Đây là những ý kiến được nhiều chuyên gia, nhà quản lý... nêu ra tại hội thảo về "kế hoạch tăng trưởng kinh tế hai con số" do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức vào ngày 22-1.
Duy trì môi trường đầu tư ổn định, công bằng
Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Hữu Tín - chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương - cho rằng để có tăng trưởng hai con số (từ 10% trở lên mỗi năm), cần tiếp tục phát triển đa dạng thành phần kinh tế, tạo ra môi trường lành mạnh, hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo ông Tín, thời gian qua Bình Dương đã lắng nghe, thúc đẩy được tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có mô hình thành công; nếu tiếp tục duy trì được niềm tin, sự tôn trọng lẫn nhau, cùng hợp tác sẽ đạt mục tiêu phát triển cao hơn.
"Nhà nước cần có sự "phân vai", giao việc cho từng hiệp hội doanh nghiệp, với mỗi doanh nghiệp lớn... thì kế hoạch tăng trưởng hai con số mới khả thi, đi vào thực tế", ông Tín nói.
Ông Nguyễn Văn Khoa - tổng giám đốc Tập đoàn FPT - cho rằng nếu phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sẽ có lúc cạn, còn nếu khai thác chất xám sẽ là nguồn lực bền vững.
"Cần làm sao để mỗi cán bộ, công chức đều có tình yêu với Bình Dương. Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến, không chỉ là lãnh đạo mời gọi mà mỗi cán bộ, công chức cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư", ông Khoa gợi ý.
Theo ông Kim Jin Woo - chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc (KOCHAM) tại Bình Dương, tăng trưởng phải gắn với sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong đó nhà đầu tư rất cần sự ổn định trong chính sách, tạo thuận lợi trong việc gia hạn giấy phép đầu tư, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT)... Chẳng hạn khi được cấp phép đầu tư có thời hạn 30 năm hay 50 năm, nhà đầu tư mong thời gian đó được hoạt động ổn định theo giấy phép.
"Rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp lo ngại là sự bất định. Vì vậy khi doanh nghiệp hỏi, rất mong nếu được thì trả lời được, không được thì phải nói là không được. Tình huống "có thể được, cũng có thể không" khiến doanh nghiệp rất khó để xây dựng chiến lược kinh doanh", ông Kim Jin Woo góp ý.
Gỡ pháp lý để giải phóng nguồn lực
Cũng tại hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ có dư địa để đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn bình quân của cả nước.
Tuy nhiên các địa phương trong vùng cần rà soát, tháo gỡ vướng mắc các dự án, cả các dự án hạ tầng và dự án bất động sản. Khi đó các nguồn lực trong doanh nghiệp, xã hội mới được giải phóng, tạo động lực tăng trưởng.
TS Trần Du Lịch cho rằng để "tăng trưởng hai con số" cần có kế hoạch dài hạn nhưng cũng cần có những giải pháp tình thế, tháo gỡ ngay cho các dự án đang vướng mắc.
Theo ông Lịch, cần đặt ra mục tiêu "không có dự án nào có tiền mà không đầu tư được vì vướng pháp lý", đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm, lấy đầu tư công để dẫn dắt và khuyến khích đầu tư của toàn xã hội.
Ông Phạm Ngọc Thuận, tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, cho biết với quy hoạch vừa được thông qua, Bình Dương định hướng phát triển công nghiệp tại các huyện, thị phía bắc của tỉnh, trong khi các đô thị phía nam giáp với TP.HCM (gồm TP Dĩ An, Thuận An...) sẽ chuyển dịch sang phát triển thương mại, dịch vụ với hàm lượng chất xám cao hơn.
Bình Dương nỗ lực thu hút đầu tư chất lượng cao để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình".
Ông Võ Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết bên cạnh việc thu hút vốn FDI, Bình Dương cũng rất quan tâm, chú trọng nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong nước, đồng thời khẳng định địa phương này sẽ đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư tối đa trên cơ sở đúng pháp luật nhưng cũng "vừa chạy vừa xếp hàng" để phát triển.
Cũng theo ông Minh, các doanh nghiệp FDI được hoạt động hết thời hạn theo nội dung giấy phép nhưng cũng cần tuân thủ quy định pháp luật có liên quan trong quá trình hoạt động.
Phát triển xu hướng "ở lại với Bình Dương"
Ông Nguyễn Thanh Toàn - giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương - cho biết Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 10% (năm 2024 đã đạt 7,48%). Trong đó cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ với mục tiêu dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhiều hơn...
Nhiều ý kiến cho rằng để tạo đột phá thì không chỉ phát triển công nghiệp mà còn phải đẩy mạnh thương mại - dịch vụ, phát triển giáo dục.
Ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết Bình Dương là nơi mà người dân từ nhiều nơi tới làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên cần có các giải pháp để thay đổi nội hàm của cụm từ "đi Bình Dương", không chỉ là để "đi làm", mà còn là để "đi chơi", để hưởng thụ văn hóa.
Nhà báo Xuân Trung gợi ý Bình Dương nên mời gọi đầu tư các khu liên hợp thể thao đa năng, xây dựng những cao tốc kết nối TP.HCM và Bình Dương nhằm rút ngắn thời gian di chuyển để mọi người đến Bình Dương không chỉ đi làm mà còn ở lại và sử dụng thương mại dịch vụ tại Bình Dương.
Thêm 2 cao tốc nối TP.HCM - Bình Dương
Theo UBND tỉnh Bình Dương, ngay trong năm 2025 địa phương sẽ khởi công hai dự án giao thông quan trọng kết nối vùng gồm: cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn Bình Dương.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tiếp nối cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cao tốc này dài hơn 60km, dự kiến có 6 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp, được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Đối với vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn Bình Dương, địa phương này cũng đặt mục tiêu "khởi động" trước các tỉnh thành còn lại.
Bình Dương cũng vừa trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hàng loạt dự án.
Trong đó có các dự án hạ tầng lưới điện với tổng giá trị gần 1.800 tỉ đồng như dự án trạm biến áp 220kV Bến Cát và các đường dây đấu nối, trạm biến áp 220kV Bình Mỹ và đấu nối, dự án liên quan trạm 220kV Tân Định 2.
Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng 360ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cũng vừa được trao chấp thuận chủ trương đầu tư. Bình Dương cũng có hàng loạt dự án nhà ở được tháo gỡ thủ tục với 16 dự án bất động sản nhà ở thương mại được trao chấp thuận chủ trương đầu tư dịp đầu năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận