02/11/2010 11:04 GMT+7

Không ép buộc học hai buổi/ngày ở các trường trung học

T.HÀ
T.HÀ

TTO - “Chỉ được thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành giáo dục và địa phương”.

Đó là những nguyên tắc do Bộ GD-ĐT đặt ra đối với việc tổ chức dạy học hai buổi/ ngày đối với các trường trung học. Nội dung này được bộ thông báo đến các sở GD-ĐT trong cả nước ngày 1-11.

Trong đó, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh các yêu cầu đối với việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày như sau: chỉ được tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ hai đến thứ bảy); không gây quá tải đối với học sinh. Các trường trung học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Các trường cũng phải có tối thiểu số lượng giáo viên theo quy định đảm bảo tỉ lệ giáo viên trên lớp 1,90 đối với cấp THCS và 2,25 đối với cấp THPT, kể cả giáo viên tình nguyện dạy thêm giờ, giáo viên thỉnh giảng. Đối với các trường chưa đủ giáo viên một số môn học có thể hợp đồng giáo viên ngoài biên chế hoặc mời cán bộ của các câu lạc bộ, trung tâm ngoại ngữ, tin học theo đúng quy định hiện hành.

Về cơ sở vật chất, trường phải có đủ phòng thông thường, phòng học bộ môn, thư viện, sân chơi, bãi tập đáp ứng các hoạt động dạy và học, hoạt động giáo dục khác theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Riêng về tài chính, bộ yêu cầu các trường khi tổ chức dạy hai buổi/ngày phải đảm bảo công khai, minh bạch trong thu, chi để phục vụ bữa ăn, yêu cầu phát triển năng khiếu, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức học tập (quạt, điện, nước uống, phương tiện, tổ chức câu lạc bộ….).

Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường trung học tổ chức bán trú cho học sinh, đặc biệt đối với các trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo với sự đóng góp của gia đình theo thỏa thuận và các nguồn hỗ trợ khác.

Khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện theo định hướng phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của chương trình giáo dục phổ thông.

Với định hướng đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường bố trí hợp lý thời gian biểu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc: đối với cấp THCS: buổi sáng dạy không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá sáu ngày; đối với cấp THPT: buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá sáu ngày.

Khi dạy học 2 buổi/ngày, các trường cũng phải tổ chức theo hướng các hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng cụ thể như tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhóm năng khiếu, sở thích, mỗi nhóm có thể bao gồm học sinh từ các lớp khác nhau, phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức cho từng nhóm HS…

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh các trường trung học có thể huy động sự hỗ trợ của ngân sách, sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để tăng cường cơ sở vật chất hoặc trả tiền dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng. Tuy nhiên việc thu và sử dụng kinh phí phải đảm bảo các nguyên tắc thu bù chi và các quy định về quản lý tài chính hiện hành; tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn của bộ về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Dự thảo: Giáo viên không sử dụng điện thoại di động trong lớp học

Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Mỗi trường tiểu học có không quá 30 lớp học. Tuổi vào học lớp 1 là 6 tuổi, những trường hợp đặc biệt có thể bắt đầu học lớp 1 chậm hơn quy định chung từ một đến ba tuổi… Đó là quy định trong dự thảo điều lệ trường tiểu học mới đang được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến đóng góp. Nếu được chính thức ban hành, điều lệ trường tiểu học mới này sẽ được áp dụng thay thế bản điều lệ hiện hành được ban hành từ năm 2007.

meIyDhmP.jpgPhóng to
Ảnh minh họa
Bộ GD-ĐT nêu rõ trong dự thảo: điều lệ trường tiểu học sẽ được áp dụng chung cho các trường công lập và tư thục cũng như những cơ sở giáo dục khác có thực hiện chương trình giáo dục tiểu học.

Quy định chung đối với nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường tiểu học là năm năm. Sau năm năm, hiệu trưởng được đánh giá và có thể được bổ nhiệm hoặc công nhận lại. Riêng đối với trường tiểu học công lập, hiệu trưởng được quản lý một trường nhiều nhất hai nhiệm kỳ.

Người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm hiệu trưởng trường tiểu học phải là giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, có thời gian dạy học ba năm trở lên ở cấp tiểu học hoặc một năm trở lên là phó hiệu trưởng trường tiểu học.

Theo dự thảo điều lệ trường tiểu học, có sáu hành vi giáo viên không được làm, trong đó có việc ép buộc HS học thêm để thu tiền. Điều lệ mới cũng nêu rõ giáo viên không được uống rượu, bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường, sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp. Những hành vi không được làm đối với giáo viên tiểu học còn bao gồm: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh và đồng nghiệp; xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung, kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam; cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.

Đối với nhà trường, điều lệ cũng quy định rõ trong quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.

Theo dự thảo điều lệ, một trường tiểu học sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong những trường hợp sau: ảnh hưởng đến tính mạng của học sinh và cán bộ giáo viên của nhà trường; không đảm bảo các điều kiện hoạt động bình thường của giáo dục tiểu học; có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; không đảm bảo một trong các điều kiện để hoạt động giáo dục tiểu học…

T.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên