19/08/2019 09:12 GMT+7

Sửa Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Đề xuất xử lý hình sự một số vi phạm

B.NGỌC
B.NGỌC

TTO - Bộ Công thương vừa gửi báo cáo thi hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và đề nghị sửa đổi luật này.

Sửa Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Đề xuất xử lý hình sự một số vi phạm - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Cụ thể, trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, Bộ Công thương cho hay kể từ khi luật này có hiệu lực, số vụ khiếu nại, yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng lên rất nhanh.

Thủ tục còn làm khó dân

Chỉ riêng khiếu nại gửi tới Bộ Công thương từ 26 vụ (năm 2011) đã tăng lên 450 vụ (năm 2013). Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2014-2018, trung bình mỗi năm người tiêu dùng gửi tới Bộ Công thương 1.500 vụ khiếu nại, yêu cầu bảo vệ quyền lợi. Tỉ lệ các vụ khiếu nại được giải quyết thành công đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng gửi 2.000 vụ khiếu nại tới các hội bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước/năm, như năm 2015 Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre giúp người tiêu dùng thắng kiện tại phiên xét xử phúc thẩm vụ 190 người tiêu dùng bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì kẹp thịt.

Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá số lượng các vụ khiếu nại, yêu cầu bảo vệ quyền lợi được gửi tới các cơ quan chức năng hiện còn rất nhỏ so với thực tế phát sinh. Hầu hết các địa phương chưa công bố rộng các kênh hỗ trợ người tiêu dùng trong quá trình khiếu nại. Các thủ tục khiếu nại cũng còn rườm rà, gây khó cho người dân.

Cần tăng khả năng bảo vệ người tiêu dùng

Để khắc phục những bất cập của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương kiến nghị sửa các quy định của luật liên quan tới các tranh chấp tiêu dùng có yếu tố nước ngoài hoặc xuyên biên giới; bổ sung điều khoản bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử... Đặc biệt, Bộ Công thương đề xuất sửa đổi luật để tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với một số nhóm hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Bộ này cũng đề xuất tạo cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để mọi người có thể chia sẻ, khai thác thông tin.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - cho rằng việc giải quyết quyền lợi người tiêu dùng hiện nay liên quan an toàn thực phẩm, hàng kém phẩm chất rất phức tạp. "Với vi phạm nghiêm trọng về chất lượng hàng hóa, tái phạm nhiều lần, vi phạm trên phạm vi lớn... phải xử lý hình sự để đủ sức răn đe" - ông Phú đề nghị nhưng cũng lưu ý phải làm tốt khâu thực thi để đảm bảo sai phạm bị xử lý.

Quy định rõ trách nhiệm cơ quan hành chính

Hiện cơ chế yêu cầu và giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang quy định lửng lơ, không tạo ra cơ chế nhất quán. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần có quy định làm rõ sự khác biệt giữa giải quyết yêu cầu và giải quyết khiếu nại, trách nhiệm khiếu nại cần bổ sung với tất cả các cấp hành chính để người tiêu dùng ở mọi địa phương có thể tìm đến các cơ quan hành chính đề nghị hỗ trợ giải quyết tranh chấp.

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 2 thế giới Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 2 thế giới

TTO - Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, khi tăng 9 điểm trong quý 3 nhờ triển vọng việc làm và tình hình tài chính cá nhân.

B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên