07/10/2021 10:50 GMT+7

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Liều vắc xin Pfizer tăng cường có hiệu quả ra sao?

TTXVN
TTXVN

TTO - Một nhóm nhà khoa học Mỹ vừa tiến hành nghiên cứu về hiệu quả phòng chống COVID-19 của mũi tiêm thứ 3 đối với bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa chất.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Liều vắc xin Pfizer tăng cường có hiệu quả ra sao? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Kết quả nghiên cứu cho 80% trường hợp tiêm mũi thứ 3 của Hãng Pfizer/BioNTech có sự cải thiện rõ ràng về kháng thể COVID-19, qua đó xác định hiệu quả của mũi tiêm tăng cường trong việc bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương này trước nguy cơ mắc bệnh hoặc gặp biến chứng nặng của COVID-19.

Tham gia nghiên cứu có 53 bệnh nhân ung thư đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Theo bà Deepta Bhattacharya - thuộc khoa dược, Đại học Arizona, đồng tác giả nghiên cứu, hầu hết các trường hợp đều có phản ứng miễn dịch sau khi tiêm chủng.

Nhưng phản ứng miễn dịch đối với COVID-19 ở các đối tượng này tệ hơn những người không mắc ung thư theo số liệu nghiên cứu mà nhóm tổng hợp được. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân ung thư sẽ dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 và mắc COVID-19 hơn những người khỏe mạnh đã tiêm vắc xin COVID-19.

Ở 20 bệnh nhân ung thư sau đó được tiêm mũi tăng cường thứ 3 của Pfizer/BioNTech, các nhà nghiên cứu phát hiện mật độ kháng thể COVID-19 ở 80% người tiêm mũi thứ 3 này đã cải thiện rõ rệt.

Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ hỗ trợ Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ trong việc đưa ra khuyến nghị rộng rãi về những đối tượng cần tiêm mũi tăng cường thứ 3.

Một diễn biến khác, 7 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA, hiệu quả của vắc xin này vẫn ổn định ở đa số người dân Ý, trong khi ở một số nhóm cụ thể có giảm nhẹ. Kết quả trên được Viện Y tế quốc gia (ISS) và Bộ Y tế Ý công bố trong báo cáo ra ngày 6-10.

Báo cáo của ISS và Bộ Y tế Ý cho thấy đa số những người được tiêm các loại vắc xin mRNA, hiệu quả chống lại nguy cơ lây nhiễm 7 tháng sau khi được tiêm mũi thứ hai là 89%, trong khi hiệu quả bảo vệ khỏi tình trạng nhập viện và tử vong sau 6 tháng lần lượt là 96% và 99%. 

Báo cáo xem xét dữ liệu tính đến ngày 29-8 của hơn 29 triệu người dân Ý đã tiêm đủ liều vắc xin mRNA như các loại vắc xin do Pfizer và Moderna sản xuất.

Theo báo cáo của ISS, với những người suy giảm miễn dịch, khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm giảm từ 28 ngày sau khi được tiêm mũi thứ 2, với mức giảm không giống nhau tùy theo bệnh khiến hệ miễn dịch suy giảm. 

Ở những người mắc đồng thời nhiều loại bệnh nhưng không bị suy giảm miễn dịch, mức độ bảo vệ khỏi lây nhiễm giảm từ 75% trong 28 ngày sau mũi tiêm thứ hai xuống 52% sau khoảng 7 tháng. ISS cho biết hiệu quả của vắc xin ở những người trên 80 tuổi và những người ở viện dưỡng lão cũng giảm, nhưng vẫn ở mức trên 80%.

Những phát hiện này của Ý khác với kết quả một nghiên cứu do Pfizer thực hiện và công bố trên tạp chí y khoa Lancet ngày 4-10, cho thấy hiệu quả vắc xin của Pfizer/BioNTech trong việc ngăn ngừa lây nhiễm sau 6 tháng đã giảm xuống 47%, so với mức 88% sau khi được tiêm mũi thứ 2. 

Nghiên cứu của ISS không đề cập đến nghiên cứu được công bố trên Lancet, do nghiên cứu của Pfizer chỉ tập trung vào hồ sơ sức khỏe điện tử của 3,4 triệu người tại Mỹ, nhưng không bao gồm dữ liệu về việc tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch như đeo khẩu trang. 

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.

Sau nửa năm chích, hiệu quả ngăn lây nhiễm của vắc xin Pfizer còn 47% Sau nửa năm chích, hiệu quả ngăn lây nhiễm của vắc xin Pfizer còn 47%

TTO - Hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech trong ngăn lây nhiễm giảm từ 88% sau khi tiêm đủ 2 mũi xuống còn 47% sau 6 tháng. Mặc dù vậy, vắc xin này vẫn cho hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng và nhập viện.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên