Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo Hội nghị AEM 52 - Ảnh: N.KHANG
Ngày 30-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp báo công bố kết quả Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 22 đến 29-8.
Ông Tuấn Anh cho hay kết quả quan trọng nhất là các bộ trưởng thống nhất thúc đẩy thực hiện các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra. Trong đó 2 sáng kiến hoàn tất về "Chỉ số Hội nhập số ASEAN" và "Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN"; 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Theo đó, các nước thống nhất hướng xử lý thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới; thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ...
Về ngoại khối, AEM 52 ưu tiên ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay nên các vấn đề còn tồn đọng đạt đựợc kết quả khả quan. Bao gồm việc xác định các quy tắc bổ sung đối với các dòng thuế, hàm lượng nội địa của sản phẩm xuất khẩu, thời điểm kết thúc rà soát pháp lý chuẩn bị cho ký kết, tiếp tục nỗ lực để Ấn Độ có thể tham gia...
Trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam tích cực đưa ra các đề xuất như Tuyên bố chung của các bộ trưởng kinh tế ASEAN về ứng phó với dịch COVID-19, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, trong hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.
Đối với quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, bộ trưởng khẳng định đây là mối quan hệ nền tảng quan trọng. Về kinh tế thương mại, tổng kim ngạch thương mại giữa 2 bên năm 2019 đạt 507,9 tỉ USD, chiến 18,5% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Về đầu tư, Trung Quốc vào ASEAN cũng đạt tới 9,1 ngàn tỷ USD, chiếm 5,7% giá trị FDI vào ASEAN.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Trung Quốc đã đã thể hiện ý chí trong những nỗ lực chung giữa hai bên thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc về ứng phó dịch COVID-19 và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định ACFTA.
Trọng tâm là tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng nhằm ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19: duy trì liên kết chuỗi cung ứng khu vực; tăng cường lưu thông và tiếp cận các mặt hàng thiết yếu; tăng cường hợp tác đối với hoạt động chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt nhằm ứng phó và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục hoạt động...
Việt Nam phát huy vai trò chủ nhà ASEAN 2020
Trong bối cảnh dịch COVID-19 nên các nước phải hạn chế đi lại, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động thích ứng, thay đổi phương thức tổ chức từ truyền thống sang họp trực tuyến để Hội nghị diễn ra đúng kế hoạch.
Đặc biệt, Việt Nam đã phát huy tối đa vai trò Chủ tịch ASEAN thông qua việc chủ động đề xuất cũng như tham gia các sáng kiến ứng phó với tác động với dịch COVID-19.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng với những nỗ lực từ đầu năm đến nay đã cho thấy vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng ASEAN" của năm 2020 và nhận được sự ủng hộ, ghi nhận từ các nước ASEAN cũng như các đối tác ngoại khối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận