67 năm đã trôi qua với bao biến động thời cuộc nhưng bà Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh vệ, vẫn rất minh mẫn và nhớ mãi cảm xúc đặc biệt trong mùa đông vệ quốc này.
Kỳ 1: Đêm khởi đầu kháng chiến
Phóng to |
Đây là ngôi nhà ở Vạn Phúc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Từ làng lụa Vạn Phúc
Những ngày quyết tử cuối năm 1946 bà Thuận đã 24 tuổi. Từ nhân viên điện thoại Bưu điện Hà Nội, bà tham gia công tác an ninh, rồi làm mật mã viên.
Thời gian được làm việc gần gũi bên các ông Lê Quang Đạo, Trần Quốc Hoàn, Lê Giản để truyền tải, dịch tin mật, bà được biết rất nhiều vấn đề quan trọng lúc bấy giờ.
Khoảng đầu tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc ở nhà ông Nguyễn Văn Dương tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông trong tình hình Hà Nội đang như chảo lửa, có thể bùng nổ chiến sự bất cứ lúc nào.
Và ngay tại ngôi làng cổ này trong tháng 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để nhân dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu giữ nước khó tránh khỏi.
Bà Thuận kể: “Cuối tháng 11-1946, anh Lê Quang Đạo yêu cầu tôi rời Bưu điện Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới tại Xứ ủy Bắc kỳ. Cùng đi với tôi còn có vài chị khác chuyển về văn phòng của ông Trần Quốc Hoàn, thường vụ Xứ ủy gần pháo đài Láng, sau chuyển về Tây Mỗ khi chiến tranh bùng nổ ...”.
Ký ức của bà Thuận vẫn nhớ chi tiết mình là nhân viên mật mã nên được chính ông Trần Quốc Hoàn cho biết trước giờ nổ súng vào tối 19-12. Rạng sáng hôm sau qua đài phát thanh, bà được nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Bà Thuận và mọi người xúc động nhìn nhau, rồi nhìn ra trời đêm Hà Nội đang đỏ lửa súng đạn...
... Chiến tranh đã lùi xa, những chứng nhân như bà Thuận nay tóc đã bạc màu, nhưng thi thoảng vẫn tìm đọc lại lời hịch non sông này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Tuy nhiên đó là chỉ là bản phục chế dành cho khách tham quan. Nguyên bản gốc hiện đang được gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt trong một két thép theo quy chế bảo vật quốc gia. Phải mất nhiều thời gian thực hiện đầy đủ quy trình nghiêm ngặt của bảo tàng, chúng tôi mới được cho phép tìm hiểu chi tiết bản gốc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Theo ông Đinh Ngọc Triển, trưởng phòng quản lý hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia, giữa tháng 12-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đêm 16-12-1946, bản thảo này được giao cho ông Lê Chí Nam để chuyển sang cho ông Văn (Võ Nguyên Giáp) và ông Nhân (Trường Chinh) xem thêm.
Sau khi chuyển đến và nhận lại bản thảo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến từ ông Võ Nguyên Giáp, ông Lê Chí Nam không thấy có bút tích gì mới. Tuy nhiên, ở chỗ ông Trường Chinh, bản thảo này được bổ sung vài chữ mới viết bằng mực xanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết câu: “Ai cũng phải ra sức chống Pháp, cứu nước”, ông Trường Chinh thêm hai chữ “thực dân”, thành “Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”.
Trong câu “V.N. độc lập muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!” của bản thảo đầu tiên, ông Trường Chinh thêm ba chữ “và thống nhất” thành “V.N. độc lập và thống nhất muôn năm!”. Cuối cùng dưới bản thảo cũng thêm vài chữ “Hà Nội ngày 19-12-1946” và cuối cùng là ba chữ “Hồ - chí - Minh” cùng hai dấu gạch đậm bên dưới bằng bút mực xanh...
Phóng to |
Bản thảo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ảnh: Q.V. |
Phát đi lời hịch non sông
Theo ông Lê Chí Nam, ngay sau đó lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến này được chuyển đến các nhà in và điện đi các địa phương để truyền tới chiến sĩ cùng nhân dân cả nước.
Trong bài viết “50 năm Đài Tiếng nói Việt Nam - Những chặng đường gian nan và kỳ thú”, nhà báo Trần Lâm, nguyên lãnh đạo cơ quan này, cũng kể: “Đêm 19-12 rạng sáng 20-12 có nhân viên giao thông đặc biệt đưa đến văn bản lời kêu gọi kháng chiến toàn quốc của Hồ Chủ tịch để đọc ngay vào buổi phát thanh sáng, trưa, tối mấy ngày liền”.
Trước đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã được lệnh chuyển từ Hà Nội về Hang Trầm ở Chương Mỹ, Hà Tây để vừa chuẩn bị “tiêu thổ kháng chiến” vừa bảo đảm phát thanh không bị gián đoạn vì sự phá hoại của quân Pháp.
Các trường hợp có thể xảy ra dưới bom đạn chiến tranh đều được cán bộ, nhân viên đài phát thanh lên phương án sẵn. Tuy phương tiện thiết bị lúc ấy rất thiếu thốn, nhưng lúc nào đài cũng có hai hệ thống phát riêng biệt để đề phòng. Nếu cơ sở này bị sự cố thì hệ thống kia có thể thay thế ngay tức thì.
Đến nay bà Dương Thị Ngân, nữ phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng tham gia thời điểm lịch sử 1946 đã trở thành người thiên cổ.
Nhưng các kỷ niệm về công việc của bà cùng những tài liệu bà viết vẫn được con cháu dòng họ giáo sư Dương Quảng Hàm này lưu giữ cẩn thận. Con bà, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, tâm sự mẹ ông từng là nhân viên Bưu điện Hà Nội được tuyển làm nữ phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phút trước thời điểm phải chủ động phá hủy khu điện đài ở phố Bạch Mai tối 19-12-1946 không để rơi vào tay quân Pháp, chính bà là phát thanh viên cất lên lời báo hiệu lịch sử: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Tiếng súng đại bác đã nổ ở Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu. Buổi phát thanh phải ngừng ở đây. Xin mời đồng bào đón nghe vào sáng mai như thường lệ”.
Rạng sáng hôm sau, tức ngày 20-12-1946, từ địa điểm mới của Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Ngân là một trong những chứng nhân buổi phát sóng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sóng phát thanh truyền đi, có nơi không nghe được vì chiến sự ác liệt, mất điện, thiếu phương tiện thu thanh, nhưng nhiều nơi vẫn nghe rất rõ lời hịch non sông này.
Bà Bích Thuận xúc động nhớ sau khi nghe lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Hà Nội bừng bừng không khí chiến đấu vệ quốc.
Phụ trách mật mã ở văn phòng ông Trần Quốc Hoàn, chính bà là người đã mã hóa, gửi lời kêu gọi “các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chiến sĩ mặt trận Hà Nội. Và sau đó cũng chính tay bà đã mở mã điện thư của chính ủy Lê Trung Toản gửi lên Chủ tịch nước lời thề tất cả chiến sĩ thủ đô sẵn sàng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Bà Bích Thuận tâm sự mà nước mắt cứ ứa ra. Người nữ mật mã viên năm xưa nay tóc đã bạc phơ nhưng với bà, lời hịch non sông đó vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay ...
________________
Ở trận địa không có điện và thiếu thốn đài thu thanh lúc ấy, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được truyền đến binh sĩ như thế nào? Ký ức đáp lời vệ quốc của các nhân chứng và cả những người phía bên kia chiến tuyến đã tường trình lại những gì?
Kỳ tới: Đáp lời vệ quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận