Ý kiến trên được một số đại biểu chia sẻ bên lề hội thảo "Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)" diễn ra ngày 23-2.
"Tự nguyện làm sao được khi mua bảo hiểm rồi lại bỏ?"
Cụ thể, theo luật sư Hoàng Văn Sơn, trưởng Văn phòng luật sư VNC (TP.HCM), hiện nay nhiều ngân hàng nói là "người tiêu dùng tự nguyện mua bảo hiểm", nhưng điều này không thuyết phục, bởi thực tế có trường hợp khách sau khi nhận được tiền vay thì không mặn mà với bảo hiểm đã mua, thậm chí chấp nhận bỏ bảo hiểm.
"Tự nguyện làm sao được khi khách đi mua bảo hiểm rồi lại bỏ, hoặc nhiều trường hợp đóng tiền mua liên tục 4-5 hợp đồng bảo hiểm dù nhu cầu thật sự không cần. Đó là một trong những căn cứ chứng minh khách hàng không tự nguyện", ông Sơn khẳng định.
Để hạn chế tình trạng này, ông Sơn kiến nghị đưa vào Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng điều khoản: "Cấm tổ chức, cá nhân ép buộc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp này lại phải mua thêm một sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp khác".
Một số ý kiến cho rằng việc vay tiền phải mua bảo hiểm giống như kiểu "mua bia kèm lạc", phía ngân hàng dùng nhiều cách thức để lách các quy định, dẫn dắt dễ gây hiểu nhầm trong giao dịch, đặc biệt đối với những người lớn tuổi. Do đó, cần có điều khoản quy định cụ thể, tách biệt về các hoạt động được và không được thực hiện đối với ngân hàng, đây là cách để bảo vệ người tiêu dùng.
"Ngân hàng nói 'khách tự nguyện mua bảo hiểm' là không khách quan, lấp liếm sự thật. Cần dựa vào 'điều cấm' để cơ quan nhà nước bắt buộc đơn vị làm sai phải khắc phục, hoặc người dân có quyền khởi kiện các tổ chức để đòi lại khoản tiền mua bảo hiểm, ngay cả khi đã hoàn thành hợp đồng giao dịch".
Cần sửa, tăng thêm các điều khoản bảo vệ người tiêu dùng
Phát biểu tại hội thảo, bà Phan Thị Việt Thu, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng dự thảo luật hiện nay đã có thêm nhiều điều khoản trong việc bảo vệ người tiêu dùng so với trước đó. Tuy nhiên, theo bà Thu, ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội... có nhiều tổ chức xã hội có khả năng hợp tác với các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, cần mở rộng thêm quy định cho các tổ chức xã hội này được liên kết với các tổ chức quốc tế, góp phần bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.
Trong khi đó, đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề nghị bổ sung chương trình mới quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật, một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế (người tàn tật, khuyết tật, người nghèo...).
Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh, cần tăng bảo vệ thông tin dữ liệu của người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng online, hay mua bán hàng đa cấp…
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đơn vị sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, làm rõ hơn để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến thảo luận với tinh thần trách nhiệm, tập trung góp ý trực tiếp những nội dung cụ thể của dự thảo luật.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là bên yếu thế trong giao dịch.
"Các đóng góp sẽ được cơ quan chuyên trách lắng nghe và tổng hợp lại để xem xét sửa đổi luật cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và công bằng giữa các bên, tránh tình trạng chồng chéo", ông Huy khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận