24/10/2018 06:00 GMT+7

Hôm nay 24-10, Quốc hội bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm

T.CHUNG
T.CHUNG

TTO - Nội dung lấy phiếu tín nhiệm của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ được bắt đầu chiều nay 24-10 với việc thông qua danh sách những người được lấy phiếu.

Hôm nay 24-10, Quốc hội bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội khóa XIII bỏ những lá phiếu tín nhiệm vào hộp phiếu trong phiên họp ngày 15-11-2014 - Ảnh: Quochoi.vn

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy sẽ trình bày tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội thông qua danh sách này bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Các đại biểu Quốc hội sau đó sẽ về thảo luận ở đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, để sáng 25-10 chính thức tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều 25-10.

Như Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông báo trước kỳ họp, có 48 trong số 50 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn đủ điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các thành viên Chính phủ; Phó chủ tịch nước; chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hai chức danh sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này là Chủ tịch nước và bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông do hai người giữ các chức vụ này có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng.

Theo nghị quyết của Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

Các đại  biểu Quốc hội sẽ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu dựa trên hai căn cứ: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Các mức độ đánh giá gồm "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Đây là lần thứ ba Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Lần đầu thực hiện ngày 10-6-2013, có 47 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn được đưa ra lấy phiếu. Lần thứ hai được thực hiện ngày 15-11-2014, tất cả 50 chức danh theo quy định đã được đưa ra lấy phiếu.

Kể từ khóa XIV, Quốc hội sẽ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ.

Vì sao Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước, chất vấn sau? Vì sao Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước, chất vấn sau?

TTO - Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp thứ 6, sau đó mới tiến hành chất vấn, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là để đảm bảo công bằng.

T.CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên