Một biển thanh niên lao vào để cướp phết cầu may - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Để cung cấp thêm một góc nhìn, xin gửi đến bạn đọc bài viết này.
"Cứ mỗi một mùa xuân mới đến, thay vì được náo nức thưởng lãm vẻ đẹp của các lễ hội ở khắp mọi miền tổ quốc … thì thông qua báo, đài tôi lại chỉ được trông thấy những hình ảnh đáng buồn bã và phẫn nộ.
Năm Đinh Dậu này cũng vậy, mùa lễ hội đang diễn ra và tôi đang chỉ toàn thấy những hình ảnh xấu xí được truyền đi với tốc độ chóng mặt.
Những hình ảnh xấu xí đến mức kinh hoàng đó khiến tôi mừng tượng đến những vụ cướp bóc mất kiểm soát, tưởng chừng có máu đổ tới nơi.
Cũng có khi tôi liên tưởng đến những thảm họa như động đất, sóng thần, cầu sập… khiến con người ta hoảng loạn dẫm đạp nhau tìm đường thoát thân.
Mỗi khi có dịp tham gia một lễ hội nào đấy, tôi thấy ai ai dường như cũng cứ quay quắt nỗi lo mất phần, mất lượt rồi dẫn đến mất lộc nếu họ là người đến sau kẻ khác. Vậy nên người ta sẵn sàng tranh đoạt, rồi trở nên hung hãn, bất chấp hậu họa" |
MỄ THUẬN |
Quả đúng như tác giả Nguyễn Thành Giang phân tích, rằng hình ảnh các lễ hội đã trở nên xấu xí thì phần lỗi không nằm ở tính chất của các lễ hội mà nằm ở ý thức kém và hành vi xấu của số đông những người dự lễ.
Nhưng tôi cũng xin bổ sung thêm, rằng lỗi cũng không hẳn do các đơn vị tổ chức lễ hội quá kém, không kiểm soát được tình hình. Bởi lẽ, tôi tin rằng một khi người tham dự lễ đã đánh mất ý thức giữ trật tự nơi công cộng, đã trở nên bất chất thì mọi sự can ngăn, dàn xếp của ban tổ chức đối với họ cũng sẽ trở nên mất tác dụng, vô nghĩa.
Thử tưởng tượng khi số đông người dự lễ hội đồng loạt chen lấn, xô đẩy, lao mình vào đầu những cuộc chiến đám đông trong những cơn mê muội tập thể, cứ mạnh ai giành giựt lẫn nhau, cấu xé lẫn nhau thì thử hỏi lúc ấy họ còn biết gì là phải trái, đúng sai, nhường nhịn?
Thậm chí, đã có nhiều người đổ máu, sự sống và cái chết có lẽ họ cũng chẳng còn màng đến. Can ngăn họ khi đó có khi chỉ như thêm dầu vào lửa.
Bản thân tôi tin rằng nguyên nhân của những hành động tranh giành, chen lấn, cướp giật… tại các lễ hội chung quy cũng chính vì chút ít lòng tham và vì thói quen sống ích kỷ, luôn chỉ biết nghĩ cho bản thân mình trước hết mà ra.
Còn ở các lễ hội khác như lễ hội hoa thì người ta lại sẵn sàng dẫm đạp, bẻ trụi cây cỏ, hoa lá đang tươi xuân mơn mởn… chỉ để có một bức hình “selfie” đẹp mắt.
Rồi nơi khác nữa thì người ta lại mải mê vui chơi và vô tư xả rác ra đường, ra chợ hoặc ra bất cứ đâu… Miễn là tiện tay, miễn là những thứ rác rến ấy không gây hại trực tiếp cho chính họ là được. Ích kỷ nghĩ cho mình trước hết, lo mình thua thiệt… là thứ tâm lý tai hại đối với cộng đồng và xã hội.
Tôi cũng tự hỏi câu hỏi rằng tại sao đa số người dân chúng ở ta lại có tâm lý sợ mất phần, mất lượt… đến độ ai cũng dễ dàng trở nên ích kỷ, luôn chỉ biết nghĩ cho mình mà bất chấp trình tự, bỏ qua những bài học cơ bản là phải biết nhường nhịn người lớn, trẻ em, phụ nữ... ở những nơi công cộng như thế?
Phải chăng do mất niềm tin đến nỗi chúng ta sợ rằng các đấng thần linh cũng sẽ bất công, bỏ quên không nhòm ngó đến ta, không ban cho ta may mắn?
Từ đó, nếu ta không lấn lướt qua kẻ khác mà sấn tới, chủ động đoạt được, chạm đến những “tín hiệu” tâm linh trước số đông còn lại, thì sẽ mất phần?
Hoặc giả là do thói quen trong đời sống kinh tế thường nhật, chúng ta đã luôn phải mua gian bán lận, tranh đoạt quyền lợi từ người khác nên khi tham gia các lễ hội thì mấy cái thói hư, tật xấu ấy có dịp bộc phát?
Viết đến đây, tôi không thể không liên tưởng đến những hình ảnh về từng đoàn người Nhật Bản lặng lẽ đứng xếp hàng dài chờ đến lượt được nhận trợ cấp, nước sạch ngay cả khi họ đang chìm trong các thảm hoa họa như sóng thần, núi lửa...
Tại sao người Nhật lại có thể kiềm chế những cái nhu cầu sống còn của bản thân để có thể hành động lịch sự đến như vậy ngay trong những cơn đói, rét, thậm chí là cái chết đang chập chờn bủa vây?
Còn ở ta thì gần như hoàn toàn ngược lại. Số đông trong chúng ta cư xử hằn học ở những nơi đầy niềm vui vẻ, trở nên bất lịch sự, giành giựt và hung hãn ở những nơi tôn nghiêm, trở nên nhơ nhuốc ở những nơi tươi đẹp, trở nên đáng ghét ở ngay những nơi ngập tràn không khí lễ hội?
Câu trả lời có lẽ nên dành cho chính những người trong cuộc, những người đã và đang manh nha mong muốn cướp, giật, chen lấn, xô đẩy kẻ khác để tiếp cận với những “tín hiệu” tâm linh ở các lễ hội mới hiểu thấu, hiểu rõ.
Tôi tin rằng các nhà nghiên cứu về văn hóa giao tiếp giữa con người với con người ở xứ ta nên nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm được những câu trả lời thích đáng. Từ đó mới có những giải pháp căn cơ, gốc rễ".
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận