08/03/2020 13:14 GMT+7

Hơn 1/4 thế kỷ thầm lặng trao tặng nụ cười

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ai cũng hiểu những khó khăn cần giúp đỡ trước tiên với những đứa trẻ sống tại các trại tị nạn là lương thực, học hành, chỗ ở, điều kiện vệ sinh, quần áo... nhưng tổ chức Những chú hề không biên giới còn thấy chúng rất cần được… cười.

Hơn 1/4 thế kỷ thầm lặng trao tặng nụ cười - Ảnh 1.

Nhóm CWB biểu diễn trước rất đông người tị nạn ở vùng Cox's Bazar của Bangladesh năm 2018 - Ảnh: CWBUK

"Mọi người đã mang đến chăn, nệm và thuốc men, nhưng tới nay chưa ai mang cho chúng tôi sự sống. Các anh đã khiến chúng tôi cười và các anh mang lại sự sống cho chúng tôi" - hiệu trưởng đã nói với ông Poltrona - chú hề "sáng lập" quà tặng đặc biệt này. Ông Poltrona khi đó, và cho tới giờ khi đã 64 tuổi, vẫn là một huyền thoại trong thế giới xiếc ở xứ Catalonia của Tây Ban Nha.

"Chúng mình nhớ tiếng cười"

Những chú hề không biên giới ra đời năm 1993 từ ý tưởng của chính những đứa trẻ. Năm 1993, các em nhỏ ở Barcelona gây quỹ để có tiền đưa một chú hề có cái mũi đỏ nổi tiếng Tortell Poltrona (còn có tên là Jaume Mateu) tới các trại tị nạn ở Croatia. Những em nhỏ ở Barcelona khi trao đổi thư từ với các bạn đang sống ở trại tị nạn Croatia thông qua một chương trình tình nguyện đã nhận được chia sẻ: "Các bạn có biết chúng mình nhớ nhất cái gì không? Chúng mình nhớ tiếng cười".

Điều không thể ngờ là dự án đầu tiên này đã bất ngờ thu hút hơn 4.000 trẻ em tới xem. Nó trở thành minh chứng thuyết phục để ông Poltrona tin rằng trong những tình huống khủng hoảng, con người, đặc biệt là trẻ em, vẫn có một nhu cầu rất lớn là được vui chơi, giải trí.

Sau chuyến đi đó, ông Poltrona nói chuyện với những chú hề khác tại Tây Ban Nha và thành lập tổ chức Những chú hề không biên giới (Clowns Without Borders - CWB), mục đích là dùng sự hài hước, vui vẻ như một phương tiện hỗ trợ tinh thần cho những cộng đồng dễ tổn thương. Ngay trong năm đầu thành lập, họ đã tổ chức được 12 chuyến lưu diễn tới các nước vùng Balkan.

Trước khi thành lập CWB, tại quê nhà ở Barcelona, ông Poltrona đã thành lập rạp xiếc Circ Cric và Trung tâm nghiên cứu nghệ thuật xiếc, làm việc với nhiều nghệ sĩ đóng vai hề nổi tiếng. Nhưng khi trở thành nhà sáng lập và ủng hộ tích cực cho CWB, nghệ sĩ hề xiếc kỳ cựu này hạnh phúc hơn với việc mang lại niềm vui cho hàng ngàn người tị nạn trẻ tuổi, những người vì chiến tranh, loạn lạc phải di cư khắp nơi trên thế giới.

Sau khi thành lập năm 1993, CWB mau chóng có mặt tại Pháp và Thụy Điển, đồng thời mô hình này cũng được mở rộng tại các khu vực có xảy ra xung đột khác.

127.500 dự án biểu diễn tại 123 quốc gia

"Khi chúng tôi bắt đầu, với một số người chuyện này dường như là trò đùa. Một tổ chức phi chính phủ của những chú hề ở giữa một cuộc chiến! Chuyện thật phi lý. Thoạt tiên chúng tôi cũng tự hỏi mình đang làm gì, nhưng sau trải nghiệm đầu tiên, đó thực sự là một tâm trạng xúc động, mạnh mẽ" - ông Poltrona chia sẻ về những ngày đầu tiên của CWB.

Trong suốt quá trình hoạt động, họ đã luôn thận trọng để không gây ra bất cứ tổn hại nào cho những cộng đồng tại nơi họ tới biểu diễn. Họ cố gắng không dính líu vào những tranh cãi chính trị tại địa phương. Dù vậy, thi thoảng họ vẫn gặp rắc rối ở một số khu vực. Ông Poltrona từng bị phiến quân Croatia bắt cóc trong 24 giờ.

Một kỷ niệm ông không bao giờ quên là năm 1994, giai đoạn xảy ra cuộc chiến tranh giữa Croatia và Bosnia. Trong nhiều ngày liền, ông vẫn tới các trại tị nạn để biểu diễn cho trẻ em người Bosnia xem, nhưng ông phải đi qua chốt kiểm tra an ninh do phiến quân Croatia canh giữ. Ông vẫn thường chào hỏi mỗi lần đi qua chốt chặn này. Rồi một ngày, khi ông vừa tới chốt và nói "xin chào", ông nghe thấy những tiếng súng vang lên. Khi đó, một trong các phiến quân bảo ông: "Ông không được tới với người Bosnia. Hôm nay ông phải biểu diễn cho bọn trẻ con của chúng tôi".

Ông Poltrona kể năm 2005, khi tới các nước vùng Balkan và thăm một vùng đã được tái thiết nhờ sự hỗ trợ của hội đồng thành phố Barcelona, một phụ nữ khoảng 24 tuổi tới gặp ông và nói: "Cảm ơn ông đã khiến cháu được cười từ 12 năm trước". Cô còn đưa cho ông xem những đồ kim tuyến cô thu lượm được từ chương trình biểu diễn hồi đó.

Theo thống kê trên trang web của CWB, kể từ năm 1993 đến nay, toàn bộ các chi nhánh của CWB đã hoàn thành 127.500 dự án biểu diễn nghệ thuật tại 123 quốc gia trên toàn thế giới, mang lại tiếng cười cho biết bao trẻ em và cả người lớn tại các trại tị nạn ở những nước này.

“Trẻ em là những chú hề tự nhiên vì chúng bộc lộ mọi điều chúng cảm thấy. Khi chúng lớn lên và trở thành người lớn, chúng bắt đầu nói dối. Trẻ em không nói dối. Chúng tôi (những chú hề) cảm thấy sự trong trẻo này với trẻ em” - nhà sáng lập CWB đã chia sẻ như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn biên tập viên trang web của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) năm 2011.

Tuổi Trẻ gửi gạo và 5.000USD quà ngay ở trại tị nạn Tinago Tuổi Trẻ gửi gạo và 5.000USD quà ngay ở trại tị nạn Tinago

TT - Chiều 21-11, đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ đã tới trại tị nạn Tinago - trại tị nạn lớn nhất ở Cebu, nơi tiếp nhận nạn nhân bão Haiyan từ Tacloban, Talauan và các vùng phụ cận - để trao hơn 1 tấn gạo và 5.000 USD tiền cứu trợ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên