29/10/2022 12:33 GMT+7

Hơi ấm người dưng - Kỳ 6: Cha, con và những chuyến đi về phía tình người

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Ở khu phố Bình Giang 2 (phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, Bình Phước), nhiều người biết "ông già vui tính" Phạm Văn Phúc.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 6: Cha, con và những chuyến đi về phía tình người - Ảnh 1.

Ông Phúc đi đến đâu cũng gieo nụ cười vui và lòng yêu thương - Ảnh: YẾN TRINH

Cụt mất một bên tay và đã tuổi 73, ông Phúc vẫn ngày ngày tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Người con trai út cũng "nối nghiệp" ông làm việc thiện một cách lặng lẽ.

Ông già vui tính

Sáng sớm, biết có nhóm thiện nguyện về địa phương, ông Phúc "lên đồ" rồi hẹn mấy người bạn đi gặp gỡ, kết nối. Dáng người cao gầy và mái tóc bạc trắng, ông đã xuất hiện ở nhiều ngôi nhà như một ông tiên. Khi thì do ông vừa vận động được một số tiền giúp họ qua cơn bĩ cực, lúc thì ông đến để tìm hiểu hoàn cảnh, thăm hỏi người ốm đau. Không thể chạy xe máy do chỉ còn một bàn tay và mắt đã yếu, ông thường "đi ké" xe của hội bạn già.

Cứ vậy, ngót nghét 20 năm nay, hầu như ngày nào ông Phúc cũng có việc để ra đường. Làm việc ở hội chữ thập đỏ của phường nhiều năm, ông nắm rõ nhiều trường hợp bà con khó khăn trong những ngõ ngách của vùng đất đỏ này. 

"Tôi cũng không nhớ rõ mình đã giúp cho bao nhiêu người. Cứ ai cần hoặc có người giới thiệu là tôi tới hỏi han, sau đó vận động những nguồn mà mình quen biết", ông nói. Khi thì ông mang quà bánh, khi tiền bạc cho người ta đỡ khổ. Chỉ với một chiếc điện thoại "cục gạch" cộng với tấm chân tình, ông đã kết nối nhiều tấm lòng để thực hiện những việc tốt của mình.

Hơn 40 năm trước, trong lúc đi làm rẫy, ông Phúc "đụng độ" trái mìn, mất một bàn tay. Là trụ cột gia đình nên thời điểm đó, cảnh nhà ông thiếu trước hụt sau. Nhưng rồi với bàn tay còn lại, ông cùng vợ nuôi sáu người con khôn lớn. Khi đã rỗi rảnh và có điều kiện hơn, ông dành hầu hết quỹ thời gian cho những việc thiện không tên.

Gương mặt hiền từ, "ông già vui tính" bộc bạch rằng mình không chịu được cảnh ngồi không: "Đi tới đi lui như vậy tôi thấy vui, thấy trong người nhẹ nhàng, thoải mái. Với lại tôi nghĩ mình giúp được ai thì giúp". Ông còn là cây văn nghệ của địa phương, gảy đàn guitar bằng một tay. Nhiều người quen biết ông nói rằng ở đâu có ông, ở đó có tiếng cười...

Vui buồn cuộc đời đã nếm đủ, ông Phúc luôn tâm niệm ở đời phải biết thương người. Nói về điều này, anh Phạm Phi Hải (38 tuổi, con trai út của ông) cho biết cha đã dạy sáu anh chị em rằng sống phải có cái tâm giúp người. 

Anh kể: "Hồi tôi còn nhỏ, ba tôi hay tìm cách giúp đỡ người khác. Thấy người ta đắp đường phía trước nhà, ba kêu mấy anh em tôi ra làm cùng. Hàng xóm có đám tang hay việc gì cần, gia đình tôi cũng phụ một tay".

Tuổi thơ anh Hải vì thế được tưới tắm trong lòng trắc ẩn, và có lẽ ông Phúc là một người cha hạnh phúc khi các con tiếp nối cuộc sống tốt đẹp, thương người như thương thân.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 6: Cha, con và những chuyến đi về phía tình người - Ảnh 2.

Anh Phạm Phi Hải khám phát thuốc giúp người già, khó khăn - Ảnh: NVCC

Tâm niệm bốc thuốc cứu người

Thừa hưởng những đức tính của cha mẹ, mấy anh chị em anh Hải đều là người thiện tâm. Đặc biệt, anh Hải đã chọn theo nghiệp bốc thuốc gia truyền của bà ngoại mình. Anh Hải kể bà ngoại của anh ngày còn sống mở một cơ sở chữa bệnh cho người nghèo, không chủ trương thu phí mà tùy hỷ. 

"Những lúc không phải học bài, tôi ở phòng thuốc phụ ngoại. Không riêng gì tôi, ba tôi cũng hay cùng bà đi hái lá thuốc trong những cánh rừng, khe suối gần gần đó", anh nhớ lại.

Học xong cấp III, anh Hải chọn học y sĩ ngành y học cổ truyền. Năm 2014, anh ra trường, sau đó làm việc ở hội đông y của thị xã 5 năm. Rồi anh dành thời gian làm việc thiện, khi thì cùng bạn bè, khi với các nhóm thiện nguyện.

Điều làm chàng y sĩ trẻ tuổi day dứt sau mỗi chuyến đi là ngoài chuyện thiếu cái ăn, người nghèo cũng thiếu thuốc men trị bệnh vì nhiều người chưa có điều kiện bước chân đến cơ sở y tế. Từ đó, ngoài việc trao tặng gạo mắm, anh hướng đến việc khám phát thuốc miễn phí. Khi thì Long An, Tiền Giang, khi thì Đắk Lắk, và địa phương anh trở lại nhiều lần là An Giang, do nơi này có phòng khám bệnh miễn phí của một người anh.

Tại TP.HCM, anh Hải thường lui tới một ngôi chùa ở quận 12 để khám bệnh cho các phật tử. Thời gian ban ngày anh thường đi khám bệnh theo yêu cầu để có thu nhập, buổi tối và ngày cuối tuần anh đến chùa khám miễn phí. Có lúc anh ngủ lại, khi thì ra về lúc tối muộn. Mỗi tháng anh thường tham gia một chuyến đi xa làm thiện nguyện.

Anh Hải nói: "Tôi sinh hoạt trong nhóm thiện nguyện Mặt trời đỏ bốn năm nay, thường đi cùng để kết hợp khám phát thuốc cho bà con nhiều nơi". Mỗi chuyến đi, họ chuẩn bị cả tuần lễ. "Tôi thường tìm nguồn thuốc men của những nơi bán quen, có nơi họ biết mục đích của mình nên đã tặng không lấy tiền. Ngoài tiền túi, tôi cũng vận động được từ mấy anh chị em trong nhà, từ bạn bè...", anh cho biết.

Kể về kỷ niệm trong những chuyến đi, nhắc tới một cụ già ở miền Tây mà mình gặp cách đây chưa lâu, bất giác anh rơi nước mắt. Cụ đau nhiều, cứ nắm tay anh rồi nói: "Chú cứu tôi nghe, tôi chưa muốn chết". Anh chăm sóc, an ủi, đút cụ ăn, sau đó anh biết tin cụ khỏi bệnh thì mừng lắm. 

Những chuyến đi như thế cũng giúp anh nâng cao tay nghề, sống trong tình yêu thương của bà con khi có lần cả nhóm phải ngủ nhờ nhà dân, hoặc trong chuyến đi Đắk Lắk có khu vực người đồng bào không sõi tiếng Kinh, bà con đã phiên dịch giùm...

Ấp ủ mở phòng khám miễn phí

Ai cũng có đam mê của mình, anh Hải nói vui rằng anh có một đam mê "lãng xẹt" là giúp người ta đỡ đau bệnh. Để đủ điều kiện mở một cơ sở chữa bệnh miễn phí, anh quyết tâm lấy bằng bác sĩ y học cổ truyền. Năm 2018, anh đậu vào Trường đại học Hòa Bình ở tận... Hà Nội, miệt mài học với chương trình sáu năm...

Thời điểm đó, anh chọn đi đi về về giữa Hà Nội và TP.HCM để vừa lo việc học, vừa không dang dở những việc thiện của mình. "Ngoài Hà Nội, tôi đăng ký ở ký túc xá. Còn ở TP.HCM, tôi thuê trọ tại quận Tân Bình. Trải qua kỳ thực tập, dự kiến hơn một năm nữa tôi sẽ hoàn thành việc học", anh chia sẻ.

Ngoài tâm niệm chữa bệnh cho người nghèo, anh còn muốn phổ biến những "mẹo" chữa bệnh dân gian hữu ích, không tốn nhiều tiền. Anh nói: "Tôi muốn giúp mọi người biết đến những vị thuốc vườn nhà, như bị ho thì có thể uống nước lá tía tô, rau tần... Bên cạnh đó, bà con có thể biết thêm những bài vật lý trị liệu để bớt chứng đau lưng, xương khớp...".

Cùng với những phương thuốc, anh cũng như cha mình mong lan truyền lòng thương người, dù cuộc sống khó khăn vẫn làm được những việc tốt. 

"Tôi nghĩ rằng mình cho người ta nụ cười là mình cũng hạnh phúc, cho người ta sự mạnh khỏe là mình cũng thấy khỏe", anh bộc bạch. Để một chuyến đi diễn ra vẹn tròn, anh nói mình mang ơn nhiều người đã giúp đỡ, và cảm ơn cả những bệnh nhân vì đã cho mình chữa trị.

Những lời cảm ơn đầy tình yêu thương...

Chị Châu Thảo (40 tuổi, ngụ thị xã Phước Long, Bình Phước) hay đi cùng ông Phúc và một số nhà hảo tâm khác trong những chuyến thăm hỏi, giúp đỡ bà con địa phương.

Cảm nhận về tấm lòng của cha con ông Phúc dành cho đời, chị Thảo chia sẻ: "Chú Phúc nhiệt tình, vui vẻ, có mặt nhiều nơi. Chú lớn tuổi nhất trong nhóm nhưng luôn hòa đồng, hay đứng ra vận động nguồn kinh phí giúp đỡ bà con khó khăn".

Không chỉ vận động từ nguồn quen biết ở địa phương, một số trường hợp ông Phúc còn nhờ con trai tìm cách hỗ trợ. Vì vậy, hai cha con thường có tiếng nói chung về việc hành thiện.

***************

"Mỗi khi gặp người lang thang, khó khăn một mình, tôi lại muốn giúp. Ngày bé, tôi mồ côi nên hiểu cảm giác đói khát, không người thân thích".

>> Kỳ tới: Ông "gàn" cưu mang người điên

Hơi ấm người dưng - Kỳ 5: Hơi ấm người dưng - Kỳ 5: 'Hôm nay cô chú có no không?'

TTO - Nhìn thấy người phụ nữ bé nhỏ xuất hiện, những người vô gia cư trên hè phố Hai Bà Trưng lập tức bật dậy. "Đó là Tâm, nhóm Tâm đấy!". Không chỉ chờ đợi gói đồ ăn miễn phí, họ còn chờ Tâm như chờ con gái mình tới.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên