13/10/2012 01:07 GMT+7

Họ không có nhà để về

KIM DUY
KIM DUY

TT - Dòng trạng thái trên trang Facebook của một bạn trẻ khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên: “Tết này là tết cuối cùng mình về nhà”. Mọi người biết bạn đang học ở thành phố, nhà bạn ở Tây nguyên, bạn mới là sinh viên năm 2. Tại sao là tết cuối cùng về nhà?

Hỏi ra mới biết sau tết ba mẹ bạn ấy ly hôn. Bạn tâm sự biết về đâu khi cha mẹ không còn sống chung với nhau. Nhiều bạn trẻ vào bình luận: “Đọc mà buồn muốn khóc!”. Có bạn ghi: “Mình cũng có hoàn cảnh giống bạn”.

"Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là hạnh phúc mà là sự bền vững"

Gabriel García Márquez (nhà văn đoạt Giải Nobel văn học 1982)

Khi gia đình tan vỡ, họ không có nhà để về.

Một bạn trẻ mới chuyển về làm việc tại một cơ quan nhà nước. Nhà bạn cách cơ quan khoảng 60km, bạn thuê phòng trọ gần cơ quan, chẳng mấy khi thấy bạn về nhà. Hai ngày cuối tuần nếu không đi đá banh cùng với chi đoàn thì bạn ngồi đồng ở thư viện hay quán cà phê với cái laptop. Thậm chí, mỗi lần xe cơ quan đi công tác ngang nhà bạn, mọi người ngỏ ý ghé chơi cho biết nhà hay hỏi bạn có xuống nhà không, luôn gặp cái lắc đầu buồn hiu của bạn. Thì ra ba mẹ ly hôn từ khi bạn học năm thứ nhất. Kể từ đó, bạn không có thói quen về thăm nhà vào ngày nghỉ lễ. Tết thì họa hoằn lắm bạn mới về, còn không nằm bẹp gí ở phòng trọ gặm bánh mì, ăn mì gói qua ngày. Ba mẹ bạn đều có gia đình riêng. Thật ra, vào dịp hè/tết ba hay mẹ bạn đều điện thoại kêu bạn về nhà nhưng bạn luôn từ chối. Bạn cho rằng về nhà nào cũng chán và buồn, thà ở khu trọ có những người bạn cùng hoàn cảnh lại thấy... vui hơn! Ra trường đi làm bạn càng không muốn về nhà vì về nhà ai bây giờ?

Không thể trách cứ ai khi hai người từng có một thời yêu nhau, tưởng rằng sẽ là hai nửa ghép lại sít sao, bền chặt nhất cuối cùng lại chia tay. Cuộc sống và tâm lý con người có thể thay đổi, suy nghĩ hôm nay và hôm qua có thể khác. Nhiều người quan niệm nếu không hạnh phúc thì giải pháp chia tay là tốt nhất. Trong giai đoạn đó có thể họ sẽ nghĩ đến con cái, thế nhưng khi đã có gia đình riêng, đứa con chung ít nhiều cũng mang mặc cảm, bị tổn thương về tình cảm. Mới thấy người ta khó rộng lượng khi tình cảm sứt mẻ. Phải chờ thời gian, tuy nhiên thời gian có làm lành vết thương thì vết sẹo vẫn còn.

Khó đòi hỏi lòng vị tha, bao dung ở những người còn rất trẻ là con cái chẳng hạn. Ngày xưa họ là “cục cưng”, “cục vàng” của ba mẹ, bao nhiêu tình thương yêu dồn hết cho họ. Vậy mà một ngày mọi thứ chấm hết! Thử hỏi họ buồn đến mức nào? Có bạn vượt qua, có bạn không thể...

Các chuyên gia tâm lý khuyên hai người lớn hãy nghĩ đến bọn trẻ là vì thế. Nhất là ở giai đoạn con cái bắt đầu hiểu biết, dễ bị tổn thương.

Mái nhà là nơi để về. Tâm lý con người mâu thuẫn ở chỗ về nhà lại thích đi, đi mỏi lại nôn về. Thích đi để khám phá, mỏi mệt mong về tìm lại yêu thương. Có thể về nhà chỉ để nằm dài lười biếng trong phòng, nghe âm thanh của dao thớt, ngửi mùi chiên xào của mẹ từ dưới bếp, tiếng ba nói ngoài sân càm ràm mấy con chó phá chậu cây kiểng chẳng hạn. Những thứ rất đỗi bình thường đó luôn là hành trang và động lực, nạp năng lượng cho con người bước đi tiếp vào ngày mới.

Mong sao đừng có những câu trạng thái buồn trên Facebook như vậy.

KIM DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên