24/03/2015 08:51 GMT+7

Đường 9 đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

Q.TRUNG - M.LOAN
Q.TRUNG - M.LOAN

TT - Đại học Luật Hà Nội và Viện FES (Đức) phối hợp tổ chức hội thảo “Giải quyết tranh chấp trên biển theo quy định của luật quốc tế và Công ước Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 23 và 24-3 tại Hà Nội.

Mục đích của hội thảo là tạo diễn đàn thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về việc vận dụng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) trong việc giải quyết tranh chấp biển trong khu vực, cụ thể là biển Đông.

Hội thảo quy tụ nhiều giảng viên, giáo sư luật trong nước và các giáo sư luật đến từ các nước Đức, Indonesia, Philippines, Nhật Bản.

Trong ngày 23-3, các đại biểu đã nghe sáu tham luận tập trung vào cơ chế chung về giải quyết tranh chấp trên biển, giải quyết tranh chấp tại các thiết chế tài phán quốc tế và tổ chức quốc tế.

Trong bài tham luận của mình, GS Alexander Proelss thuộc khoa luật ĐH Trier (Đức) trình bày về tranh chấp biển và giải quyết tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS.

GS Alexander Proelss có đề cập về yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc và theo ông, cho đến nay đường lưỡi bò của Bắc Kinh không rõ ràng khi nhiều người vẫn đang tranh cãi về việc nên hiểu đường lưỡi bò này như thế nào.

* Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 23-3 khẳng định đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trái phép ở biển Đông không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.

Song, ông Widodo nhấn mạnh Jakarta vẫn muốn là một “nhà trung gian trung thực nhất” trong khu vực tranh chấp chủ quyền căng thẳng nhất châu Á hiện nay.

Tổng thống Indonesia cho biết Jakarta ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông (COC) và đối thoại giữa Trung Quốc - Nhật Bản cũng như Trung Quốc - ASEAN.

Q.TRUNG - M.LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên