18/11/2022 10:21 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam - Văn hóa thời đại số: Mạng xã hội và mối lo ngại phân cực thế hệ

HỒNG VÂN - MAI THỤY
HỒNG VÂN - MAI THỤY

TTO - Trong cuộc giao lưu và hòa vào dòng chảy của các giá trị văn hóa ở thời đại số, mạng xã hội và các ứng dụng trở thành một nhân tố rất quan trọng.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam - Văn hóa thời đại số: Mạng xã hội và mối lo ngại phân cực thế hệ - Ảnh 1.

Gen Z đang định hình lại Internet. Dù sử dụng TikTok nhiều, người trẻ không chung thủy với một mạng xã hội nào nhất định mà dùng những ứng dụng khác nhau cho các nhu cầu khác nhau - Ảnh: Getty Images

Nhưng thay vì tạo ra một thế giới gắn kết nhiều hơn, các ứng dụng có đang vạch ra ranh giới khoảng cách giữa các thế hệ?

"Facebook đang trở thành mảnh đất hoang cằn cỗi đầy người già" - một câu nói lặp đi lặp lại trên các bài báo trong vài năm trở lại đây. Facebook vẫn đang đứng đầu thế giới với 2,9 tỉ người dùng hằng tháng, theo báo cáo của Statista. Ứng dụng đối thủ trực tiếp của nó, TikTok, vẫn mới chỉ cán mốc 1 tỉ người vào đầu năm nay.

Thế nhưng, điều khiến Facebook đang rơi vào khủng hoảng lại nằm ở vấn đề nhân khẩu học. Các nghiên cứu của Trung tâm Pew hay eMarketer đều chỉ ra đa số người dùng nền tảng mạng xã hội này là người lớn tuổi, trong khi thế hệ trẻ đang đổ dồn sang TikTok.

Càng nhiều mạng xã hội, càng thấy rõ sự chia rẽ

Năm 2016, tờ The New York Times đã giật một tít bài khá khiêu khích: "Tại sao người lớn tuổi thích Facebook? Hãy hỏi bố tôi". 

Bài viết dẫn ra cuộc khảo sát của Đại học bang Pennsylvania về hành vi sử dụng mạng xã hội của người từ 60 đến 86 tuổi. Nghiên cứu cho thấy họ sử dụng Facebook để gắn kết với những người bạn cũ và phát triển mối quan hệ với những người cùng chí hướng. 

Bên cạnh đó, động lực lớn nhất của người lớn tuổi lại có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: Thông qua Facebook, họ đang thực hiện giám sát xã hội, theo dõi những gì đang diễn ra với con cháu mình.

Nhiều người trẻ đang có cảm giác ngột ngạt khi dùng mạng xã hội này. Do đó, tuy ra mắt vào năm 2017, TikTok dần thay Facebook trở thành không gian chung cho giới trẻ. Với những người lớn tuổi, TikTok là một thế giới lạ lẫm với những xu hướng thay đổi liên tục mà họ không thể nắm bắt, cũng chẳng dễ gì kiểm soát con cái thông qua đó.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia có số người dùng mạng xã hội cao nhất thế giới. Các nền tảng Facebook, YouTube và Instagram chiếm 3/5 mạng xã hội hàng đầu đối với người dùng Internet ở Việt Nam. 

Khảo sát công bố tháng 6-2022 trên statista.com của nhà nghiên cứu Minh Ngoc Nguyen cho thấy trong quý 1-2022, Facebook là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất. Zalo là mạng xã hội được dùng nhiều thứ hai, chủ yếu với thế hệ X.

Trong khi đó, so với gen X và Y, gen Z sử dụng các mạng xã hội như Instagram, TikTok và Pinterest nhiều hơn. Đặc biệt, TikTok đã trở thành mạng xã hội có số lượng người dùng tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam, đúng theo xu hướng chung.

Tuy nhiên, không thể nói TikTok hay Facebook góp phần trực tiếp gây nên sự phân cực thế hệ. Giữa người lớn tuổi và thế hệ trẻ luôn có độ vênh nhất định trong cách sống và tư duy. Những bậc phụ huynh phải tập làm quen với việc họ khó lòng giám sát con trẻ hơn, giống như hồi thập niên 1990, cha mẹ họ đã vất vả hiểu được thế giới Internet thời kỳ đầu.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam - Văn hóa thời đại số: Mạng xã hội và mối lo ngại phân cực thế hệ - Ảnh 2.

Định vị đối tượng của các mạng xã hội cho thấy sự phân cực giữa những thế hệ trong thế giới thực - Ảnh: Getty Images

Mối quan hệ chất lượng

Thấy một nhóm bạn ngồi cùng nhau mà mỗi người chăm chú vào một máy điện thoại, một gia đình đi ăn mà người lớn người nhỏ đều tập trung vào màn hình, phản ứng ban đầu của nhiều người là cảm thán rằng xã hội đang có quá nhiều người mê sống ảo mà bỏ bê mối quan hệ thực. Nhưng nếu mối quan hệ thực đủ hấp dẫn thì chiếc điện thoại có đủ sức cạnh tranh?

Trong nghiên cứu của Qing He, Đại học Melbourne (Úc), về mối quan hệ giữa gia đình và mạng xã hội đăng trên tạp chí Advances in Social Science, Education and Humanities Research (Nghiên cứu sâu về khoa học xã hội, giáo dục và nhân văn) năm 2022, tác giả thấy rằng có sự liên quan giữa cách nuôi dạy con cái, quan hệ gia đình và tình trạng kinh tế - xã hội của gia đình với mức độ nghiện mạng xã hội của con trẻ. Cách nuôi dạy, sự hỗ trợ, giao tiếp giữa phụ huynh và con cái vị thành niên rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ và giúp trẻ "chống" lại cám dỗ gây nghiện của mạng xã hội.

Trước đó, một nghiên cứu ở Ý về vai trò của nhận thức của cha mẹ về tác động của mạng xã hội trong quan hệ của gia đình kết luận nền tảng gia đình dường như là yếu tố cốt lõi. Sự gắn kết của các thành viên gia đình được chứng minh có thể có vai trò thúc đẩy các tương tác lành mạnh và giao tiếp cởi mở trong gia đình. 

Tác giả lập luận tác động của mạng xã hội đến gia đình không phải không quan trọng mà cách các thành viên trong gia đình nhìn nhận về nó, sự tự tin của họ về khả năng duy trì những mối quan hệ tích cực, tương tác lành mạnh và giao tiếp cởi mở trong gia đình cũng quan trọng không kém.

Cũng đáng nói là gen Y và Z không chỉ rong chơi trên Internet. Theo một khảo sát của Pew Research Center, năm 2021 thế hệ Y và Z ở Mỹ nổi bật về sự tham gia của họ trong vấn đề về biến đổi khí hậu. 

So với những người lớn tuổi, thế hệ Z và Y kêu gọi nhiều hơn về nhu cầu hành động với biến đổi khí hậu. Trong số những người dùng mạng xã hội, họ xem nhiều nội dung về biến đổi khí hậu trực tuyến hơn và hành động nhiều hơn.

Sẽ còn quá sớm để khẳng định những thói quen dùng mạng xã hội tác động đến sự khác biệt giữa các thế hệ, dẫn đến sự biến động các hệ giá trị từ gia đình đến rộng hơn là văn hóa. 

Nhưng trước những chuyển mình quá nhanh, quá khó đoán của mạng xã hội và các ứng dụng, việc nuôi dưỡng những giá trị căn cốt, nền tảng hơn lúc nào hết càng phải được đặt lên trên hết.

Những "giáo sư" mạng xã hội

Mạng xã hội là môi sinh màu mỡ cho tin giả. Chỉ cần khoác chiếc áo blouse trắng, ai cũng có thể trở thành chuyên gia và cho lời khuyên về cách chăm sóc sức khỏe, bên dưới không quên kèm đường dẫn bán sản phẩm.

Có lẽ chưa thời đại nào mà các nhà phân tích tài chính, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ... lại có nhiều thời gian đến vậy để tham gia mạng xã hội. Sự bùng nổ của những nội dung ngắn càng khiến lượng tin giả khổng lồ được tiêu thụ vì người dùng thiếu dữ liệu để xác minh thông tin cũng như bị choáng ngợp bởi số lượng tin tức dày đặc.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh David Trương, sống tại New York (Mỹ), cho biết bản thân anh cũng biết được một số bạn trẻ gặp xung đột với người lớn tuổi trong gia đình khi không thể thuyết phục người nhà đừng tin đừng xem những thông tin không chính xác trên YouTube.

Trong khi thế hệ trẻ người Việt sinh trưởng ở nước ngoài, được ví von như những trái chuối "ngoài vỏ vàng, trong ruột trắng", đã bộc lộ những suy nghĩ và phản ứng có sự cách biệt với thế hệ lớn tuổi dù nguồn cội vẫn là gốc gác Á Đông. Do đó, họ sẽ phản ứng thẳng thắn khi không cùng quan điểm.

Những đứt gãy về mặt giao tiếp, góc nhìn giữa các thế hệ, bên cạnh những điều kiện khách quan do văn hóa, môi trường sống đem lại thì không thể phủ nhận sự góp mặt của mạng xã hội, việc theo dõi và tin theo dòng chảy thông tin trên đó.

M.THỤY - C.NHẬT

HỘ CHIẾU VĂN HÓA VIỆT NAM: Nghệ sĩ và những ứng xử đẹp HỘ CHIẾU VĂN HÓA VIỆT NAM: Nghệ sĩ và những ứng xử đẹp

TTO - Lời tòa soạn: Sau một năm Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), văn hóa nước nhà được ưu tiên phát triển theo hướng gia tăng các giá trị, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

HỒNG VÂN - MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên