Thỏa thuận này sẽ chấm dứt một cuộc tranh chấp nảy sinh từ cuộc bầu cử tháng 6-2006 với thắng lợi nghiêng về phía Hamas, mà sau đó biến thành một cuộc xung đột vũ trang, đẩy đại diện của chính quyền Palestine (thuộc Fatah) của Tổng thống Mahmoud Abbas khỏi dải Gaza và dạt sang Bờ Tây vào tháng 6-2007. Từ đó, trên thực tế lãnh thổ Palestine phân thành hai vùng cách biệt không chỉ về địa lý mà cả về chính trị.
Dải Gaza với 1,5 triệu người Palestine này bị bao vây, phong tỏa hoàn toàn. Hamas độc chiếm Gaza và nhanh chóng xây dựng ở đây một thực thể chính quyền độc lập hầu như hoàn toàn với chính quyền Palestine ở Bờ Tây. Đôi bên Palestine trở thành đối địch và luôn đổ lỗi lẫn nhau là “thủ phạm” của tình trạng chia cắt. Mỹ và Israel thường viện cớ tình trạng phân liệt này để xem đó là một trở ngại không thể vượt qua cho mọi hi vọng về một giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine.
Từ hơn một năm rưỡi qua, các cuộc thương lượng giữa Hamas và Fatah đã được tiến hành qua vai trò trung gian của Ai Cập nhằm đi đến hòa giải. Đã hơn một lần nỗ lực của Ai Cập và đôi bên Palestine tranh chấp tưởng chừng thành công, nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở những văn bản dự thảo được sửa đổi hết lần này đến lần khác khiến người ta thậm chí tin rằng vấn đề hòa giải giữa Hamas với Fatah phức tạp chẳng kém gì giải quyết những tồn tại giữa Palestine với Israel!
Bởi thế, tin từ Cairo ngày 27-4 khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, nhất là khi đang bị hút vào những diễn biến dồn dập ở Libya, Yemen và gần đây nhất là Syria. Ngay cả chính quyền Israel cũng cảm thấy đột ngột, ngỡ ngàng.
Vì sao điều bị xem là “không thể” từ nhiều năm qua giờ lại đột nhiên trở thành “có thể”? Có những nguyên nhân rất thời cuộc. Những biến động nghiêm trọng xảy ra tại nhiều nước Ả Rập đã tác động không nhỏ đến người dân Palestine. Nếu không nhanh chóng hòa giải, lãnh đạo Fatah và Hamas có thể sẽ phải đối đầu với làn sóng phản kháng đe dọa chính vai trò cầm quyền của họ.
Mặt khác, những diễn biến dằng dai tại Libya, Yemen khiến lãnh đạo Fatah và Hamas nhận ra rằng nếu cứ trông chờ vào sự bảo trợ của bên ngoài thì không biết đến bao giờ mới hòa giải với nhau được. Một yếu tố thuận lợi nữa là chính quyền mới ở Ai Cập, trong vai trò bảo trợ hòa giải, có quan điểm trung lập và cân bằng hơn đối với cả Fatah và Hamas, không quá thiên lệch về ủng hộ Tổng thống Abbas như thời tổng thống Mubarak.
Fatah cần một vị thế hoàn thiện cho chính quyền của Tổng thống Abbas trên cả hai vùng lãnh thổ Palestine. Còn Hamas thì cần núp “cái ô” chính quyền Palestine để giải thoát Gaza khỏi tình trạng bị bao vây phong tỏa, từ đó củng cố sự tồn tại của chính thể mà họ đang làm chủ tại Gaza. Hòa giải buộc Hamas phải khôi phục vị thế chính trị của chính quyền Palestine tại lãnh thổ Gaza, nhưng có điều chắc chắn là Fatah phải chấp nhận quyền cai trị trên thực tế của Hamas ở lãnh thổ phía tây của Palestine này.
Hòa giải thành công sẽ tạo thuận lợi lớn cho chiến dịch mà chính quyền của Tổng thống Abbas đang tiến hành là vận động Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong khóa họp tháng 9 năm nay bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập trong đường biên giới trước cuộc chiến tranh 1967. Khi chính quyền Palestine đã trở lại một thực thể thống nhất thì đông đảo các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc không còn bị lấn cấn bỏ phiếu ủng hộ nguyện vọng chính đáng này của Palestine.
Việc hòa giải Hamas - Fatah trước mắt còn không ít trở ngại mà nếu không có những nỗ lực thực tâm của các bên Palestine và cộng đồng quốc tế thì không dễ biến thành hiện thực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phản ứng tiêu cực khi cảnh báo Tổng thống Abbas “phải lựa chọn giữa hòa bình với Israel và hòa bình với Hamas”.
Ông Netanyahu nói thẳng “không thể cùng lúc hòa bình với cả hai được”, bởi Hamas “vẫn rắp tâm tiêu diệt Israel và đang nỗ lực thực hiện chủ đích ấy”. Nhà Trắng vốn vẫn xem Hamas là một tổ chức “khủng bố” cũng lên tiếng nhắc nhở mọi chính phủ tương lai của Palestine đều phải từ bỏ bạo lực và thừa nhận nhà nước Israel.
Dù sao việc Fatah và Hamas có thể chính thức hòa giải được là một tin vui cho Palestine và là một điềm lành cho Trung Đông vốn vẫn đang biến động quá phức tạp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận