14/03/2019 09:19 GMT+7

Hoàng Sa, những ngày không quên

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - "Ngay bây giờ, tôi muốn có vài tấn rau trái sạch để sấy thăng hoa và hút chân không gửi ra Trường Sa, nhà giàn Tổ quốc. Từng là lính biển, tôi thấm thía nỗi thèm rau trái, đồ tươi của chiến sĩ ngoài ấy!".

Hoàng Sa, những ngày không quên - Ảnh 1.

Chiếc máy sấy thăng hoa khổng lồ của ông Hiển - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Nguyễn Xuân Hiển cười rổn rảng, tâm sự về mong muốn giản đơn của mình ở tuổi 73. Nhưng ánh mắt thì sâu hút như biển. Một câu nói gói trọn cả cuộc đời.

Mong ngóng được đến Hoàng Sa

Cuộc đời người lính biển ấy đã từ hơn 50 năm trước. Năm 1964, 18 tuổi, cậu trai Sài Gòn Nguyễn Xuân Hiển vào lực lượng hải quân VNCH. 

"Rớt tú tài là buộc phải đi lính. Tôi vào hải quân, chứ nếu để bị bắt lính là lập tức phải ra chiến trường. Cuộc đời tôi ngẫm ra cũng thật may mắn" - ông Hiển giải thích.

Vào hải quân, Nguyễn Xuân Hiển được đào tạo nghề cơ khí và được phiên lên tàu HQ-800, cơ xưởng hạm nổi chuyên sửa chữa tàu ngoài khơi. 

Tàu ra khơi 7 ngày lại về quân cảng 2 ngày, cứ năm vòng như thế, đủ 45 ngày thì Hiển lại được về Sài Gòn nghỉ 15 ngày. 

"Lên tàu là xuống hầm làm nhiệm vụ vận hành máy, bảo trì. Hễ có tàu nào hư hỏng ngoài biển thì tiếp cận sửa chữa. Hư nặng không sửa nổi thì báo cáo để kéo tàu về cảng..." - người lính biển nhưng không cầm súng tâm sự.

Chùng giọng một chút rồi ánh mắt lại lấp lánh, nụ cười mở rộng, ông Hiển say sưa kể: "11 năm đi tàu, tôi được tới Hoàng Sa nhiều lần. 

Nhớ hoài lần đầu lên đảo thấy phân chim đóng những tầng dày lút, được chủ trương khai thác nên lính xúc đóng vào bao, xếp chồng lên nhau như những bức tường. 

Những lần sau, tôi để ý thấy trên đảo có nhiều cây dương mọc trên cát, thân nhỏ, cằn cỗi mà lại bị gió uốn vặn thành đường nét, nu cục như bon sai, rất đẹp. Sau những ngày lênh đênh, được đặt chân lên nền đảo thật sự rất sảng khoái. 

Tôi rất thích sang chỗ mấy anh khí tượng thủy văn. Các anh ấy ở đảo lâu năm, kinh nghiệm hơn lính luân phiên. 

Họ bắt cá, muối phơi, tôi mang ít rau trái dưới tàu lên là họ nấu được bát canh chua giữa biển. Hồi ấy, chúng tôi là thanh niên, chỉ cần có thế là đủ để lòng mong ngóng được đến Hoàng Sa".

Ngày cận Tết Giáp Dần 1974, tàu HQ-800 đang ở vùng biển Cà Mau, Hiển đang nôn nao mong được về Sài Gòn thì nghe tin Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm. Quân ngũ xôn xao, lòng người sôi sục... 30-4-1975, anh lính Nguyễn Xuân Hiển rã ngũ. 

"Chế độ mới về, tôi khăn áo đi học tập ba ngày, rồi làm thường dân. May mắn, mình là anh thợ máy thì vẫn được làm thợ máy" - ông Hiển cười hà hà.

Hoàng Sa, những ngày không quên - Ảnh 2.

Những chuyến đi tàu xa nhất, thú vị nhất của tôi là những chuyến tiếp vận cho đồng đội bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa...

ông Nguyễn Xuân Hiển

Chiếc máy Tân Tiến

Dân Sài Gòn bắt đầu phải làm quen với cuộc sống khó khăn thời bao cấp, đủ thứ thiếu thốn, đủ thứ trục trặc. 

Và những ngày ấy, nghề cơ khí của ông Hiển chợt trở nên hữu dụng hơn lúc nào hết: "Người ta lần lượt bán các loại máy móc trong nhà. Rồi chúng lần lượt hư hỏng, linh kiện thay thế không có. Tôi mày mò làm nghề sửa điện lạnh, đắt khách lắm. Rồi tiến tới chế tạo máy. Đầu tiên là những máy đơn giản như làm máy nước đá cây, mỗi cái máy bán được hai cây vàng...".

Tổ sản xuất điện lạnh Tân Tiến ra đời và liên tiếp gặt hái nhiều thành công. 

Trên tường phòng làm việc của ông Hiển, những bằng khen ố vàng được đóng khung cẩn thận: bằng khen của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước vì "đã có nhiều thành tích về hoạt động khoa học kỹ thuật trong 5 năm 1981-1985", huy chương vàng năm 1985 cho "Máy hút chân không đóng gói bao bì", huy chương bạc tại Hội chợ triển lãm kinh tế kỹ thuật Việt Nam năm 1986 cho công trình "Lò sấy chân không"...

"Tôi còn làm được cả máy chuyên biệt theo đặt hàng như máy cô chân không dầu mù u dùng trong dược phẩm, máy bắn banh tennis... 

Ngày ấy, Việt Nam cái gì cũng không có, cứ mày mò tự suy nghĩ, thử làm, thất bại thì làm lại, thành công thì vui sướng ngất trời.

Càng làm càng mê. Không học hành bài bản nhưng chịu khó tự học, tôi học cả từ khách hàng của mình. Mấy ông giáo sư vừa đặt máy vừa cung cấp tài liệu để tôi nghiên cứu..." - ông nói. 

Cười rổn rảng kể chuyện vui, nhưng tất nhiên một người như ông Hiển không thể đi qua thời kỳ ấy mà không phải nếm trải thử thách. Được hỏi, ông lại cười: "Khó khăn ai cũng gặp mà, kể làm chi. Nhưng đúng là có một cú ngã đau...".

Ấy là những ngày lùng sục khắp nơi tìm mua phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu phục vụ việc chế tạo máy, ông quen được với mấy anh công nhân nhà máy nọ. 

Họ bán cho ông một số hóa chất làm lạnh nhập ngoại. Sản phẩm quý hiếm, hữu dụng, mua được mừng hết biết. 

Một thời gian sau, vụ việc bị phát hiện, các công nhân bị truy tố tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong số những người tiêu thụ bị khai ra có ông Hiển. 

Ông cười nhẹ: "Tôi nào có biết gì là tài sản xã hội chủ nghĩa nhưng công an gọi lên, rồi bị bắt, ra tòa, rồi bị xử một năm tù. Vợ lúc đó mới sinh con thứ ba, ở nhà mang đồ đạc đi bán lấy tiền mua gạo, sữa cho con, thăm nuôi chồng. Vậy thôi, rồi ra tù, lại đi chế tạo máy...".

Mong góp thêm dưỡng chất cho người lính biển

Từ mười năm chuyên tâm nghiên cứu máy sấy thăng hoa và đã sản xuất được những lò sấy lớn nhất, năng suất lên tới 1 tấn/mẻ, ông hào hứng kể: "Tôi đã thử sấy đủ loại thực phẩm: bắp, thanh long, sầu riêng, chanh dây, rau muống, bắp cải, rau cải, hành tây, ớt, bạc hà, rau thơm, lại cả thịt heo, thịt bò, cá. 

Đông lạnh -40 độ rồi sấy, thành phẩm khô rất tốt, ngậm nước hoàn nguyên lại cũng rất tuyệt. Vừa bán máy vừa sấy gia công, ra được một thành phẩm vui không tả xiết...".

73 tuổi, ông Hiển vẫn mỗi ngày cặm cụi, hào hứng với đam mê đời mình: lái xe lên xưởng sản xuất ở Củ Chi; nghiên cứu chế tạo những chiếc máy mới; mỗi tháng một lần tụ họp trà rượu với anh em, nghêu ngao tình ca lính biển, cùng theo dõi thời sự Biển Đông, Trường Sa - Hoàng Sa. 

Và bây giờ là đi tìm nguồn rau để sấy thăng hoa gửi đến nhà giàn, đảo chìm, đảo nổi. Suốt cuộc chuyện trò, ông Hiển cười hoài, nụ cười sảng khoái mà sâu thẳm: "Kể từ hồi lính biển, nghề sáng chế máy đã vào máu tôi rồi. Hoàng Sa, Trường Sa cũng ở trong ấy!".

Và ông mong mỏi rau quả sấy còn nhiều dưỡng chất của mình có trong chén cơm người lính biển đang ngày đêm vệ quốc...

Thoắt cái, ông đã lại hào hứng dạo quanh chiếc máy sấy thăng hoa khổng lồ do chính mình chế tạo nằm giữa xưởng của Công ty TNHH sản xuất cơ nhiệt điện Tân Tiến và giới thiệu: "Rau trái hay cả thịt cá qua sấy thăng hoa rồi sẽ rất nhẹ, vận chuyển, bảo quản dễ dàng.

Khác với sấy nhiệt, sản phẩm sấy thăng hoa khi cho hút nước sẽ hoàn nguyên trở lại gần như ban đầu, giữ được cả hình dạng, màu sắc, hương vị, dưỡng chất.

Chỉ có nhược điểm là giá cao, nhưng nếu gửi đến Trường Sa thì tôi sẽ làm miễn phí". Rồi ông lại cười thật sảng khoái: "Tôi cũng lính biển mà...".

30 năm ngày 14-3:  Bay ra Trường Sa 30 năm ngày 14-3: Bay ra Trường Sa

TTO - Sau sự kiện 14-3-1988, không chỉ máy bay vận tải mà máy bay chiến đấu của không quân Việt Nam đã nhiều lần cất cánh ra Trường Sa để tăng thêm sức mạnh chiến đấu và khích lệ tinh thần bộ đội đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên