mang ra nước ngoài trong thời kỳ thuộc địa hay không. Việc xuất khẩu không có giấy phép là vi phạm pháp luật.
Câu hỏi cốt lõi là liệu những viên ngọc này có được đưa ra khỏi Ấn Độ một cách hợp pháp hay không và liệu gia đình Peppé có thực sự sở hữu chúng hay chỉ đang giữ hộ cho chính quyền thực dân mà thôi" - ông Jain nói.

Những viên ngọc Piprahwa - Ảnh: Sotheby’s
Tuy nhiên, luật sư nghệ thuật Noor Kadhim - cố vấn độc lập tại Hãng luật Fieldfisher - cho biết Ấn Độ không thể kiện Sotheby’s theo Công ước Hague hay UNESCO vì đây là một nhà đấu giá tư nhân, chứ không phải bảo tàng nhà nước.
Bà nói thêm: “Nếu muốn viện dẫn các công ước quốc tế này, lựa chọn hợp lý hơn là kiện Trung Quốc - quốc gia đăng cai phiên đấu giá của Sotheby’s tại Hong Kong".
Còn Conan Cheong - một giám tuyển và chuyên gia về nghệ thuật Đông Nam Á - hoan nghênh quyết định hoãn phiên đấu giá của Sotheby’s.
Ông cho rằng: “Đây là cơ hội hiếm hoi để gia đình Peppé lắng nghe ý kiến từ cộng đồng Phật giáo - những tiếng nói đã lên án việc bán đấu giá này tại Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka và nhiều nơi khác - cũng như đối thoại với Chính phủ Ấn Độ, nhằm tìm ra một giải pháp thật sự công bằng để chia sẻ các cổ vật này với toàn nhân loại”.
Chris Peppé hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức, nhưng trước đó ông từng nói với báo The Guardian rằng: “Về mặt pháp lý, quyền sở hữu của chúng tôi không bị tranh chấp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận