25/10/2022 10:22 GMT+7

Hơi ấm người dưng - Kỳ 2: Đem hơi ấm đến người không nhà

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Cơn gió mùa đầu tiên kèm theo mưa phùn, giá rét đã làm đêm Hà Nội tới nhanh hơn thường ngày. Ở góc phố quen thuộc, bà Nguyễn Thị Liên (còn gọi bà Gái) đang ngồi ăn tối trong chiếc áo mưa mỏng. Bữa ăn của một người dưng tặng cho bà...

Hơi ấm người dưng - Kỳ 2: Đem hơi ấm đến người không nhà - Ảnh 1.

Những tấm lòng tử tế đem hơi ấm sẻ chia đến người không nhà - Ảnh: TÂM LÊ

Những người tử tế trong đêm

Hôm nay bà Liên được ăn "sang", một bát phở nóng của chủ quán phở gần đó tặng. Mùa lạnh ăn phở nóng thì còn gì bằng, nhà hảo tâm cũng rất tâm lý.

"Bà Liên ở công viên Thống Nhất" là câu quen thuộc mà các đoàn từ thiện gọi bà để lên danh sách quà tặng mỗi lần đi phát. Bởi góc cổng công viên này, bà Liên đã xem là "nhà" mấy chục năm qua. Đó là góc vỉa hè phía sau nhà vệ sinh công cộng, kê một tấm ván vừa đủ nằm, bên trên có ô lớn che, được gia cố thêm bạt ni lông.

Có được góc này quả là lý tưởng đối với người không nhà, bởi thế hôm nào trời mưa bà lại để những người cùng cảnh ngộ khác trú ngụ. "Tối nay thể nào cũng đông, ngồi ngủ mới đủ chỗ", bà Liên cho biết.

Nhờ giúp trông coi dụng cụ vệ sinh, thu hộ tiền đi vệ sinh, lại tốt tính nên bà mới có chỗ như vậy. Tuy hơi khuất tầm mắt những nhà hảo tâm, song chẳng bao lâu bà đã nhận được quà. Bởi có người báo: "Còn bà cụ một mình ở phía trong, xin cho thêm một suất". Từ đó, bà Liên được đưa vào danh sách nhận quà của các đoàn, quà lại được trao tận tay cơ chứ.

Bà Liên năm nay đã 72 tuổi. Ban ngày bà đi dọn nhà, rửa bát thuê cho các cửa hàng ăn uống. Tuổi cao nhưng bà chịu khó nên vẫn có người thuê.

Lúc này, có thêm hai người cùng cảnh ngộ tới góp chuyện, đó là ông Hùng và bà Thủy. Cả hai quấn mình bằng chiếc áo mưa mỏng, vừa tránh mưa và tránh rét. Ông Hùng 74 tuổi, bà Thúy 59 tuổi, cả ba người quen thân nhau ở góc công viên này đã lâu.

Chợt nhớ có món quà quý hôm nay vừa được tặng, bà Liên lấy ra khoe, một bông hồng Ngày Phụ nữ Việt Nam. Món quà làm bà Thủy nghẹn ngào: "Cảm động lắm, nhưng lại cũng tủi thân vì từ trước tới nay có ai tặng quà cho mình bao giờ?". Điều ý nghĩa đó được một nhóm bạn trẻ tặng cho tất cả phụ nữ không nhà đêm qua.

Tôi luôn đón nhận phần quà bằng cả hai tay, lần đầu gai ốc còn nổi lên vì nhận tình cảm quá lớn của một người xa lạ. Số phận của nhiều người ở đây sẽ ra sao nếu không được gặp các quý nhân?

Bà Nguyễn Thị Liên

Nhớ lại những món quà được tặng không thể nào quên, ông Hùng vén áo mưa để khoe cái áo ấm bốn túi vải kaki mà ông thích. "Áo tốt mà còn mới, chắc là đắt tiền, mặc bền lắm. Ai cũng nghĩ mình nghèo sao có áo xịn để mặc, nhưng đó là quà của người ta đi ô tô đến tặng".

"Tôi cũng nhận cùng đợt với ông, cũng loại đó, mặc ấm, tốt lắm", bà Thủy nói về chiếc áo đang mặc. Còn bà Liên mới được tặng chiếc khăn len ấm, bà bảo: "Chỉ cần cổ ấm, chân ấm thì nằm đêm sẽ đỡ lạnh nhiều".

Có nhiều nhóm từ thiện tới mức không thể nhớ hết. Có đoàn mới, đoàn cũ, còn những cá nhân chạy xe tới giúp càng không kể hết. Già có, trẻ có. Không chỉ tặng quà, có người còn quan tâm hỏi ông bà cần gì, thiếu gì, có ốm đau để cho thuốc...

Mùa đông tới, ông bà chưa có chăn sẽ nhận được chăn, thiếu mũ áo, khăn, tất cũng sẽ có. Nhóm cho mì tôm, nhóm cho gạo, nhóm lại cho dầu ăn, mắm muối. Vì không nhà nên vật phẩm quý giá này dễ bị nghiện và "giặc" chuột cướp mất.

Trong những nhà hảo tâm, ông bà nhớ nhất nhóm anh Quân, người đã làm được nhiều điều cho người không nhà ở giữa Hà Nội. Bà Liên kể anh Quân biết hoàn cảnh của từng người, đến tận nơi để hỏi thăm. Nhóm anh lo suất ăn, thuốc men, tiền chữa trị, có khi lo cả phòng trọ. Mới đây, ông Hùng được anh xếp phòng nhưng vì nhiều lý do nên ông không ở được.

"Quân còn giới thiệu nhiều người khác giúp đỡ chúng tôi. Mới đây, cậu ấy còn đưa cả vợ con đến trực tiếp tặng quà, cậu ấy sống rất tình cảm!", bà Liên xúc động nhớ.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 2: Đem hơi ấm đến người không nhà - Ảnh 3.

Món quà đặc biệt mà bà Liên được tặng Ngày Phụ nữ Việt Nam - Ảnh: TÂM LÊ

Các cảnh đời không nhà

Sống trên hè phố lâu năm, gặp gỡ bao nhiêu số phận, bà Liên hiểu rõ ai là người thực khổ. Dù chính bà ngay từ bé đã chịu thiệt thòi khi trở thành trẻ mồ côi trong cô nhi viện. Giờ đây, người thân của bà chính là những người cùng cảnh ngộ và nhà hảo tâm.

Khi cô nhi viện dừng hoạt động, bà cũng tới tuổi trưởng thành, chập chững bước ra ngoài xã hội. Bà làm đủ nghề, buôn bán, làm thuê, làm giúp việc, dọn vệ sinh. Bà không ngại việc khó, sống thật thà nên được lòng chủ. Có thời điểm chẳng cần tìm việc, mà việc tự tìm đến bà.

Bà từng lập gia đình nhưng hôn nhân không thuận, vợ chồng đôi ngả, không con cái. Khi còn khỏe bà làm giúp việc, ở cùng chủ nhà nên không thấy cần phải mua một căn nhà riêng. Tiền tích góp lúc về già cũng tiêu tan dần, ngoài 60 tuổi, bà lấy vỉa hè làm nhà.

"Ở đây mỗi người một cảnh, những người thực khổ mới cần được giúp đỡ", bà Liên giãi bày. Bà chầm chậm kể chuyện đời họ: "Ông Hùng quê ở Hải Phòng, gia đình từ lâu đã xem như không có. Mỗi sáng ông dậy sớm, ra chợ chọn hoa quả giúp người ta, kiếm vài ba chục nghìn. Ông ấy đang bệnh phổi, làm được đồng nào để dành tiền mua thuốc.

Bà Thủy ở đây thì chỉ có một thằng con nhưng nghiện ngập, vợ chồng đều ở tù. Ban ngày bà đi nhặt phế thải khắp nơi, nuôi hai cháu ăn học, tối đợi phát từ thiện. Ngày thường bà cháu vào ghế đá công viên ngủ, hôm nào mưa bà gửi hai cháu cho người quen, còn mình chui vào trong trò chơi ngủ. Bản thân bà còn bị tiểu đường, bị thận nên lúc nào cũng gầy yếu.

Còn ông Sơn nữa, không biết giờ này ông ấy ở đâu chưa về đây. Ông Sơn cũng già yếu rồi mà đang bị bệnh gì lạ lắm. Bữa trước ông hỏi cho mượn tiền trị bệnh kẻo ông chết, tôi phải cho ông mấy trăm đi khám. Ông bị nổi mụn đầy cánh tay, cứ nghĩ bệnh đậu mùa khỉ cơ, nhưng không phải.

Lúc nãy chị có để ý cô ngồi đây không? Trông vậy thôi mà cuộc đời cũng khổ quá. Bố mẹ đẻ những 11 người con, đều chết hết, bố mẹ cũng mất sớm. Cô bị bán sang Trung Quốc bao nhiêu năm, mới tìm đường về được mấy năm. Cô vẫn còn khả năng làm việc, nhưng lười nên ở đây suốt", bà Liên còn kể bao nhiêu số phận khác, đến rồi đi. Đa số họ đã già yếu không còn khả năng lao động, nơi trở về an nghỉ cũng không có.

Sống nhờ vỉa hè, chịu nhiều tủi cực, nhưng họ đã tìm được sự giúp đỡ ấm áp từ... người dưng: "Ông cần nước để pha mì tôm thì lấy ở đây, không phải trả tiền"; "Hôm nay phải mượn cái xe đưa hai đứa đi học"; "Ông cầm lấy mấy đồng đi mua thuốc, để lâu chữa khó hơn" - những đoạn hội thoại ở góc công viên tối nay.

Ông Hùng chưa muốn về vỉa hè để ngủ, vì cửa hàng có thể chưa đóng. Người bảo vệ ở đó rất tốt, cho ông ngủ ké mà không đuổi. Cửa hàng thi thoảng còn tặng ông đồ ăn và cho tắm nhờ.

Một kỷ niệm nữa ông Hùng cũng không thể quên, ngày giáp tết ông ngủ ở cổng siêu thị. Một người phụ nữ bước từ ô tô xuống tới hỏi thăm ông, sau đó chị chạy lại xe rồi quay lại với một phong bì trên tay, trao cho ông món quà tết.

Có ngày ông ngủ dậy, bỗng nhận ra xung quanh mình nào bánh chưng, bánh ngọt, nào giò chả, lại có cả phong bì tiền. Ông chỉ muốn khóc vì đã có tết, ông không thấy cô đơn nữa.

Bà Liên cũng vừa nhận tin vui một người bạn đã đăng ký cho bà nhận gạo mỗi tháng. Từ nay bà sẽ không lo thiếu gạo, ai muốn được bát cơm nóng bà cũng sẵn lòng.

****************

Lòng tốt vốn không có ranh giới, một số bạn trẻ dù không dư dả nhưng luôn sẵn lòng gieo hạt mầm yêu thương cho cuộc đời đẹp hơn.

>> Kỳ tới: Tấm lòng của Thảo "còi"

Hơi ấm người dưng - Kỳ 1: Mẹ tròn con vuông nhờ giọt máu hiếm của người dưng Hơi ấm người dưng - Kỳ 1: Mẹ tròn con vuông nhờ giọt máu hiếm của người dưng

TTO - Chỉ vài dòng viết xin máu hiếm trên Facebook để cứu vợ con sắp sinh đang gặp nguy hiểm, nhiều người xa lạ, kể cả từ những nơi xa xôi đã tận tình tìm đến giúp người.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên