Gặp được "Hiệp sĩ rừng xanh" giữa Sài Gòn quả thật không dễ.
Ngoài 70 tuổi nhưng ông Tăng A Pẩu rắn rỏi, năng nổ. Ông mở điện thoại nói vừa "đột nhập" vào một nhóm chuyên tàn sát chim khoe chiến tích trên mạng, liền sau đó ông thiết lập một nhóm "hợp đồng tác chiến" cùng hành động bảo vệ chim.
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, chiếc cầu nối bàn giao nhiều thú rừng quý hiếm
"Đây là cuộc chiến hao mòn đến cạn kiệt của thiên nhiên, nếu không có một ai đứng ra bảo vệ, nguy cơ biến mất của các loài chim sẽ không xa", ông nói.
Lấy tiền uống bia giải cứu thú rừng!
* Ông không phải là người được giao nhiệm bảo vệ động vật nhưng lại rất lo sợ "nguy cơ biến mất" của chúng, tại sao như vậy?
- Vì tôi yêu động vật. Năm 1977, có dịp tham gia đoàn khảo sát quy hoạch rừng ở khu vực Đông Nam Bộ, tôi chứng kiến một câu chuyện rất ám ảnh.
Đó là khi một người rú lên bỏ chạy ra ngoài, bước vào trong bếp tôi thấy người khác đang nắm đầu con cheo nhúng vào nồi nước sôi. Lúc kéo lên, dù đã chín tái nhưng con cheo vẫn lấy chân ôm hai con mắt khóc như một em bé.
Rồi có dịp lang thang qua các bìa rừng Tây Nguyên, tôi vô tình bắt gặp các ông thợ săn mang các loài động vật quý hiếm chào bán làm thịt. Biết luật pháp nghiêm cấm mua bán, nhưng con thú ấy chắc chắn sẽ chết nếu vào tay kẻ săn mồi.
Tôi nghĩ vậy và quyết định lấy tiền túi mua lấy chúng, gửi vườn quốc gia thả về tự nhiên.
Các lần khác khi đi qua Di Linh (Lâm Đồng), tôi lại thấy một con mèo rừng bị rao bán hoặc con cu li bị nhốt rao bán ngay trước rạp hát Hòa Bình (TP.HCM). Vẫn như mọi lần, tôi lại hỏi mua mang giao cho Vườn quốc gia Cát Tiên.
* Không chỉ giải cứu, ông có ít nhất ba lần làm cầu nối giao nhiều động vật quý hiếm cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Mới nhất là con tê tê còn chưa mở mắt.
- Con tê tê này còn rất nhỏ, chưa kịp mở mắt, trông rất đáng thương. Đây là con tê tê thứ hai tôi giao cho kiểm lâm TP.HCM, con đầu tiên lớn hơn và tôi được biết tìm thấy ở một khu rừng nằm sâu trong đèo B40 của huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng). Một số lần tôi không tiếp nhận mà hướng dẫn những người này mang thẳng đến Vườn quốc gia Cát Tiên.
Khi làm việc này, không chỉ tôi mà người giao tê tê cũng trăn trở. Họ nhắn tin hỏi hoài: "Anh ơi con tê tê sao rồi?". Đau khổ và thậm chí tuyệt vọng khi nghe tin xấu về chúng. Nói không quá, kiểu như cha mẹ lo cho con cái vậy, bởi đó là tình yêu động vật từ đáy lòng.
* Việc tiếp nhận động vật quý hiếm như ông đang làm có thể coi là hành vi mạo hiểm và tiền đâu mà ông giải cứu hết con này đến con khác như vậy?
- Có lúc phải chấp nhận. Tuy chưa từng gặp sự cố nhưng tôi biết nguy cơ là có. Vậy làm sao vừa cứu được các loài động vật, vừa tự bảo vệ mình?
Trước khi nhận bất cứ con thú nào, tôi đều gọi điện và nhắn tin cho một số cơ quan chức năng địa phương (kiểm lâm) thông báo sẽ có con này, con kia sắp được giao đến. Tôi còn nhắn tin cho nhiều nơi, đều là các chuyên gia và người có trách nhiệm với niềm tin "lỡ có bị bắt ra tòa cũng có tiếng nói bảo vệ".
Còn tiền ư? Tiền túi thôi, đó là tiền tiết kiệm của tôi. Tiền đó là tiền uống bia, nếu tôi bớt uống bia chút sẽ có khoản tiền giải cứu thú rừng (cười...).
"Vào rừng không chỉ dạo chơi"
* Không chỉ giải cứu thú rừng, ông cũng rất siêng vào rừng, ông có lý do nào không?
- Cách nay khoảng 20 năm, tôi có cái xui rủi trong cuộc đời là bị ung thư. Lúc đó tôi tự hỏi làm gì đây và chụp ảnh là sự lựa chọn số 1. Tôi học chụp ảnh, cũng đi chụp nhiều nơi từ Mù Cang Chải, Mèo Vạc, Lũng Cú (Hà Giang), đồi cát ở Bình Thuận và các bờ sông, bãi biển, mùa nước nổi ở các tỉnh miền Tây.
Phong cảnh đời thường đồng quê chụp hết, xong rồi "chán", tôi chui vô rừng. Tôi đi tìm những điều linh thiêng của núi rừng, một chỗ bấu víu cho sự sinh tồn của chính mình, điều mà tôi không thể tìm được trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp hay nhà ăn sang trọng.
Ngày đó một tuần tôi có bốn ngày vào rừng, có khi đi hai tuần liền và thường chỉ đi một mình. Có "tiếng" chút, tôi bị các vườn quốc gia "điều" đi chụp hình tư liệu về các loài động vật. Cứ gọi là tôi bỏ nhà cửa đi, không ai trả công cho tôi một đồng bạc nào.
Cuối cùng, thú thật tôi có mong muốn "hơi xâm phạm" một tí là muốn nhét triết lý của thiên nhiên vào suy nghĩ cộng đồng. Lôi kéo, thậm chí "ép" mọi người vào rừng, tắt bỏ điện thoại cho tâm hồn nhẹ nhàng, xung quanh lúc đó chỉ còn màu xanh thanh khiết.
* Có lẽ cũng vì điều đó mà năm 2021 ông có gần sáu tháng "ở ẩn" trong rừng Nam Cát Tiên?
- Đó là sự ngẫu nhiên chứ tôi không định chui vào rừng lâu vậy đâu. Thời điểm đó dịch COVID-19 bắt đầu căng thẳng, toàn thành phố có nguy cơ bị "khóa". Hôm đó tôi một mình lái xe bán tải vào rừng với ý định ngủ lại một đêm nhưng cuối cùng không về được nữa. Cũng nghĩ chỉ một hai tuần thôi, nhưng "khóa" đến gần sáu tháng.
Trong rủi có may. Khoảng thời gian đó giúp tôi tiếp cận chụp được nhiều loài động vật đẹp hơn. Cũng chính gần sáu tháng ở trong rừng, tôi mới chụp được voọc bạc Trường Sơn.
Đó là cả một sự kiên nhẫn trường kỳ mai phục bởi voọc thoắt ẩn thoắt hiện, tinh khôn và sợ người, chỉ một tiếng động nhỏ là biến mất vào rừng rậm. Tôi phải mang theo cơm vào rừng nằm chờ, cũng gặp đôi lần nhưng có lúc ở xa quá, lúc bố cục tệ quá.
Tôi rất vui khi một số tấm ảnh vừa được một tổ chức về bảo tồn động vật hoang dã thế giới sử dụng, ghi tên mình trang trọng. Đó là quãng thời gian vô cùng quý giá.
* Tôi có đọc được quan điểm của ông khi chụp về các loại thú rừng là "chụp với sự tôn trọng". Điều này rất khác so với suy nghĩ của một số người là chụp bất chấp, miễn có ảnh đẹp.
- Tôi quan niệm thú rừng là một thực thể sinh linh mà trời đất, tạo hóa đã tạo ra một cách logic và tôn trọng những gì của tạo hóa sinh ra. Chúng là một thực thể có đời sống, số phận và chân lý riêng, cho nên làm gì tôi đều ý thức, không can dự vào thế giới riêng của chúng.
Tôi thường đứng xa khi thấy tổ chim, chỉ vội ghi vài tấm ảnh rồi đi, còn có người sẽ lao vào cắt tỉa cho thoáng đẹp bằng mọi giá để có bức ảnh đẹp theo ý muốn. Điều này vô tình xâm hại môi trường sống của chim, đó là sự thiếu tôn trọng.
Thực ra người chụp ảnh hoang dã đích thực là không có sắp đặt, bởi họ không có thời gian. Rừng cuốn mình vào, lôi mình đi như thể một băng chuyền vậy. Cả đời tôi là như vậy, không thể dừng lại, bởi càng đi càng bắt gặp nhiều cảnh đẹp lắm.
* Nói như vậy nghĩa là việc đi rừng với ông có vẻ gắn với trách nhiệm nhiều hơn.
- Với tôi, đi rừng không phải dạo chơi. Thực ra nói dạo chơi để an ủi thôi, chứ nhọc nhằn lắm. Mỗi lần đi như vậy tôi mang ít nhất ba máy ảnh, trong đó một máy cho thú, một máy cho chim và một máy cho hoa lá, côn trùng.
Tôi luôn nghĩ biết đâu sẽ gặp một loài chuồn chuồn sách đỏ đặc hữu, một bông hoa cần chụp đẹp hơn bằng máy chuyên dụng. Lỡ gặp phong cảnh đẹp mà không chụp đâu có lần thứ hai, tiếc lắm! Và tôi có trách nhiệm chụp lại cái đẹp của núi rừng cho nhiều người chưa có dịp tận mắt nhìn thấy.
Đây là "cuộc dạo chơi" không dễ chịu chút nào. Nếu không đủ hăm hở, đam mê và không có lòng thiện thì khó theo đuổi.
Thông điệp của tôi: Hãy la lên!
* Kinh tế hoặc sự nổi tiếng, cả hai việc này với ông đều là con số 0 khi làm việc này. Ông cũng không dự cuộc thi nào về ảnh, gần nhất làm triển lãm thì tiền bán ảnh cũng dành cho tổ chức bảo vệ động vật và cho các trẻ em nghèo. Tại sao như vậy?
- Tại quan điểm sống của tôi đơn giản. Tôi được dạy về sự khiêm tốn. Với một tấm hình chụp được rồi bán đi, tôi muốn san sẻ cho cộng đồng một điều ý nghĩa nhằm hỗ trợ cho quỹ bảo vệ chim. Hiệu quả của đồng tiền đó chắc chắn được nhân lên, có thể cứu được hàng vạn con chim nhưng không phải ai cũng hiểu về điều đó.
* Các bức ảnh của ông về muông thú mang lại một giá trị tích cực cho cộng đồng, các chuyên gia đánh giá như một di sản khi một số loài đã biến mất chỉ còn trên tranh ảnh.
- Nói là di sản thì hơi cường điệu quá. Tôi chỉ cố gắng ghi lại hình ảnh mà xã hội đang cần, sẽ cần và nó là một bằng chứng lịch sử của núi rừng.
Mọi người thường nghĩ tôi chỉ chụp ảnh động vật quý hiếm nhưng không hẳn vậy. Bên cạnh cái đẹp, tôi bắt mình phải ghi nhận những khung hình khoắc khoải nhất của rừng, từ các con chim chết khô trong giàn lưới mù, những con chó què chân do sập bẫy, những con nai bị nung trên bếp than và cả những hành vi nuôi nhốt, buộc dây, giam cầm chim quý hiếm...
Tôi muốn nói cho cộng đồng biết những điều nhìn thấy chỉ là một phần rất nhỏ mà các loài thú đang phải chịu.
Phía sau cái đẹp của núi rừng là một cuộc chiến sinh tồn, nếu chúng ta không hành động thì cái đẹp đó sẽ biến nhất. Cũng như sếu đầu đỏ một thời giờ rất khó để tái sinh. Và thông điệp của tôi là: "Hãy la lên!". Đó cũng là mong muốn khi thành lập chi hội bảo tồn chim hoang dã.
* Xin hỏi thật: Có lúc nào ông chán rừng?
- Chưa thấy chán (cười...). Tôi chỉ sợ mình không có sức đi, còn rừng thì vô tận, chụp không bao giờ hết được. Cảnh đời thường biến hóa khôn lường nhưng không hấp dẫn bằng biến hóa của rừng. Tôi tham lam lắm, cứ vào rừng là tham lam!
"Tôi chẳng có gì, ngoài ảnh"
* Cuộc sống của ông sau các bức ảnh và hành động bảo vệ động vật như thế nào?
- Công việc và biến cố cuộc sống kéo tôi đi, khi ngoảnh lại tôi thấy mình đã quá già. Chui vào rừng lúc nào tôi cũng mang theo "bạn đời" là máy ảnh. Máy càng lúc càng to, tiền mua máy càng lúc càng nhiều.
Tiền tôi dốc vào mua ống kính có thể mua được căn nhà, miếng đất to rồi đấy. Bây giờ tôi chẳng có gì hết, ống kính đó đã hỏng, đất đai thì không (cười lớn...).
Đổi lại tôi có được những bức ảnh. Hỏi có quý không? Còn tùy bởi người cho quý là quý, người chê xấu là xấu. Còn có ai mua ảnh tôi bán, tiền đó tôi không bao giờ giữ cho mình mà sẽ tìm chỗ nào đó đang cần để nhét vào.
Ông Tăng A Pẩu quê ở Quảng Ninh, sinh ở Bình Thuận, sống tại TP.HCM, từng tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.
Ông được biết đến là con người của rừng, bởi phần lớn thời gian gắn với vườn quốc gia ở nhiều nơi. Đặc biệt, tên tuổi của ông được biết đến nhiều từ loạt ảnh chụp đàn bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên năm 2011 và 2019. Đây là lần đầu tiên có một người chụp được rõ ràng đàn bò tót một cách tự nhiên nhất ở Việt Nam. Năm 2015, ông lần đầu tổ chức triển lãm ảnh "Chim rừng mùa kết bạn" và cho hay đã chụp được hơn 500 loài chim ở Việt Nam.
* Ông Phạm Hồng Lượng (nguyên giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên):
Ông Pẩu giải cứu nhiều thú quý hiếm
- Ông Pẩu là một trong những người tiên phong chụp ảnh về các loài chim tại Việt Nam và tạo dựng nên cộng đồng yêu thiên nhiên. Tôi cảm nhận ông ấy rất quan tâm đến những nỗ lực của người làm công tác bảo tồn, luôn hỗ trợ các vườn quốc gia quảng bá được hình ảnh, giới thiệu nét đẹp thiên nhiên đến cộng đồng, từ đó thúc đẩy du lịch có trách nhiệm.
Không chỉ vậy, ông Pẩu đã rất nhiều lần giải cứu mang các loài động vật quý hiếm về giao cho trung tâm cứu hộ của vườn chăm sóc tái thả về rừng. Phải là người tâm huyết, có tình yêu thực sự mới dành công sức, tiền của, thời gian như vậy cho động vật hoang dã.
* Ông Nguyễn Quang Hoàng (phó trạm cứu hộ động vật hoang dã Chi cục Kiểm lâm TP.HCM):
Cầu nối có trách nhiệm
- Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tiếp nhận 710 cá thể động vật hoang dã do các cá nhân, tổ chức tự nguyện giao. Trong đó, lớp thú 117 cá thể, lớp chim 244 cá thể, lớp bò sát 349 cá thể.
Ông Pẩu là người rất có trách nhiệm khi vừa là người trực tiếp bàn giao, vừa là người kết nối, vận động người khác cùng tham gia bảo vệ động vật hoang dã.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận