Ngày 3-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP Đà Nẵng. Vấn đề ép mua bảo hiểm nhân thọ được đưa ra đã làm nóng hội nghị.
Sự kiện có mặt các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các chi nhánh ngân hàng tại thành phố.
Không có tiền mới đi vay, còn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ
Ông Phạm Bảy - giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải, bất động sản - bức xúc thời gian gần đây nảy ra chuyện ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm. Ông nói doanh nghiệp đã khó khăn, không có tiền mới đi vay. Vậy mà ngân hàng chèo kéo mua bảo hiểm, mỗi tháng đóng cả chục triệu đồng.
"Đã không có tiền họ mới cắn răng đi vay, lương không có trả cho nhân viên, thuế không có đóng cho Nhà nước. Các anh chị phải thấu hiểu chứ tại sao cứ đẻ ra việc mua bảo hiểm. Tại sao Nhà nước không ra tay xử lý, kiềm chế vấn đề này?", ông Bảy bức xúc nói.
Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp về vấn đề này, ông Võ Minh - giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng - nói bản thân rất phản đối vấn nạn các ngân hàng thương mại ép khách vay mua bảo hiểm rộ lên thời gian qua.
Theo ông Minh, việc mua các bảo hiểm cho khoản vay như bảo hiểm nhà xưởng, bảo hiểm tài sản thế chấp để đảm bảo khả năng trả nợ khi không may xảy ra thiên tai, cháy nổ là điều nên làm và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên việc chèo kéo, ép người vay mua bảo hiểm nhân thọ là không chấp nhận được.
Theo ông, việc các công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy cho ngân hàng bán rồi ép khách hàng phải mua xuất phát từ hội sở, các chi nhánh được giao chỉ tiêu phải thực hiện. Nếu không thực hiện là bị cắt lương, thưởng, thậm chí cắt giảm việc làm. Nhân viên ngân hàng ám ảnh chuyện hợp đồng bảo hiểm ngay cả trong giấc ngủ.
Các chi nhánh ngân hàng phải lên tiếng phản đối
Theo ông Võ Minh, trong các hội nghị trước đây, một số ngân hàng thương mại biện minh là bảo hiểm nhân thọ tốt đẹp, nhân văn..., ông rất không đồng tình, vì chưa phải phù hợp với tất cả.
"Trong hội nghị vừa rồi, tôi có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các hội sở xem lại. Nhưng tôi e rằng việc này khó, vì các hội sở ký với các công ty bảo hiểm nhân thọ, nhận được một khoản tiền rất lớn. Rồi sau đó họ tiếp tục gửi tiền tại ngân hàng thương mại, 2 - 3 cái lợi làm cho mờ mắt.
Tôi đề nghị các ngân hàng phải nghiên cứu lại, dành thời gian lo tín dụng, huy động vốn, chăm sóc khách hàng, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển", ông Minh chia sẻ.
Lãnh đạo cơ quan này cho hay vừa rồi có nhận được một số đơn của người dân kiến nghị về việc ngân hàng thương mại ép mua bảo hiểm. Ông yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại phải có tiếng nói phản đối trước sức ép của hội sở.
Cơ quan này cũng cho biết đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký từ trước đến nay tại Đà Nẵng, để có cơ sở báo cáo Ngân hàng Nhà nước và đấu tranh về việc này. Đây là việc bảo vệ các chi nhánh, uy tín ngành ngân hàng và bảo vệ công chúng. Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại giấu giếm, không báo cáo cụ thể với Ngân hàng Nhà nước.
"Tôi rất bực bội và kịch liệt phản đối việc này, bảo hiểm nhân thọ rất tốt nhưng chỉ dành cho những người có nhu cầu, chứ không phải cho toàn dân. Người dân đi vay tiền, bị lệ thuộc nên cứ bị ép mua", ông Minh bức xúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận