28/10/2022 10:17 GMT+7

Hơi ấm người dưng - Kỳ 5: 'Hôm nay cô chú có no không?'

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Nhìn thấy người phụ nữ bé nhỏ xuất hiện, những người vô gia cư trên hè phố Hai Bà Trưng lập tức bật dậy. "Đó là Tâm, nhóm Tâm đấy!". Không chỉ chờ đợi gói đồ ăn miễn phí, họ còn chờ Tâm như chờ con gái mình tới.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 5: Hôm nay cô chú có no không? - Ảnh 1.

Những phần quà được chia đều trước khi đem tặng - Ảnh: TÂM LÊ

Lời thăm hỏi ấm lòng

"Đối với những người già không nơi nương tựa, không có con cái, người thân chăm lo, điều họ cần không chỉ là gói quà nhỏ mà còn là lời hỏi thăm, động viên: Hôm nay cô chú thế nào? Cô chú có no không, bị đau ở đâu không? 

Ban ngày cô chú đi đâu, đêm nằm ở đâu, có quần áo ấm, có chăn màn không?...", Phạm Bảo Minh Tâm, trưởng nhóm từ thiện Wednesday Run, chia sẻ cảm nhận sau quãng thời gian giúp đỡ người vô gia cư ở Hà Nội.

21h tối thứ tư hằng tuần, các thành viên của nhóm Tâm sẽ có mặt tại điểm hẹn phát quà cho người vô gia cư ở số 19 Điện Biên Phủ, Q.Ba Đình. Hôm nay đã có hai thành viên đến trước, dựng xe máy trên vỉa hè, một chàng trai Việt và một chàng nước ngoài. 


Vài phút sau, Tâm chạy xe đạp điện tới với một túi đồ. Trải tấm khăn lót nền, ai nấy dồn túi quà của mình lại để chia phần.

Một đôi bạn chở thùng nước khoáng tới rồi xin phép về, vì hôm nay bận việc không cùng đi phát quà được. Tâm nhắc mọi người, chờ xe ôm mang thêm đồ tới nữa.

"Hôm nay nhiều người bận nên chỉ gửi đồ tới, mọi lần nhóm đi đông hơn", Tâm cho biết, rồi gọi điện giục xe ôm tới nhanh cho kịp giờ.

Wednesday Run không chỉ giúp người vô gia cư mà còn giúp nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác. Nhóm mới hoạt động được hai năm, tách ra từ nhóm 3H (Help Hanoi Homeless), phần lớn thành viên là người nước ngoài. 

Hôm nay họ làm 26 suất quà, dư vài suất so với danh sách. Kinh nghiệm của nhóm để tặng cho người mới hoặc tặng cho người nhặt rác, cô lao công, chú bảo vệ gác đêm.

Một suất quà gồm sữa, bánh mì ruốc, bánh ngọt, nước uống. Toàn những loại quà bánh nhãn hiệu có tiếng. Thực đơn thường không cố định, lần sau có thể đổi sang xúc xích, bánh bao, hoa quả, sữa. Ai có quà gì thì góp quà ấy, không có quà thì góp tiền để mua.

Sau khi kiểm tra các phần quà đã đủ, đều nhau thì gấp miệng túi. Thêm một ba lô quần áo cũ và thuốc men. Bốn thành viên bắt đầu xuất phát. Người nước ngoài tên Justin Matthew Pang, đến từ Singapore, là giáo sư đang dạy tại ĐH RMIT. Bạn nam người Việt cũng là thầy giáo của một trung tâm ngoại ngữ.

Điểm đầu tiên ở ga Hà Nội, người cần giúp là một ông già câm. Chúng tôi dựng xe ngoài sân ga, cho một người ở lại trông đồ, ba người vào tìm ông cụ. Lúc này tàu sắp chạy, người ùn ùn vào cổng soát vé. Ông cụ không ngồi ở điểm quen thuộc, nên phải rẽ các hướng tìm. Hóa ra, ông đứng nép phía sau cây cột trụ giữa phòng chờ.

Tâm vui vẻ đặt gói quà vào tay ông, hỏi thăm sức khỏe, ông đáp lại bằng cử chỉ biết ơn. Justin vội mở ba lô, lấy mấy bộ quần áo ướm thử lên ông cụ, hỏi ông chọn cái nào. Ông khiêm tốn chọn một áo sơ mi. Justin lại lấy ra khăn len ấm, khoác lên cổ ông nhưng ông vẫn e dè từ chối.

Lúc cả ba đang ra khỏi sân ga thì bỗng ông già câm chặn phía trước, tay chắp thành vòng, vái tạ liên hồi. "Nghe nói ông sống một mình ở đây lâu năm rồi, bảo vệ nhà ga thương cảm, cho ông ở lại vác hàng kiếm sống. Giờ tuổi cao, khách đi lại ít nên các nhóm từ thiện tìm ông để giúp đỡ ", Tâm kể.

Đối diện ga, ngay đầu lớp ngăn công trình thi công ga ngầm, hai người già quê ở Thái Bình và Hưng Yên cũng đang đợi nhóm Tâm tới. Sau khi tặng hai bịch quà, Tâm hỏi bà lão trẻ tuổi hơn về tình trạng đau cột sống và khớp gối. Bà khó nhọc duỗi chân, vừa xoa bóp vừa kể:

- Ban ngày khó di chuyển lắm, đêm có hôm đau không ngủ được.

Tâm kêu Justin lấy ra một lọ dầu xoa tặng, và dặn:

- Bà nhớ xoa bóp, giữ ấm và ít đi lại khi còn đau đấy nhé!

- Cảm ơn con gái lắm! - bà vui vẻ gật đầu.

Nhóm tiếp tục di chuyển đến cổng lớn công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang. Có nhiều người già ở đây được nhóm của Tâm giúp đỡ. Hôm nay có bà nhưng thiếu ông, nhóm nán đợi ông tới mới trao quà. Bà Gái được giúp đỡ lâu năm nhất, vừa nhìn thấy Tâm, bà đã mừng như được người thân tới thăm.

Điểm tới là vỉa hè đường Hai Bà Trưng, nơi rất đông người vô gia cư tụ tập. Mọi người vui vẻ ngồi cả dậy. Các thành viên nhanh chóng phát quà, tặng quần áo cho những cánh tay đang giơ lên. Bà lão khập khiễng bước lại gần Tâm, hỏi xin thuốc nhỏ mắt nhưng hôm nay đoàn chỉ có thuốc xoa xương khớp nên hứa lần sau sẽ giúp bà.

Còn nhiều điểm lớn nhỏ khác người vô gia cư trú ngụ, nhóm lần lượt ghé qua. Tâm ghi nhớ rất rõ từng điểm, trước Tòa án nhân dân tối cao, bốt Hàng Đậu, chân cầu dẫn Chương Dương… Điểm phát cuối cùng, đồng hồ chỉ 1h sáng.

Đang đi đường, Tâm cũng nhận ra ông cụ nhóm đang giúp nên gọi lại tặng quà. "Ông cụ trước đây ngủ ở vách tường chợ Long Biên, nay nơi đó phá dỡ rồi, cụ phải chuyển xuống gầm cầu dẫn Chương Dương", Tâm kể và lấy thêm phần thức ăn tặng cho ông.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 5: Hôm nay cô chú có no không? - Ảnh 2.

Một bà cụ ở góc phố Hai Bà Trưng, Hà Nội được Tâm tặng thuốc trị xương khớp - Ảnh TÂM LÊ

Người gắn kết

"Tôi không làm được việc này nếu chỉ một mình. Chúng tôi là một tập hợp những người có chung mục đích, tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội, gồm nhiều người bạn nước ngoài và các bạn trẻ Việt Nam", Tâm chia sẻ.

Mỗi tối trên đường phố Hà Nội, có nhiều nhóm giúp đỡ người vô gia cư. Có nhóm vừa lập, nhóm lập đã lâu năm. Các nhóm cũng biết sự hoạt động của nhau, họ hiểu ý, tự thay đổi lịch để đảm bảo hầu hết các ngày trong tuần người vô gia cư nhận được hỗ trợ.

Nhóm của Tâm có phần đặc biệt hơn, vì sự tham gia của nhiều người bạn Tây. "Chính việc tham gia cộng đồng hỗ trợ nhau trong các sự kiện, tôi may mắn kết nối được với các bạn nước ngoài", Tâm chia sẻ.

Lần đầu chúng tôi gặp Tâm là dịp tết ông Táo năm 2019. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, đứng ở đầu cầu, cầm tấm biển đề dòng chữ "Đừng để Táo quân mang rác lên chầu", để ngăn túi ni lông xả xuống sông Hồng. 

Hình ảnh đó đã gây được chú ý của người qua đường và lan tỏa thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

Lần thứ hai vào buổi đêm, cũng phát quà cho người vô gia cư. Nhờ vốn ngoại ngữ lưu loát, Tâm trở thành sợi dây kết nối để các bạn Tây và người vô gia cư hiểu nhau. Ví dụ hôm nay khi Justin hăng hái chia phần quà, thuốc, quần áo thì Tâm trò chuyện với họ rồi dịch lại cho Justin nghe.

"Chúng tôi rất vui khi một số người vô gia cư được đoàn tụ với gia đình, trước đó họ có thể đã bị đuổi ra khỏi. Chúng tôi đã tìm cách kết nối lại với các thành viên trong gia đình, để họ được trở về. Tâm là một người rất vị tha, cô đã cống hiến hết mình cho cộng việc này. 

Cô có thể trở thành hình mẫu, truyền cảm hứng cho nhiều người Hà Nội đóng góp cho hoạt động từ thiện", Justin bày tỏ.

Còn Axey, trưởng nhóm 3H, thì hóm hỉnh nói: "Cô ấy nhỏ bé còn tôi thì cao lớn nhưng cô ấy rất cứng rắn và không sợ hãi. Cô ấy cũng rất giỏi đối xử với mọi người, giữ bình tĩnh trước áp lực và khả năng nói chuyện với người vô gia cư rất tốt. Cô ân cần và kiên nhẫn giải thích, lắng nghe để đảm bảo rằng chúng tôi cung cấp cho người vô gia cư những thứ họ cần".

Gia đình Tâm ở Hà Nội, cô làm công việc tự do nên dành nhiều thời gian giúp đỡ những người không nhà. Cô nói như truyền năng lượng cho người nghe: "Tôi đang nhận lại nhiều hơn những thứ đã cho đi, đó là những người bạn tốt, niềm vui giúp đỡ mọi người và tôi cảm thấy có ích cho cộng đồng. Tôi chỉ mong sức khỏe tốt, tài chính đủ mạnh để tiếp tục những chuyến đi".

Cụt một bên tay và đã tuổi 73, ông Phúc vẫn ngày ngày giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Người con trai út cũng "nối nghiệp" cha làm việc thiện một cách lặng lẽ.

Hà Nội đang se lạnh, đợt gió mùa sắp tràn về, Tâm căn dặn các thành viên chuẩn bị áo ấm, chăn bông, bất kể thứ gì có thể giữ ấm cho chuyến đi lần sau. Mọi người vui vẻ hưởng ứng, chia tay trong niềm hạnh phúc của riêng mình.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 1: Mẹ tròn con vuông nhờ giọt máu hiếm của người dưng Hơi ấm người dưng - Kỳ 1: Mẹ tròn con vuông nhờ giọt máu hiếm của người dưng

TTO - Chỉ vài dòng viết xin máu hiếm trên Facebook để cứu vợ con sắp sinh đang gặp nguy hiểm, nhiều người xa lạ, kể cả từ những nơi xa xôi đã tận tình tìm đến giúp người.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên