04/09/2024 10:10 GMT+7

Khát vọng đến trường: Nhìn các em đi học mà thương

'Bố ơi, năm nay con ngoan rồi, bố yên tâm nhé!', cậu học trò vùng cao nói với thầy giáo trong ngày tựu trường. Ở đó, mùa cạn bọn trẻ lội qua suối, mùa mưa nước dâng cao thì đi bè mảng đến trường...

Khát vọng đến trường: nhìn các em đi học mà thương - Ảnh 1.

Em Bàn Tiến Minh và Bàn Tiến Nguyện ở Pa Hát xã Thẳm Dương (Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) trên đường đi học qua khe suối. Ở điểm này những khi trời mưa lớn trẻ sẽ phải đu mảng để vượt suối đi học - Ảnh: VĨNH HÀ

Đến Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Mồ Dề thuộc xã Mồ Dề (Trường Mồ Dề), huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào đúng ngày học sinh tựu trường có rất nhiều cảm xúc.

Chỉ trừ những bé lớp 1, 2 còn học sinh mỗi bạn một việc như quét sân trường, vét bùn đọng lại sau trận mưa, lau bàn ghế và các chậu cây cảnh.

Vừa làm thầy cô, vừa làm bố mẹ của trò

"Bố ơi, năm nay con ngoan rồi, bố yên tâm nhé!" - Giàng A Đài, một học sinh lớp 9 nói với thầy Nguyễn Tân Phong, giáo viên phụ trách tổ bán trú, trong ngày tựu trường. Thầy Phong là giáo viên được nhiều học sinh gọi là "bố" vì thầy quán xuyến mọi việc. Học sinh xích mích cãi nhau, có chuyện bất ổn với gia đình, học sinh bị ốm, phòng mất điện, tắc cống, đều gọi thầy.

Những học sinh mắc lỗi nhiều lần, cả bố mẹ và thầy cô khác "bó tay" thì lại đến thầy Phong trò chuyện, khuyên nhủ ngày này qua ngày khác, kiên nhẫn như mưa dầm thấm lâu. Đài là cậu học sinh nghịch ngợm và hay mắc lỗi. Thế nên sau một dịp hè quay lại trường với tâm trạng phấn chấn, cậu đã khoe ngay với "bố" như một cam kết "sẽ ngoan" trong năm học mới.

Khát vọng đến trường - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Tấn Phong, ông bố của nhiều học sinh ở Trường Mồ Dề, và những học sinh thầy đang cần kèm cặp riêng - Ảnh: V.HÀ

Trường Mồ Dề có những cô cậu học sinh lớp 1 lần đầu xa nhà. Những ngày đầu tiên đến trường, các bé khóc suốt. Bố mẹ nán lại với con 1-2 ngày rồi cũng phải chia tay, bịn rịn mẹ khóc, con khóc. Một số bé có anh chị lớn được trường cho phép đến ở cùng các bé lớp 1 những ngày đầu bỡ ngỡ. Nhưng cơ bản, trách nhiệm "vừa làm thầy vừa làm bố mẹ" vẫn dồn lên vai các thầy cô.

"Có trẻ tựu trường mà không có quần áo, tư trang mang theo thầy cô cũng phải kiếm cho. Tiền học liệu trả về cho cha mẹ nên thầy cô cũng thường lo cả sách, vở, đồ dùng cho các bé. Mỗi ngày có nhiều thứ phải để mắt, phải làm cho học sinh như thể có một đàn con đông" - cô Phạm Thị Diên, giáo viên dạy lớp 1, chia sẻ.

"Đêm chúng tôi phải chia nhau đi tuần. Những hôm trực đêm thường không ngủ ngon. Chỉ cần một học sinh mơ ngủ đạp chân vào vách tôn là thầy cũng phải vùng dậy đi kiểm tra. Có bạn trốn trường đi chơi, thầy phải đi tìm. Có bạn bỏ học 1-2 ngày, thầy cô phải đến nhà", thầy Phong nói.

Thầy Phạm Minh Dũng - hiệu trưởng Trường Mồ Dề - cho biết trường không có nhân viên phục vụ bán trú mà mọi việc thầy cô phải lo hết. Từ công việc của thợ nề, thợ hàn, từ việc chữa điện đến thông cống hay tắm rửa, hớt tóc, chăm lo bữa ăn đều thầy cô lo.

Trường chia ca trực mỗi ca từ 6h30 sáng hôm nay đến 6h30 sáng hôm sau. Tuy nhiên, giáo viên nữ chỉ trực đến 21h. Sau khi học sinh chuẩn bị đi ngủ thì được về nhà, còn giáo viên nam trực tiếp qua đêm.

Các cô giáo ở đây cho biết họ thường phải chờ nhau cùng về vì đường đêm khó đi. Nhiều hôm mưa trơn trượt nhưng nhiều cô có con nhỏ nên vẫn phải khắc phục để về nhà.

Ngôi trường đặc biệt

Khát vọng đến trường - Ảnh 3.

Học sinh ở Trường Mồ Dề những ngày đầu đến trường - Ảnh: V.H.

Trường Mồ Dề có tới 921 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 ở bán trú trong tổng số 1.120 học sinh. 100% học sinh là người dân tộc Mông và trên 90% thuộc các hộ nghèo, cận nghèo.

Mọi thứ ở ngôi trường này đều đặc biệt. Không có ở trường học nào lại lắm loại hình lớp học như trường này: nhà cao tầng, nhà cấp 4, nhà gỗ, nhà ghép tôn. Trong số 16 phòng học chỉ có tám phòng học kiên cố.

Bàn ghế cũng đủ loại, đủ kích cỡ vì phải tận dụng, đi xin tài trợ. Học sinh bán trú ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà. Số lượng đông nhưng phòng thì thiếu nên mỗi phòng bán trú có hơn 70 học sinh. Cả khu bán trú chỉ có ba nhà vệ sinh.

Học sinh trong diện bán trú được hưởng tiền trợ cấp bằng 40% lương cơ bản, 15kg gạo và 150.000 đồng/học sinh/năm học tiền học liệu. Theo thầy Phạm Minh Dũng, với tiền trợ cấp, bữa ăn của học sinh tạm ổn, thậm chí các em ăn ngon hơn ở nhà. Bởi có khá nhiều gia đình thuộc hộ nghèo không có điều kiện để trẻ được ăn no, đủ dinh dưỡng.

Đây cũng là một lý do khiến nhiều gia đình ủng hộ việc cho con đến trường. Nhưng khi đưa học sinh về trường từ lớp 1-9, trách nhiệm của thầy cô rất lớn trong khi điều kiện để chăm sóc, dạy dỗ trẻ vẫn vô cùng thiếu thốn.

Trước năm học 2016-2017, Yên Bái có 765 điểm trường lẻ, gồm hai cấp học mầm non và tiểu học. Mỗi điểm trường chỉ vài ba lớp, mỗi lớp khoảng chục học sinh, thậm chí có điểm trường quá ít học sinh nên phải tổ chức "lớp ghép" 2-3 trình độ hoặc "lớp nhô".

Việc đưa học sinh về trường trung tâm được thực hiện hơn 10 năm và đã có rất nhiều khó khăn giai đoạn đầu, khó nhất là thuyết phục người dân.

Vượt bè mảng đến trường

Khát vọng đến trường: nhìn các em đi học mà thương - Ảnh 4.

Cô Ái Liên, giáo viên dạy lớp ghép bám trụ nhiều năm ở điểm lẻ của Trường tiểu học Thẳm Dương (Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) - Ảnh: V.H.

Trường tiểu học Thẳm Dương nằm ở xã khó khăn của huyện Văn Bàn (Lào Cai). Ở đây học sinh lớp 1, 2 vẫn học ở điểm lẻ chỉ học sinh lớp 3 mới về trường trung tâm.

Con đường đến trường và về nhà của học sinh chỉ diễn ra hai lượt vào chiều thứ sáu và chiều chủ nhật nhưng các em phải vượt qua quãng đường khá xa. Nhiều học sinh nay có bố mẹ đưa đến trường bằng xe máy, cũng có những học sinh phải đi bộ, vượt khe suối.

Thôn Pa Hát nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh. Để đến trường trung tâm hay đến điểm lẻ của Trường tiểu học Thẳm Dương đều phải vượt qua khe suối. Mùa cạn, bọn trẻ lội qua suối còn ngày trời mưa nước dâng cao thì phải đi bè mảng. Người dân đã cột mảng với hai sợi dây căng ngang suối. Muốn qua suối thì phải đứng trên mảng và đu dây qua.

Thầy Nguyễn Văn Tầng - hiệu trưởng Trường tiểu học Thẳm Dương - cho biết số dân ở Pa Hát ít nên chính quyền đang có hướng di dân thay cho việc xây cầu, tuy nhiên người dân lại muốn bám trụ. Trẻ ở Pa Hát đi bộ tầm 3-4 tiếng mới đến trường và điểm trường.

Bàn Tiến Minh và Bàn Tiến Nguyện là hai học sinh lớp 2 được bà đón từ điểm trường Thẳm Hiêm (thuộc Trường tiểu học Thẳm Dương) về. Con suối ngày này đang cạn nước nhưng bà Sính - bà nội của bọn trẻ - cho biết chắc phải tối mới về được đến nhà. Và sáng hôm sau, phải dậy từ 5h sáng để đưa các cháu tới trường.

Khát vọng đến trường - Ảnh 5.
Khát vọng đến trường - Ảnh 6.
Khát vọng đến trường - Ảnh 7.
Khát vọng đến trường - Ảnh 8.

Học trò vùng cao đi bộ, vượt khe suối đến trường. Nhiều nơi các em phải học lớp ghép - Ảnh: VĨNH HÀ

Trường Thẳm Dương còn hai học sinh khác ở Pa Hát đang học lớp 4 được ở bán trú nên mỗi tuần chỉ đi và về một lần nhưng học sinh cũng chỉ đi bộ. Vì đường khó đi nên vài tiếng trên đường là bình thường, ngày mưa lũ thì khó khăn hơn. Thầy Tầng cho biết cũng có lúc học sinh không đến trường, thầy hiệu trưởng phải đích thân đu mảng sang bên kia để đưa học sinh về trường.

Trẻ vượt qua chặng đường 3-4 tiếng đi bộ được thì thầy cũng có thể vượt qua chặng đường tương tự để đưa học sinh quay lại trường. "Họ ở trong rừng gần như cách biệt với nơi khác. Khi thầy đến tìm trò, bố mẹ các em còn phải dùng sừng trâu để hú gọi con, mãi bọn trẻ mới quay về" - thầy Tầng nhớ lại.

Khát vọng đến trường: Nhìn các em đi học mà thương - Ảnh 9.

Học sinh ở Nậm Dạng (Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) ngày đầu tựu trường. Trường chưa nấu ăn nên các em mang theo cặp lồng cơm - Ảnh: VĨNH HÀ

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Nậm Dạng, huyện Văn Bàn, Lào Cai (Trường Nậm Dạng) có 152/326 học sinh ở bán trú. Cô Nguyễn Thị Lâm - phó hiệu trưởng - cho biết học sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau như Mông, Dao, Xa Phó…và ở rải rác chứ không quần tụ.

Có em nhà cách trường 4-5km nhưng có em phải đi xa hơn 10km. Nhất là học sinh người Dao thường ở lưng chừng núi, đường đến trường rất khó khăn. Có trên 50% số học sinh ở đây phải vượt qua quãng đường đến trường trèo đồi, lội qua khe suối.

Nỗ lực đưa học sinh về trung tâm

Khát vọng đến trường - Ảnh 5.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) trong ngày tựu trường

Theo cô Nguyễn Thu Hương - phó giám đốc Sở GD-DT Yên Bái, nỗ lực đưa học sinh về trường trung tâm đã cải thiện rất nhiều chất lượng giáo dục, trẻ được thụ hưởng điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn. Dù vậy, gánh nặng dồn lên vai các nhà trường.

Nhiều nơi ở Yên Bái không có trường bán trú, chỉ có học sinh bán trú. Do đó dù học sinh được hưởng chế độ trợ cấp nhưng thầy cô không được hưởng chính sách, trong khi vẫn phải gánh khối lượng công việc như ở trường bán trú, nội trú. Nhưng nếu không thực hiện việc này thì sẽ rất khó đạt được yêu cầu khi dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tựu trường nhiều màu sắc

Ngày đầu tiên tựu trường ở Nậm Dạng rất nhiều màu sắc. Học sinh được tham gia các hoạt động ngoài trời và nhảy múa với làn điệu của dân tộc mình. Thầy Nguyễn Văn Cường - hiệu trưởng Trường Nậm Dạng - chia sẻ: khó khăn ở Nậm Dạng cũng tương tự như nhiều trường bán trú ở vùng cao. Nhưng điều khích lệ các thầy, cô là trẻ được học tập, vui chơi, được chăm sóc tốt hơn.

"Chúng tôi mới chỉ đưa được học sinh từ lớp 3 về trường trung tâm. Nếu không như vậy thì sẽ khó triển khai chương trình mới khi duy trì các lớp ghép nhiều trình độ tại thôn bản", thầy Cường cho biết.

Chia sẻ của thầy cũng để muốn nói rằng con đường đến trường ở vùng cao vẫn quá xa và gian nan với cả học sinh, cha mẹ học sinh và thầy cô nhưng đó lại là cách tiến gần hơn với mục tiêu giáo dục hiện nay.

Khát vọng đến trường - Ảnh 5.

Lớp ghép hai trình độ của thầy Lự Văn Điều ở điểm Nậm Lạn (Trường Nậm Dạng, Văn Bàn, Lào Cai) - Ảnh: V.H.

Lớp học "một thầy, hai bảng"

Thầy Lự Văn Điều phụ trách lớp ghép hai trình độ gồm lớp 1 và 2 ở điểm lẻ Nậm Lạn của Trường Nậm Dạng (Văn Bàn, Lào Cai) cho biết phải có mặt ở điểm trường từ tháng 7 theo tinh thần tự nguyện để kèm miễn phí cho học sinh trước khi vào năm học mới.

"Trẻ lớp 1 có em còn chưa thạo nghe nói tiếng Việt. Các em cần nhiều hơn thời gian để chuẩn bị tâm thế nên tôi dành thời gian cuối của kỳ nghỉ hè để giúp các em. Bây giờ cứ buổi sáng dạy bài mới thì chiều lại quay về ôn bài cũ. Lớp có hai trình độ nên có hai bảng. Mỗi học sinh sẽ quay về một hướng để học. Thầy thì chạy từ lớp 1 sang lớp 2, kể cả kèm 1-1 với những bé chậm chạp" - thầy Điều chia sẻ.

Cũng như thầy Điều, cô Hoàng Thị Vân Anh (Trường Nậm Dạng), cô Nguyễn Thị Ái Liên (Trường Thẳm Dương) cũng có mặt ở điểm trường từ tháng 7 để kèm học sinh lớp 1 với nỗi lo các em khó tiếp cận chương trình mới. Cô Ái Liên đã có bốn năm dạy ở điểm lẻ Nậm Con của Trường Thẳm Dương theo tinh thần tình nguyện.

Tại Lào Cai, những lớp học "một thầy, hai bảng" như lớp cô Liên, thầy Điều vẫn duy trì ở tất cả các xã khó khăn. Để phụ huynh yên tâm, những ngày đầu năm bố mẹ học sinh cũng được đến trường để quan sát việc con học và vui chơi.

Ở điểm lẻ, trẻ không được hưởng chế độ với học sinh bán trú nên các thầy cô nhận hỗ trợ gạo, thực phẩm của người dân, của cha mẹ học sinh, các tổ chức từ thiện, đôi khi tự bỏ tiền mua đồ để nấu ăn cho học sinh.

Khát vọng đến trường - Ảnh 7.Cô bé mồ côi từng được tiếp sức đến trường, nay là 'cô giáo thủ khoa' chọn về miền núi khó khăn

Ngọc Thanh giờ là giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi). Mỗi ngày cô vẫn kể câu chuyện của mình, mong bọn trẻ Ca Dong không vì khó khăn mà chùn bước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên