Nhiều độc giả phản hồi với Tuổi Trẻ rằng họ vô cùng xúc động khi chứng kiến những giọt nước mắt của bà Ngô Thị Diễm Huyền trong buổi giao lưu ở lễ trao giải chương trình Cảm hứng SEA Games 32 do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Herbalife Việt Nam.
Đó là khoảnh khắc sau khi HLV Vũ Mạnh Cường và VĐV bóng bàn Trần Mai Ngọc cùng kể lại những ngày đầu tiên khi Mai Ngọc được mẹ đưa ra Hà Nội học bóng bàn cách đây 11 năm.
Khi đó, Mai Ngọc cùng cô em gái Ngọc Ngà chỉ mới 8 tuổi. Và như bất kỳ đứa trẻ nào khác, cả hai "khóc muốn ngập cả đất" - như lời HLV Vũ Mạnh Cường kể.
"Ai trong CLB bóng bàn trông thấy cũng mủi lòng. Thế nên ngoài chuyện dạy dỗ, huấn luyện các em, người thầy như tôi còn có trách nhiệm phải chăm sóc mọi chuyện sinh hoạt cho các em.
Tôi nhớ trong năm đầu tiên đưa Mai Ngọc, Ngọc Ngà về Bình Dương ăn Tết, tôi phải nhờ vả các tiếp viên hàng không rất kỹ. Đến khi bay vào lại, cũng những tiếp viên hàng không ấy tận tay đưa hai em đến với tôi. Thế mới yên tâm được!", HLV Vũ Mạnh Cường kể.
Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ trong hậu trường, bà Huyền cũng thừa nhận rằng khi đưa hai con ra Hà Nội 11 năm trước, chị chỉ biết cầu trời phù hộ cho Mai Ngọc, Ngọc Ngà được nuôi ăn học tử tế là mừng.
"Trong gia đình không ai có năng khiếu thể thao, nên tôi cũng không dám mong gì hai cháu sau này thành được VĐV. Nói thật là khi đó có người nhận nuôi ăn học tử tế cho hai cháu là giúp đỡ nhiều cho gia đình chúng tôi lắm rồi. Tôi chỉ mơ cả hai sau này có thể sống được bằng nghề này thôi", bà Huyền nói.
Cuộc đời các VĐV thường gắn liền với sự hy sinh. Đó là hy sinh về nét đẹp cơ thể, sau những giờ dầm mưa dãi nắng trên sân tập. Là hy sinh về sức khỏe lâu dài, với vô số những lần cắn răng nhịn đau ra sân thi đấu.
Và cả sự hy sinh về nghề nghiệp khi đời VĐV thường chỉ kéo dài hơn 10 năm đấu chuyên nghiệp...
Nhưng với những VĐV nữ, sự hy sinh lại càng lớn hơn, khi đi kèm với họ còn là những vấn đề về tâm sinh lý. Và một cô gái tuổi mới lớn như Mai Ngọc đã phải trưởng thành mà không có mẹ bên cạnh.
"Ban đầu thực sự tôi khá bất ngờ khi cả ba VĐV thắng cuộc thi đều là nữ. Nhưng đây cũng là kết quả phản ánh phần nào những hy sinh mà nữ giới phải chịu khi đến với thể thao chuyên nghiệp.
Những câu chuyện của họ vì vậy cũng tạo ra nhiều cảm xúc hơn" - bà Lê Thị Hoàng Yến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, chia sẻ trong buổi lễ trao giải của chương trình.
Sự tiến bộ của y học thể thao ngày nay giúp cải thiện ít nhiều những khó khăn mà nữ giới phải trải qua.
Nhưng dù thế nào đi nữa, Nguyễn Thị Oanh, Trần Mai Ngọc, Bou Samnang hay bất kỳ VĐV nữ nào khi trải qua con đường khổ luyện thể thao đều ít nhiều phải hứng chịu những cơn đau mà chỉ phụ nữ với nhau mới có thể hiểu thấu.
Nhưng những hy sinh đó sẽ không bị lãng phí, vì nó tạo ra nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận