Một số doanh nghiệp ngành sợi, dệt có mức độ ảnh hưởng thấp hơn do sản xuất được vải, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ phòng dịch - Ảnh: T.V.N
Với tinh thần muốn xem "hỗ trợ đã đến nơi đến chốn chưa", và dù là ngày chủ nhật 12-4, Văn phòng Chính phủ vẫn cấp tốc ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự, an sinh xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19.
Cấp tốc đầy cấp bách là vì Chính phủ đã tiên lượng việc "chống dịch như chống giặc" cần được toàn xã hội ghi nhận bằng tâm thế "dịch sẽ còn kéo dài đầy khó khăn", đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô suy giảm nghiêm trọng, rải đều ở khắp các hạng mục, ngành nghề so với quý 1 năm ngoái.
Và nhất là khi hai gói chính sách tiền tệ và tài khóa có quy mô lên đến hơn 1 triệu tỉ đồng đang được Chính phủ "thúc" bộ, ngành sớm triển khai tận nơi cho người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng.
Do đó khi yêu cầu trong tuần này các bộ, ngành "đầu não" như Tài chính, Công thương, Kế hoạch - đầu tư, hay Ngân hàng Nhà nước phải sớm trình "kịch bản" để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, rõ ràng tinh thần chủ động bứt tốc không chỉ có mỗi Chính phủ "chạy" bằng nguồn "vắcxin" điều tiết cấp vĩ mô, mà còn cần có sự đồng lòng thay đổi cách làm một cách quyết liệt từ trên xuống dưới, với cấp độ ở mức khẩn thiết hơn.
Đơn cử là gói 300.000 tỉ đồng từ tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi cho khoản vay mới mà các tổ chức tín dụng đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh theo chỉ thị của Thủ tướng.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện thế nào chắc chắn phải được giám sát kỹ lưỡng, bởi chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khi báo cáo Chính phủ cũng đã thừa nhận có thực trạng các tổ chức tín dụng chưa công khai, minh bạch những thủ tục điều kiện mà doanh nghiệp có thể "ứng cử", cũng như "né" định kỳ báo cáo kết quả thực hiện.
Nếu không làm tốt điều này thì các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp lẫn khách hàng vay vốn tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh cũng sẽ phá sản.
Tương tự, 180.000 tỉ đồng ước dành cho 740.000 doanh nghiệp được hưởng từ việc giãn thuế và tiền thuê đất mà cơ quan chức năng đã chính thức thống kê.
Hay 700.000 tỉ đồng nguồn vốn đầu tư công đang chờ rót hàng triệu việc làm cho người lao động sớm trở lại công trường nhất thiết phải được Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính bắt tay ngay vào triển khai cùng các phương án thật chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chứ không ngồi chờ nữa, khi mà hàng loạt nghị định, nghị quyết của Chính phủ đã ban hành liên tục trong thời gian ngắn vừa qua.
Riêng với các doanh nghiệp, những cảnh báo cấp Chính phủ với yêu cầu cần nghiêm túc một cách thấu đáo hơn khi đánh giá lại việc tự chủ, tái cấu trúc thị trường giao thương nhằm giảm thiểu nghịch lý "bỏ trứng vào một giỏ" quá rủi ro kéo dài từ nhiều thập niên qua, nên chăng được thức tỉnh kịp thời hậu dịch COVID-19.
Có vậy mục tiêu không để mặt trận thứ hai về kinh tế bị đứt gãy như Chính phủ mong muốn, cùng kỳ vọng nhanh chóng khắc phục các bất cập, tạo điều kiện cho mọi loại hình doanh nghiệp, người dân vươn lên, đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch mới sớm thành hiện thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận