Tại lễ khai giảng, thầy trò các trường chào cờ, hát Quốc ca và nghe đọc thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và học sinh, sinh viên, học viên trên cả nước.
Sau khi đánh trống khai trường, các trường có những hoạt động khác nhau dành cho học sinh. Nhiều trường tổ chức phát động các chương trình có ý nghĩa vì cộng đồng, mang tính nhân văn, xem đây là chủ đề xuyên suốt của năm học. Cũng có trường tổ chức các hoạt động tập thể nhằm gắn kết học sinh, khuyến khích học sinh thể hiện quyết tâm, động lực phấn đấu trong năm học mới...
"Tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy xã hội học tập"
Tại Hà Nội, từ 6h30 sáng, Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, ngập cờ hoa, rộn ràng tiếng nói cười của học sinh, thầy cô tới trường dự lễ khai giảng năm học mới.
Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu có khoảng 1.500 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó có khoảng 160 em khiếm thị. Năm nay lễ khai giảng của các em đặc biệt hơn khi có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chúc tới các em học sinh, thầy cô giáo trên cả nước sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm học mới.
Theo Thủ tướng, năm học vừa qua, ngành giáo dục đã vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đạt được những thành tựu rất quan trọng trong ngành giáo dục, nhất là nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo viên, đặc biệt trong đó có các cháu học sinh khuyết tật được chăm lo, giáo dục tốt hơn.
Ông đề nghị trong năm học mới, ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo với phương châm lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, thầy cô giáo là động lực, nhà trường là bệ đỡ, gia đình điểm tựa, xã hội là nền tảng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành địa phương tiếp tục kiến tạo yếu tố nền tảng cho phát triển giáo dục và đào tạo, tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn...
TP.HCM: Khánh thành trường học mới đón năm học mới
Tại TP.HCM, trái với lo lắng của nhiều nhà trường về việc ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), thời tiết sáng 5-9 khá đẹp. Khi những ánh nắng ban mai đầu tiên xuất hiện, nhiều giáo viên và học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT đã vỗ tay vui mừng.
Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM, đã đến dự lễ khai giảng và trao thưởng cho những học sinh xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2024 ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, bà Nguyễn Thị Lệ, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, gửi lời chúc mạnh khỏe, nhiệt huyết và thành công tới toàn thể thầy cô giáo của trường, đồng thời chúc các em học sinh có một năm học mới tràn đầy niềm vui, đạt được nhiều thành tích xuất sắc và tiếp tục vun đắp ước mơ, hoài bão của mình.
"Tôi mong rằng mỗi học sinh sẽ không ngừng nỗ lực học tập, phát huy những điểm mạnh của bản thân và khắc phục những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Các em cần nắm bắt tình hình xã hội một cách bình tĩnh và có sàng lọc, không ngừng trau dồi ngoại ngữ, tìm hiểu công nghệ thông tin, rèn luyện thể chất. Các em hãy xem mỗi ngày đến trường là một cơ hội để học hỏi và trưởng thành", bà Lệ nhắn nhủ.
Tại lễ khai giảng, Trường THPT Lê Quý Đôn cũng khánh thành khu tự học dành cho học sinh. Khu tự học này do cha mẹ học sinh của trường trao tặng. Khu tự học này sẽ hoạt động từ 7h-18h từ thứ hai đến thứ sáu; thứ bảy, chủ nhật học sinh sẽ đăng ký với nhà trường. Khu tự học được trang bị bàn ghế đẹp, có hệ thống WiFi, có camera…
Tại Trường THCS Bình Trị Đông B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, hàng trăm học sinh đón chào năm học mới trong ngôi trường mới khang trang. Lễ khai giảng cũng đồng thời là lễ khánh thành trường. Tham dự buổi lễ, chung vui cùng các thầy cô, học sinh có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết Trường THCS Bình Trị Đông B là 1 trong 7 ngôi trường mới được quận Bình Tân đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025, gồm 5 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường mầm non.
Riêng Trường THCS Bình Trị Đông B được xây dựng trên diện tích 13.556m2, gồm 36 phòng học với 1.620 học sinh. Đây cũng là trường THCS đầu tiên trên địa bàn phường Bình Trị Đông B.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục quận Bình Tân, tổng số học sinh toàn quận dự kiến trong năm học tới là 124.237 em, tăng 3.455 học sinh. Nhờ đó, bậc tiểu học tại quận sẽ giảm sĩ số còn khoảng 37, 38 học sinh/lớp, còn cấp THCS khoảng 45 học sinh/lớp.
Tại Tiền Giang, hơn 1.400 học sinh Trường THCS Trừ Văn Thố (phường 1, thị xã Cai Lậy) vui mừng đón Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa về dự lễ khai giảng năm học mới.
Ông Nghĩa đã đánh trống khai giảng, đồng thời trao 50 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường.
Thầy Phan Thanh Phong - hiệu trưởng trường, cho biết thầy trò rất vinh dự và trân trọng sự có mặt của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, xem đây là động lực to lớn để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới và những năm học tiếp theo.
Tại Trường tiểu học Đông Bình (ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), lễ khai giảng được tổ chức trong hội trường với hơn 700 em học sinh tham dự.
Đông Bình là xã còn thuộc vùng khó khăn của tỉnh Vĩnh Long, cũng là địa phương có hơn 30% dân số là người dân tộc Khmer sinh sống. Năm học mới, các nhà hảo tâm đã có nhiều món quà, học bổng tặng các em học sinh của trường.
Tặng thưởng cho thầy, trò đoạt giải quốc tế ngày khai giảng
Sáng 5-9, 291.000 học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã dự lễ khai giảng, bắt đầu năm học mới 2024-2025.
Tại lễ khai giảng ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, ông Lê Trường Lưu (bí thư Tỉnh ủy) và ông Nguyễn Văn Phương (chủ tịch UBND tỉnh) đã tặng thưởng cho em Hồ Đức Trung (cựu học sinh của trường) số tiền 150 triệu đồng vì đã giành được huy chương bạc kỳ thi Olympic sinh học quốc tế (IBO) lần thứ 35 diễn ra tại nước Cộng hòa Kazakhstan hồi tháng 7 vừa qua.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tặng thưởng cho giáo viên thuộc tổ bồi dưỡng học sinh giỏi môn sinh của trường 105 triệu đồng vì đã tâm huyết bồi dưỡng em Trung đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic sinh học quốc tế.
Số tiền trên được trích từ ngân sách tỉnh nhà nhằm động viên, khuyến khích các học sinh giỏi của tỉnh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế.
Mẹ khóc khi nhìn con hát Quốc ca ngày khai giảng
Tại Trường chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng) sáng 5-9, hàng chục phụ huynh có con là những học sinh khiếm khuyết đã xin nghỉ làm để cùng con dự lễ khai giảng. Chứng kiến khoảnh khắc các con đứng dưới cờ hát Quốc ca bằng ký hiệu, ai cũng xúc động.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (54 tuổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không kìm được giọt nước mắt lăn dài. Suốt 3 năm qua, bất kể nắng mưa, mỗi ngày bà Ngân chở con hơn 20 cây số ra học lớp chuyên biệt ở Đà Nẵng rồi quay về dọn vệ sinh tại một bệnh viện ở Quảng Nam.
Con bà Ngân là em N. 15 tuổi, chậm phát triển trí tuệ, câm điếc bẩm sinh. Nhiều năm cho con học nhiều trường ở Quảng Nam thấy không tiến triển, bà Ngân quyết định cho con ra Đà Nẵng học. Đêm qua bà Ngân làm ca đêm đến sáng về đến nhà lại lục tục chở con đi khai giảng.
"Mấy hôm trước ngày khai giảng, con về nói má với chị đứng ra hát Quốc ca đi, để con ký hiệu theo. Dù không nghe được nhưng con nhìn miệng mình hát và làm theo ký hiệu. Ba năm rồi tui được dự khai giảng và xem con hát Quốc ca bằng ký hiệu. Xúc động lắm", bà Ngân nói.
Bà Ngân bảo rằng vất vả bao nhiêu không đáng kể, nhìn con được đến trường như chúng bạn, được hòa nhập vào xã hội, được đứng dưới cờ hát Quốc ca như hôm nay là mọi nhọc nhằn trong bà tan biến hết.
Biên phòng đến từng nhà, cõng học sinh qua suối, chở đi khai giảng
Tại 2 xã vùng núi Hướng Lập và Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), từ 5h30 sáng 5-9, gần 15 cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Lập đi đến từng hộ dân để hỗ trợ đưa các cháu đến trường.
Tại 2 thôn Tà Pang và Cù Bai (xã Hướng Lập) có 120 học sinh tiểu học phải ra điểm trường chính ở trung tâm xã để khai giảng. Với các cháu ở cùng ông bà, bố mẹ đi làm xa, cán bộ biên phòng dùng xe máy đưa các em đến trường. Tại thôn Cù Bai, đường đến trường vượt qua suối Tà Leng, các chiến sĩ quân hàm xanh thay nhau cõng học sinh vượt suối, kịp lễ khai giảng.
Tại Trường THCS An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), do thời tiết xấu nên nhà trường dự phòng hai phương án khai giảng là che rạp ở ngoài sân trường hoặc vào trong hội trường.
"Hiện chưa mưa nên trường tổ chức ngoài trời nhưng vẫn che rạp cho các em. Lễ khai giảng nhà trường vẫn đảm bảo đầy đủ, ấm áp", cô Nguyễn Thị Huỳnh Tâm - phó hiệu trưởng, cho hay.
Tại TP Phú Quốc, cô Lê Thị Hải Yến - hiệu trưởng Trường TH&THCS An Thới 2 (TP Phú Quốc) - cho biết trường có hơn 2.000 học sinh, đặc biệt chào mừng 205 em học sinh lớp 1. Nhà trường cũng thuê mái che để che cho các em dự lễ khai giảng. Năm học 2024-2025, TP Phú Quốc có khoảng 33.338 học sinh từ mầm non đến THPT.
4 trường ở huyện đảo Trường Sa khai giảng năm học mới
Đúng 7h ngày 5-9, học sinh ở các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) bước vào lễ khai giảng năm học mới 2024-2025, cùng thời điểm với lễ khai giảng trên đất liền ở tỉnh Khánh Hòa.
Huyện đảo Trường Sa có 4 trường tiểu học là Trường tiểu học thị trấn Trường Sa, Trường tiểu học Song Tử Tây, Trường tiểu học Sinh Tồn và Trường tiểu học Đá Tây.
Ông Trần Quang Phú - chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa - cho biết những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo tổ chức vệ sinh trường lớp, sắp đặt lại phòng học, trang trí khánh tiết… "Chúng tôi tin tưởng rằng năm học 2024-2025 thầy và trò Trường tiểu học thị trấn Trường Sa sẽ đạt nhiều thành tích cao" - ông Phú cho hay.
Ông Hà Văn Thông - trưởng Phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa) - thông tin thêm vào đầu tháng 8 hằng năm, sở đều chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho thầy và trò ở huyện Trường Sa.
Vào dịp hè, các thầy dạy học ở đảo Trường Sa về đất liền nghỉ phép, sở đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những điểm mới cho các thầy. Những tâm tư, nguyện vọng của các thầy đều được ghi nhận và lên phương án xử lý kịp thời.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, khoảng 800 học sinh có mặt sớm dự lễ khai giảng năm học mới. Đây là cơ sở mới xây xong của Trường THPT Nguyễn Hữu Quang. Trường sẽ tuyển sinh gồm các học sinh ở các xã Cát Chánh, Cát Hải, Cát Tiến của huyện Phù Cát và học sinh ở xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải thuộc TP Quy Nhơn.
Học ở trường mới, các cô cậu học trò đều rạng rỡ và phấn khởi vì trường được xây khang trang, rộng rãi bên bờ biển Cát Tiến thơ mộng.
Học trò "vùng động đất" Kon Plông háo hức đi khai giảng
Sáng 5-9, 317 em học sinh tại vùng tâm chấn động đất của Trường tiểu học và trung học cơ sở Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum, bước vào lễ khai giảng năm học mới. Ngoài điểm trường chính, lễ khai giảng cũng được tổ chức cùng lúc tại 4 điểm trường thôn của xã này.
Các em học sinh con em đồng bào Xê Đăng hồ hởi dậy sớm, thay quần xanh áo trắng, đeo khăn quàng đỏ chỉnh tề để chuẩn bị vào lễ khai giảng.
Từ đêm qua, những trận động đất âm ỉ thỉnh thoảng truyền về rung động các gian nhà nhưng không làm bớt đi không khí hồ hởi, vui tươi của thầy và trò trong ngày trọng đại.
Học trò biên giới được bộ đội biên phòng phát quà khai giảng
Tại lễ khai giảng sáng 5-9, các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới giáp Lào thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được nhận quà cùng màn múa lân đón Trung thu sớm từ các chú bộ đội biên phòng.
Trung tá Nguyễn Phúc Trường - chính trị viên Đồn biên phòng Ga Ry - cho biết đồn đã tặng 100 suất quà cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Ch'ơm, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Gari.
Các phần quà được cán bộ chiến sĩ đồn đóng góp gồm áo ấm, cặp sách, vở, dụng cụ học sinh, bánh kẹo... trị giá mỗi suất 500.000 đồng. Ngoài ra đồn cũng tặng 2 xe đạp; 30 suất học bổng (mỗi suất 500.000 đồng) cho các học sinh trong chương trình "Nâng bước em tới trường" và học sinh khó khăn tại xã Gari và xã Ch'ơm.
Học sinh quàng khăn đỏ cho bí thư Tỉnh ủy tại ngôi trường mang tên Lưỡng quốc Trạng nguyên
Tại Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn đến dự khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo. Đây là ngôi trường trọng điểm của tỉnh, có gần 800 học sinh, vinh dự mang tên Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo - danh sĩ thời Lê.
Đến lễ khai giảng, đoàn lãnh đạo tỉnh, thành phố Bắc Ninh được các em học sinh đón chào, đeo khăn quàng đỏ rực rỡ. "Lúc quàng khăn đỏ cho bí thư, bí thư có hỏi thăm sức khỏe và chúc con năm học mới nhiều niềm vui, cố gắng học giỏi, rèn luyện tốt", em Dương Phương Trang, lớp 9A3, vui vẻ kể.
Là quê hương quan họ Kinh Bắc, các em học sinh của nhà trường biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc trước khi lễ khai giảng chính thức bắt đầu. Thầy Trịnh Văn Tuyển - hiệu trưởng, gửi lời chúc tới các thầy cô, phụ huynh, học sinh một năm học mới nhiều thành công, xứng danh ngôi trường mang tên vị Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo...
Học sinh đất mũi vượt sông dự khai giảng
Tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, do điều kiện đi lại còn khó khăn, sông rạch chằng chịt, nhiều học sinh phải di chuyển bằng đò hoặc vỏ lãi mới đến được trường học dự lễ khai giảng.
Thân thương hình ảnh học trò vùng đất mũi Cà Mau đến trường bằng vỏ lãi
Cô Phạm Thị Quyên - hiệu trưởng Trường tiểu học 2 Viên An, huyện Ngọc Hiển, cho biết trường có 2 điểm lẻ với 20 lớp, hơn 500 học sinh. Do một số khu vực vuông tôm, ít có đường xe đến trường nên gần một nửa số học sinh phải đi ghe xuồng, vỏ lãi đến lớp.
Chuẩn bị vỏ lãi từ sáng sớm để kịp đưa 4 đứa con và cháu đến trường, anh Nguyễn Văn Mến chia sẻ: "Đi bằng đường thủy khoảng 2km, còn đi bằng đường bộ thì tới gần 8km nên tôi cho con cùng các cháu đi bằng vỏ lãi cho nhanh, chở được nhiều. Đi như thế này cũng bất tiện nhưng hôm nay thời tiết thuận lợi nên cũng khỏe".
HÌNH ẢNH KHAI GIẢNG Ở CÁC NƠI SÁNG 5-9:
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP.HCM được chào đón trong ngày khai giảng - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong buổi khai giảng và đón học sinh mới, thầy trò Trường THCS Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, cũng trồng cây trước cổng trường - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Năm học 2024-2025, cả nước có gần 54.000 cơ sở giáo dục với 25.255.251 học sinh, sinh viên. Trong đó riêng học sinh cấp mầm non, phổ thông là hơn 23 triệu. Số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động trong các cơ sở giáo dục trên cả nước có 1.659.589.
Đây cũng là năm học đánh dấu việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12; cũng là năm học đầu tiên có học sinh lớp 9 thi chuyển cấp THPT và học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2024-2025 cũng là năm học mang đến nhiều hy vọng cho giáo viên, cán bộ quản lý Nhà nước về những thay đổi liên quan chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc khi những chính sách được xây dựng trong Luật Nhà giáo được thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận