19/11/2022 05:45 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tiếng Việt trong giới trẻ có nghèo?

TRẦN MẶC
TRẦN MẶC

TTO - Tiếng Việt giàu đẹp vốn là tấm hộ chiếu văn hóa của Việt Nam trong mắt thế giới. Thế nhưng ngày nay, những câu nói chệch âm, những từ ngữ pha trộn mang theo tinh thần hài hước đang trở thành một phần trong giao tiếp của nhiều bạn trẻ.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tiếng Việt trong giới trẻ có nghèo? - Ảnh 1.

Cụm từ “People make it complicated… enjoy cái moment này” mà Chi Pu nói trong một buổi livestream trở thành "trend" trong giới trẻ - Ảnh chụp từ clip

Cùng với sự phát triển như "vũ bão" của mạng xã hội, cách thức giao tiếp giữa những người trẻ cũng biến đổi không ngừng với nhiều từ ngữ sáng tạo mới. Tiếng lóng, tiếng pha là một trong những biểu hiện của sự biến đổi đó.

Dạo một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những câu viết sử dụng các từ lóng như "khum", "hem", "chầm Zn", "sin lũi", "mãi mận", "mãi keo"... với tần suất xuất hiện rất cao.

Ban đầu, những câu chữ được biến đổi để giúp cuộc trò chuyện dễ hiểu và mang tính hài hước hơn. Dần dần, nó lại trở thành ngôn ngữ chung trong một bộ phận giới trẻ.

Tiếng lóng - biểu hiện của tính xu hướng

Khi được hỏi về sắc thái biểu đạt, nhiều người trẻ cho rằng tiếng lóng không nhiều tầng biểu đạt hơn tiếng Việt gốc. Nhưng trong những trường hợp giao tiếp cùng nhau, việc sử dụng tiếng lóng giúp cho cuộc trò chuyện trở nên gần gũi và cởi mở hơn.

Tuy nhiên, mọi thứ sẽ tốt nếu dùng đúng và không lạm dụng. Bởi lẽ nếu dùng sai đối tượng hoặc trường hợp giao tiếp, những tiếng lóng mang ý nghĩa hài hước sẽ dần trở nên xa lạ và gây khó chịu cho nhiều nhóm đối tượng khác.

Đơn cử như câu nói "Sao hay ra dẻ quá à" được yêu thích trong thời gian gần đây. Nếu chỉ sử dụng giữa các nhóm đối tượng phù hợp, câu nói sẽ góp phần tăng tính dí dỏm cho cuộc trò chuyện. Nhưng đặt vào một bối cảnh khác, khi người trẻ buột miệng trước một người lớn tuổi, điều đó liền trở thành sự thiếu tôn trọng và thiếu nghiêm túc đối với đối phương.

Về bản chất, mục đích chung của ngôn ngữ là giao tiếp và kết nối. Việc sử dụng tiếng lóng, tiếng pha cũng góp phần vào phương diện kết nối đó, giúp các bạn trẻ chứng minh được sự hợp thời của mình, nhưng cần phải biết sử dụng sao cho hợp lý.

MC Bích Trăm - quán quân Én sinh viên 2019 - nhận xét: "Những từ ngữ này lâu dần đến một lúc nào đó sẽ hết thời. Cho nên việc sử dụng ngôn ngữ "bắt trend" chỉ là tác động nhất thời thôi. Quan trọng là bên cạnh việc cập nhật xu hướng, để ngôn ngữ không bị mai một, các bạn cần trau dồi thêm vốn từ.

Không chỉ việc các bạn sử dụng cho việc viết, nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ cần những ngôn ngữ khác nhau. Nếu các bạn chịu trau dồi thì sẽ không mai một".

"Tây hóa" hay sự nghèo nàn vốn từ?

Cùng với tiếng lóng, chuyện pha trộn giữa các loại ngôn ngữ cũng không còn xa lạ trong giới trẻ. Ở những lĩnh vực chuyên biệt, khi tiếng Việt quá dài dòng hoặc không đủ sát nghĩa, người nói thường có xu hướng sử dụng một từ tiếng Anh chuyên ngành thay thế, giúp tăng hiệu quả giao tiếp giữa những người cùng lĩnh vực.

Tuy nhiên, không ít người trẻ thường xuyên pha tiếng mẹ đẻ cùng các ngôn ngữ khác trong lúc giao tiếp. Việc sử dụng quá đà ấy tạo ra thứ ngôn ngữ nửa tây nửa ta, gây khó chịu cho người nghe.

Cách đây ít lâu, câu nói "people make it complicated, nên là mình cứ enjoy cái moment này" (mọi người cứ phức tạp hóa lên, nên là mình cứ tận hưởng cái khoảnh khắc này) của Chi Pu gây tranh cãi trên mạng xã hội và được nhiều bạn trẻ sử dụng như một xu hướng mới.

Hay như câu "như vậy có healthy, có balance không" của một cô gái trên chương trình hẹn hò cũng nhanh chóng "gây bão".

Bên cạnh phê phán sự lai căng ngôn ngữ, một số bạn trẻ lại sử dụng những câu nói đó như một kiểu đùa vui, góp phần gia tăng mức độ phổ biến của loại ngôn ngữ lai tạp này.

Bạn Nguyễn Vũ Khang - sinh viên khoa ngữ văn Anh, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - cho biết: "Tôi thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ có rất nhiều sắc thái để mọi người diễn đạt. Tuy nhiên, có thể do mọi người quá "nghèo nàn" vốn từ nên không biết cách sử dụng cho phù hợp và chọn những tiếng lóng, những từ ngữ đi theo trào lưu để khỏa lấp sự nghèo nàn đó".

Việc lạm dụng tiếng lóng, tiếng pha không giúp câu nói hay hơn mà chỉ góp phần làm mất đi vẻ đẹp tiếng Việt vốn là giá trị trong mỗi người Việt, trong giao tiếp của người Việt với nhau và trong mắt bạn bè thế giới.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam - Văn hóa thời đại số: Mạng xã hội và mối lo ngại phân cực thế hệ Hộ chiếu văn hóa Việt Nam - Văn hóa thời đại số: Mạng xã hội và mối lo ngại phân cực thế hệ

TTO - Trong cuộc giao lưu và hòa vào dòng chảy của các giá trị văn hóa ở thời đại số, mạng xã hội và các ứng dụng trở thành một nhân tố rất quan trọng.

TRẦN MẶC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên