08/05/2019 15:32 GMT+7

Hội bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu minh bạch phương án giá điện

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Ngày 8-5, ba đoàn kiểm tra việc thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được Bộ Công thương triển khai theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương tại 5 tổng công ty điện lực ở ba miền.


Hội bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu minh bạch phương án giá điện - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực yêu cầu thông tin rõ phương pháp tính nội suy trong kỳ điều chỉnh giá điện - Ảnh: NA

Đoàn kiểm tra tại khu vực miền Bắc do ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực làm trưởng đoàn đã làm việc với Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVNNPC) và một số khách hàng sản xuất tại địa phương.

Tham gia có đại diện của Bộ Tài chính, Hội bảo vệ người tiêu dùng, Tổng Liên đoàn lao động VN, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng một số cơ quan truyền thông...

Sản lượng tiêu thụ tăng là nguyên nhân tăng giá

Báo cáo về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, ông Đỗ Văn Năm, phó trưởng ban Kinh kinh doanh của EVNNPC cho biết: sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 tăng mạnh, từ mức 188 triệu kWh/ngày của tháng 3 tăng lên 202 triệu kWh/ngày trong tháng 4.

Khi thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện, EVNNPC cũng đã thực hiện chốt chỉ số công tơ để phát hành hóa đơn. Bốn tháng đầu năm, tổng số cuộc gọi qua tổng đài là 457.526 cuộc gọi đưa ra 520.475 yêu cầu.

Theo lãnh đạo EVNNPC, tiền điện tháng 4 tăng so với tháng 3 là do các nguyên nhân như nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi thời tiết chuyển mùa, nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị nhiệt, hút ẩm, điều hòa tăng.

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương thực hiện đồng thời tại ba miền, làm việc trực tiếp với 5 tổng công ty. Ngoài ra, cơ quan kiểm tra sẽ đi thực tế và kiểm tra việc niêm yết giá, tính giá tại các điểm thu tiền điện, các khách hàng sử dụng điện, trung tâm chăm sóc khách hàng...

Ngoài ra, số ngày ghi hóa đơn tháng 4 cũng nhiều hơn 3 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 và do điều chỉnh tăng giá điện ngày 20-3 tạo nên tạo nguyên nhân kép khiến giá điện tăng.

Dẫn chứng hóa đơn của một khách hàng sinh hoạt với lượng điện tiêu thụ tháng 3 là 513 kWh, hóa đơn tiền điện phải trả là 1,143 triệu đồng. Điện tiêu thụ tháng 4 là 707 kWh nếu tính theo giá mới là 1,667 triệu đồng, tính theo giá mới là 1,767 triệu đồng (tăng 5,94%).

Như vậy, so với tháng 3-2019, tiền điện tháng 4 tăng 45,8% do sản lượng tiêu thụ tháng 4-2019 tăng 1,3 lần (tăng 37,8%). Sau khi tăng giá điện, tiền điện tăng 54,4%. Như vậy riêng việc tăng sản lượng điện tiêu thụ đã tác động làm tăng tiền điện đến 45,8%.

Nhiều câu hỏi về cách tính giá điện, chi phí sản xuất điện

Trong vai trò trưởng đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Anh Tuấn hỏi là khách hàng có những thắc mắc tập trung vào vấn đề phương pháp nội suy và bậc thang lũy tiến, thì cơ quan điện lực xử lý và giải đáp thế nào.

Đồng thời, ông cũng đề nghị đánh giá tác động việc thay đổi giá điện này ảnh hưởng ra sao đến các đơn vị sản xuất trên địa bàn các tỉnh miền Bắc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết thời gian qua người tiêu dùng phản ánh nhiều về tiền điện tăng cao bất thường. Do giá điện có yếu tố nhạy cảm, không chỉ ảnh hưởng chi phí của người tiêu dùng, mà đây là mặt hàng đầu vào cho sản xuất kinh doanh, nên tác động rất lớn.

Do đó, ông Hùng đề nghị cần phải thông tin minh bạch phương án giá.

Ông Hùng cũng đặt câu hỏi là điện là ngành kỹ thuật, khi có ý kiến cho rằng các yếu tố cấu thành giá thành điện, trong đó có chi phí phát điện chiếm tới 70%, nhưng tiêu hao nhiên liệu của Việt Nam gấp đôi thế giới, vậy có đúng như vậy không?

Giải đáp thông tin, ông Năm cho biết phương pháp tính giá điện trong kỳ điều chỉnh giá được thực hiện theo Thông tư 16/2014 quy định thực hiện giá bán điện. Theo đó, cách tính giá điện được dựa trên các yếu tố sản lượng điện tiêu thụ, kỳ tính hóa đơn và định mức tiêu thụ cho hộ gia đình, bằng phương pháp nội suy.

Ngay sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định về giá bán điện, EVNNPC cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các công ty điện lực triển khai thực hiện. Trong đó có chỉ đạo về việc chốt chỉ số công tơ, phúc tra chỉ số công tơ sau đổi giá bán điện.

Phương án giá điện chưa công bố để "mật" tránh tâm lý cho khách hàng

Theo giải đáp của ông Tuấn, việc đưa phương án giá điện chưa công bố vào danh mục tài liệu mật bởi đây là thông tin hết sức nhạy cảm với đời sống. Do đó, trong quá trình xây dựng, đang thảo luận thì đưa vào phương án mật để tránh tác động đến tâm lý người dân.

Tuy nhiên, với phương án giá điện đã được phê duyệt thì ngành điện sẽ công bố công khai.

"Giá điện đều có tác động đến các chỉ số, nên hết sức nhạy cảm. Chưa kể yếu tố lạm phát, tâm lý của người dân, do giá điện tăng nên ra chợ hàng hóa cũng tăng, trong khi trên thực tế lạm phát không tăng như vậy.

Vì vậy theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước thì khi giá cả hàng hóa quan trọng chưa công bố, đang thảo luận và xin ý kiến thì coi là mật" - ông Tuấn nói.

Giải đáp về chi phí nhiên liệu với các nhà máy điện, ông Tuấn cho biết hiện các nhà máy điện khi phát điện không hoàn toàn đưa vào giá điện. Bởi hiện nay thị trường phát điện cạnh tranh được hình thành, các nhà máy được huy động trên bảng chào giá. Trường hợp nhà máy chi phí nhiên liệu cao hơn chi phí thị trường sẽ phải chịu lỗ.

Đồng thời, hàng năm Bộ Công thương cũng công bố khung giá phát điện của các nhà máy nhiệt điện, tuabin khí và giá điện không được vượt quá khung này. Theo đó, ngành điện thanh toán chỉ trong khung giá đã quy định, còn nếu chi phí tăng lên thì các nhà máy phải chịu.

Họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc tăng giá điện Họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc tăng giá điện

TTO - Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2019 chiều 4-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tăng giá điện vừa qua đã gây tâm tư trong nhân dân.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên