01/05/2017 11:40 GMT+7

Heo sạch, giá rẻ 'cháy' hàng!

A.LỘC - H.MI - TR.MẠNH
A.LỘC - H.MI - TR.MẠNH

TTO - Chỉ trong ngày đầu tiên mở cửa hàng “mua đắt bán rẻ”, do UBND tỉnh Đồng Nai cùng Sở Công thương, Sở NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai triển khai từ ngày 30-4, hơn 10 tấn thịt heo các loại đã được tiêu thụ sạch.

Người dân mua thịt heo giá rẻ tại điểm bán bình ổn giá thịt heo sạch, do các cơ quan chức năng Đồng Nai tổ chức sáng 30-4 - Ảnh: A LỘC
Người dân mua thịt heo giá rẻ tại điểm bán bình ổn giá thịt heo sạch, do các cơ quan chức năng Đồng Nai tổ chức sáng 30-4 - Ảnh: A LỘC

Dù mua heo hơi cao hơn mức giá được thương lái mua và bán thịt với giá thấp hơn các chợ từ 20-30%, nhưng ban tổ chức chương trình này khẳng định vẫn có lãi.

Quá bất ngờ vì được dân ủng hộ

Khởi đầu chiến dịch “giải cứu” ngành chăn nuôi heo bằng các giải pháp thiết thực, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức “điểm bán thịt heo sạch, an toàn, bình ổn giá” đặt tại cửa hàng bán thực phẩm Thanh Niên (phía trước Sở NN&PTNT Đồng Nai, đường Đồng Khởi, P.Tân Hiệp, TP Biên Hòa), để người dân qua lại khu vực này có điều kiện mua thịt giá rẻ.

Cửa hàng mở cửa từ 6h-18h với giá ưu đãi thấp hơn giá chợ và siêu thị từ 25-40%.

Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, sau lễ khai trương cửa hàng, hàng chục người dân, đại diện cơ quan nhà nước, quân đội đã đến mua thịt heo. Đến khoảng 8h sáng cùng ngày, hơn 3 tấn thịt trong 2 lô hàng đầu tiên đã được bán hết. Đến 15h cùng ngày, trên 10 tấn thịt đã được bán và vẫn chưa ngừng lại.

“Chúng tôi quá bất ngờ với sự ủng hộ của người dân, dù mệt nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục bắt heo để mổ thịt cung cấp cho cửa hàng” - ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến (ngụ P.Trảng Dài) cho biết khi nghe cơ quan chức năng mở điểm bán thịt giá rẻ, tươi, ngon, chị đã đến sớm ủng hộ bà con chăn nuôi.

“Tôi mua 5kg thịt ba rọi với giá 60.000 đồng/kg, thấp hơn 20.000 đồng so với ngoài chợ. Không chỉ giá thấp hơn ngoài chợ từ 20-30% mà thịt lại đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi rất hoan nghênh. Hi vọng chương trình sẽ kéo dài để giúp đỡ bà con chăn nuôi heo” - chị Yến nói.

Tương tự, bà Phạm Thị Don (53 tuổi, ngụ P.Tân Hiệp) mua 0,5kg thịt ba rọi với giá 60.000 đồng/kg và 1,6kg sườn già cùng giá 60.000 đồng/kg. Theo bà Don, so với giá ngoài chợ, thịt ba rọi rẻ hơn 25.000 đồng/kg và sườn rẻ hơn tận 30.000 đồng/kg.

“Tôi thường hay mua hàng ở đây vì gần nhà và thịt có nguồn gốc, sạch sẽ. Nay thấy cơ quan chức năng tổ chức bán thịt heo, giá vừa rẻ lại giúp đỡ bà con chăn nuôi nên tôi hoàn toàn ủng hộ và sẽ tiếp tục mua thịt lâu dài tại đây” - xách bịch đựng thịt heo vừa mới mua trên tay, bà Don cho biết.

Người nuôi heo và người tiêu dùng cùng hưởng lợi

Theo ông Nguyễn Trí Công, không chỉ bán giá thấp hơn 20-30% so với giá chợ, nguồn heo cung cấp cho cửa hàng đều đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, được giết mổ tại một lò giết mổ tập trung ở TP Biên Hòa, có dấu kiểm soát của cơ quan thú y nên người dân không phải lo lắng về vấn đề chất lượng thịt heo.

Hiện giá heo hơi thương lái thu mua dưới 25.000 đồng/kg, nhưng hiệp hội mua với giá 30.000 đồng/kg.

“Tính hết chi phí, chúng tôi vẫn còn lời 5-10%. Điều này cho thấy giá bán lẻ ngoài chợ đang quá cao so với giá heo hơi. Hi vọng với mô hình này, giá bán lẻ ngoài chợ sẽ giảm xuống và giá bán heo của nông dân sẽ tăng lên” - ông Công nói.

Trong thời gian tới, tùy vào nhu cầu của thị trường, hiệp hội tiếp tục mở thêm hai điểm bán khác tại khu phố 5, P.Long Bình và chợ Tân Biên (P.Tân Biên). Sau khi có thông tin hiệp hội tham gia “giải cứu”, nhiều người chăn nuôi đã liên hệ để hỏi về cách thu mua, tiêu chuẩn để được thu mua và các khắc phục nếu có.

Trả lời câu hỏi liệu những trại nuôi khác có heo đến tuổi xuất chuồng, có đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng không phải là xã viên có được ưu tiên tiêu thụ trong đợt này, ông Công cho biết trong hai ngày tới vẫn mua của các xã viên tại H.Thống Nhất, trước khi mở rộng ra các hộ chăn nuôi khác trên toàn tỉnh.

“Chúng tôi không phân biệt giữa xã viên và các hộ chăn nuôi khác. Hầu hết các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn Đồng Nai đã có mã số trang trại, có giấy chứng nhận vệ sinh thú y, môi trường, dịch bệnh. Những hộ này cơ bản đã chăn nuôi tốt, chỉ có vấn đề về giá. Cụ thể, heo VietGAP sẽ được giá cao hơn nhằm có chính sách khuyến khích chăn nuôi heo sạch” - ông Công khẳng định.

Tuy nhiên, mục tiêu của chương trình là để “cứu” đàn heo trong giai đoạn cấp thời chứ không mang tính chất thương mại, sau khi tiêu thụ được rồi sẽ lại bình thường.

“Trong tình hình hiện nay, hi vọng Đồng Nai có cách làm tích cực, khi làm từng bước một chắc chắn thị trường được giải cứu” - ông Công cho biết.

Cần có thêm nhiều mô hình

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ - cho rằng việc Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thu mua với giá cao hơn giá của thương lái, tổ chức giết mổ rồi đưa ra bán thịt với giá thấp hơn giá chợ, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Đây là giải pháp rất tích cực trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy ngay trong ngày triển khai chương trình này, giá heo đẹp tại H.Thống Nhất đã lên mức 28.000 đồng/kg, tăng thêm 3.000 đồng/kg so với ngày trước đó.

Tuy nhiên theo ông Ngọc, nếu chỉ có vài điểm bán, lượng tiêu thụ không đáng là bao so với tổng lượng heo đang đến tuổi xuất chuồng. Do đó, chính quyền các địa phương nên tạo cơ chế để các chủ trang trại lớn có thể đem heo đến các lò mổ, có sự kiểm soát của thú y rồi đưa thịt heo trực tiếp ra các chợ lẻ và điểm bán mà địa phương quy định.

“Với cách làm này, lượng thịt heo đưa ra thị trường sẽ nhanh và nhiều hơn, người dân nhiều khu vực khác nhau có thể tiếp cận được nguồn thịt heo giá rẻ nhanh hơn” - ông Ngọc đề xuất.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi - gợi ý rằng người tiêu dùng có thể ủng hộ nông dân bằng cách mua nhiều thịt heo để làm chà bông.

“Các loại sườn non, chân, đầu thường được bán hết rất nhanh trong khi thịt nạc (thăn và thịt đùi) lại bán chậm nên tiểu thương không dám mua nhiều. Nếu mỗi gia đình mua 10kg thịt nạc về làm chà bông sẽ góp phần tăng lượng heo giết mổ, giảm áp lực nguồn cung” - ông Bình nói.

Ngoài ra, theo ông Bình, người chăn nuôi không nên bán tháo heo đến trọng lượng xuất chuồng, càng gây áp lực lên nguồn cung.

Thay vào đó, để heo không tăng ký nữa và giảm chi phí thức ăn, người dân có thể chuyển chế độ cho ăn từ cám công nghiệp sang thức ăn giàu năng lượng (bắp hoặc lúa mì). Khi đó, heo không những không tăng trọng mà còn có thể giảm béo, chất lượng thịt heo tăng lên.

“Cách làm này cũng có thể áp dụng cho heo đã quá 100kg” - ông Bình nói.

Nuôi heo gia công cũng gặp khó

Tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm - một trong những vùng chăn nuôi heo tập trung nhiều nhất của tỉnh Khánh Hòa, nhiều người nuôi heo gia công cho Công ty CP chăn nuôi CP VN đang “khóc ròng” do heo đã quá lứa nhưng chưa được xuất chuồng.

Ông Lê Văn Hải, một chủ trại hơn 1.000 con heo nuôi gia công cho Công ty CP, cho biết thông thường chỉ nuôi từ 4,5-5 tháng heo sẽ được Công ty CP cho xuất chuồng, người nuôi gia công được thanh toán 1.700 đồng/kg heo hơi tăng trọng.

Thế nhưng hiện nay, nhiều đàn heo đã bị quá lứa, được nuôi đến 7-8 tháng nhưng Công ty CP vẫn chưa chịu nhận heo, trong khi đây là giai đoạn heo rất chậm tăng trọng dù ăn nhiều hơn, nguy cơ dịch bệnh cũng cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Công - giám đốc chi nhánh Công ty CP tại Khánh Hòa - cho biết ở tỉnh đang có khoảng 160 trang trại nuôi heo gia công cho CP, với tổng đàn heo khoảng 110.000 con.

Trong đó, số heo thịt đang bị tồn khoảng 20.000 con (khoảng 125kg/con), một số đàn heo đã được nuôi 7-8 tháng, cả Công ty CP và người nuôi đều lỗ. Tuy nhiên theo ông Công, phía CP chỉ hi vọng “người nuôi heo đồng cam cộng khổ, chia sẻ với Công ty CP chứ chưa có cách nào khác”.

PHAN SÔNG NGÂN

Kêu gọi mở thêm nhiều điểm bán

Có mặt trong buổi khai trương cửa hàng bán thịt heo giá rẻ, ông Võ Văn Chánh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho rằng việc mở các điểm bán thịt bình ổn giá không chỉ giúp người chăn nuôi tiêu thụ được heo mà người tiêu dùng cũng được mua thịt heo sạch với giá rẻ.

Tuy nhiên theo ông Chánh, để chương trình lan tỏa rộng, góp phần giải cứu ngành chăn nuôi heo Đồng Nai, các huyện và thị xã trên địa bàn cần phối hợp cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và các sở ngành để mở thêm nhiều điểm bán thịt heo bình ổn giá tương tự.

A.LỘC - H.MI - TR.MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên