10/04/2025 19:47 GMT+7

Học 2 buổi/ngày không thu phí, bất công với giáo viên, bất cập với học sinh?

Đề xuất dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh THCS và THPT nhưng không thu phí tiếp tục gây tranh luận trong bạn đọc, về việc giáo viên phải dạy thêm giờ và hiệu quả học tập của học sinh.

Học 2 buổi/ngày không thu phí, bất công với giáo viên, bất cập với học sinh? - Ảnh 1.

Một tiết học toán của học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TP.HCM. Đây là trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online dưới bài viết "Dạy học hai buổi/ngày không được thu phí, có công bằng với giáo viên?". 

Trong số này, bạn đọc chia thành hai luồng ý kiến, một bên ủng hộ chủ trương dạy tăng cường tại trường, bên còn lại lo ngại cho giáo viên và cả học sinh.

Viên chức, y bác sĩ cũng làm 8 tiếng/ngày, giáo viên sao không?

Nhiều bạn đọc cho rằng dạy 2 buổi/ngày là hợp lý nếu được tổ chức bài bản, không vượt quá số tiết quy định và hướng đến nâng cao chất lượng dạy học.

Bạn đọc Trần Quốc Phong đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn cụ thể để dạy học hai buổi được triển khai đúng mục tiêu, đồng thời cấm tuyệt đối tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ngoài nhà trường.

"Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều có thể phụ đạo học sinh yếu, kết hợp tổ chức thể dục, văn nghệ, hoạt động phong trào. Đó là giải pháp vừa hỗ trợ học sinh, vừa tránh áp lực chạy theo điểm số", anh viết.

Tương tự, bạn đọc Ngọc Khánh cho rằng việc giáo viên dạy đủ 8 tiếng/ngày không có gì là bất hợp lý, bởi "công nhân, công chức, y bác sĩ… cũng làm như vậy mỗi ngày, tại sao giáo viên thì không?".

Một số ý kiến khác cho rằng nếu giáo viên có thể sắp xếp thời gian để chấm bài, soạn bài trong quỹ thời gian 8 tiếng, thì việc dạy thêm buổi chiều không nên xem là gánh nặng.

"Nếu giáo viên chưa làm đủ 313 ngày/năm và 8 tiếng/ngày thì đề xuất dạy 2 buổi và không thu phí vẫn là đúng", bạn đọc Công Tâm nói.

Bạn đọc Nguyễn Nhật Đãng Vũ Thị Oanh cho rằng cần linh hoạt: nếu sáng học lý thuyết, chiều học thực hành hoặc năng khiếu (nhạc, vẽ, thể thao…), theo sở thích của học sinh thì học 2 buổi/ngày sẽ phù hợp và bớt áp lực hơn.

Thêm giờ, không có thù lao là bất công

Ngược lại, nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ việc yêu cầu giáo viên dạy tăng cường nhưng không được nhận thêm thù lao, cho rằng điều này vừa thiếu công bằng, vừa không thực tế.

Bạn đọc Khai Phong nêu: "Dạy tăng cường bản chất chính là dạy thêm. Mà dạy thêm thì phải có thù lao. Việc bắt giáo viên dạy thêm không công là phi lý".

Quan điểm này được nhiều giáo viên chia sẻ. Bạn đọc Hoài Phát viết: "Giáo viên không chỉ dạy trên lớp mà còn phải họp phụ huynh buổi tối, tập huấn cuối tuần, soạn bài, chấm bài… Thời gian nghỉ hè thực chất là bù cho hàng chục ngày làm thêm không được nghỉ trong năm học".

Ý kiến này được bạn đọc Nguyễn Anh Dân đồng tình: "Trên thế giới không nước nào quy định giáo viên làm việc 8 tiếng mỗi ngày vì đây là lao động đặc thù".

Bạn đọc Cỏ cũng bày tỏ sự bất cập: "Lương giáo viên mới ra trường chỉ hơn 6 triệu đồng. So với mặt bằng chi phí xã hội hiện nay, đó là mức thu nhập khó đảm bảo cuộc sống, vậy sao có thể yêu cầu làm việc thêm?".

Nhiều ý kiến khác cho rằng chính học sinh mới là đối tượng gánh hậu quả nặng nề nhất nếu triển khai dạy 2 buổi không hợp lý.

"Các con đã học 2 buổi, tối còn phải học thêm. Đó là bất công. Học sinh cần được nghỉ ngơi, phát triển toàn diện, chứ không phải chỉ học - học - học", bạn đọc Lê Anh Khoa chia sẻ.

Trong khi đó, bạn đọc Lê Văn Vinh lại cho rằng dạy hai buổi là "lãng phí và không hiệu quả", bởi nhiều học sinh hiện nay thiếu kỷ luật, lười học và không còn tôn trọng thầy cô như trước.

"Dạy một buổi còn không chịu học, học sinh ngủ gật, nói chuyện riêng… Vậy tổ chức hai buổi để làm gì?", bạn đọc này viết.

Học 2 buổi, được gì?

Trong khi đó, dưới bài viết "Học hai buổi, đóng thêm tiền, có khác gì dạy thêm?", nhiều ý kiến cho rằng đây là một hình thức "hợp thức hóa dạy thêm" và gây áp lực không đáng có cho học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên.

Bạn đọc Vũ Hùng nhìn nhận: "Học 2 buổi/ngày thực ra chỉ gây thêm mệt mỏi, mất thời gian đi lại cho học sinh, lợi ích thì không thấy".

Theo anh, trước đây học sinh chỉ học một buổi, còn lại là thời gian cho bản thân - để nghỉ ngơi, phát triển năng khiếu qua các hoạt động như học nhạc, vẽ, múa… Nay thời gian ấy bị "lấp đầy" bằng việc học tập tại trường, không rõ có hiệu quả thực sự hay không.

Trong khi đó, bạn đọc Trần Quốc Phong đề nghị: "Một ngày chỉ nên học một buổi thôi. Thế nào mọi người tự phân tích cũng sẽ thấy rõ vấn đề".

Một số bạn đọc đề xuất mô hình linh hoạt hơn, vừa giảm áp lực cho học sinh vừa đảm bảo chất lượng dạy học.

Buổi chiều nên chia theo trình độ: học sinh yếu thì học ôn luyện, trung bình thì làm bài tập, khá giỏi thì học nâng cao. Ngoài ra nên có lớp tự chọn như thể thao, âm nhạc, mỹ thuật...".

Đồng tình, bạn đọc có tài khoản lmkh***@gmail.com cho rằng nên tổ chức buổi chiều theo hình thức tự chọn. Học sinh nào đăng ký thì đóng phí và được học các môn yêu thích, hoặc bồi dưỡng kỹ năng còn yếu.

"Giáo viên cũng nên được quyền chọn dạy hoặc không dạy buổi chiều", bạn đọc này chia sẻ.

Học 2 buổi/ngày không thu phí, bất công với giáo viên, bất cập với học sinh? - Ảnh 3.Học 2 buổi, đóng thêm tiền, có khác gì dạy thêm?

"Con tôi đã đóng học phí theo quy định nhưng vẫn phải đóng tiền học buổi hai. Cùng một chương trình học, như thế là phải đóng tiền hai lần không?".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên