Trang web cho người trầm cảm do hai học sinh Vũ Trí Việt và Nguyễn Khánh Hiệp - học sinh lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM - thực hiện.
"Lý do chúng em chọn đề tài này là vì Tổ chức Y tế thế giới - WHO đã ghi nhận tự tử do trầm cảm là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong ở thanh thiếu niên 15-29 tuổi. Ở Việt Nam, số người tự tử vì trầm cảm cao gấp 4 lần so với số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Website của chúng em giúp người bệnh vượt qua rào cản tâm lý, tiếp cận với bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm. Chúng em xây dựng công cụ phần mềm giúp kết nối người trầm cảm và bác sĩ một cách tiện lợi, hiệu quả" - Việt cho biết.
"Đặc thù của người trầm cảm là ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Do đó, khi vào trang https://flatter.life mọi người có thể làm bài khảo sát về tâm lý, có thể trò chuyện với flatterbot (thông qua tin nhắn) để trải lòng.
Sau đó, nếu có sự bất ổn về tâm lý hoặc bị trầm cảm thì bệnh nhân sẽ được kết nối với bác sĩ để đặt lịch hẹn" - Hiệp giải thích.
Không những thế, hai học sinh còn thông tin: "Dự án mà chúng em đang thực hiện còn một số tính năng đang phát triển như: liên kết với Zalo, Facebook, tư vấn bệnh nhân về những hoạt động, mục tiêu hằng ngày để giảm stress;…".
60 dự án vào vòng chung kết khoa học kỹ thuật TP.HCM
"Flatter - đồng hành cùng người trầm cảm" là 1 trong 60 dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật TP.HCM 2024.
Cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức ngày 11-1.
Cũng theo sở này, năm nay cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp cơ sở có hơn 1.200 dự án tham gia. Ban tổ chức cuộc thi cấp thành phố đã nhận được 610 dự án từ hơn 100 đơn vị để tranh tài tại vòng loại. 60 đề tài xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết cấp thành phố. Ban tổ chức cuộc thi sẽ chọn 4 đề tài để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho hay: "Số lượng đề tài năm nay giới hạn hơn so với năm trước nhưng chất lượng tốt hơn.
Công tác chấm thi vòng loại cấp thành phố cũng có nhiều thay đổi. Chúng tôi đã triển khai hai hình thức chấm điểm: qua xét hồ sơ và phỏng vấn (các năm trước chỉ chấm trên hồ sơ). Sở cũng tiếp tục dùng phần mềm chống đạo văn để lọc ra những đề tài có sự trùng lặp" - ông Quốc khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận