14/08/2020 09:16 GMT+7

Hẻm Sài Gòn - Những đời nngười - Kỳ 6: Mùi cà phê hẻm chợ Phùng Hưng

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Hẻm chợ Phùng Hưng nằm trong khu buôn bán sầm uất nhất khu "Đèn Năm Ngọn" của đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Nơi đây có một quán cà phê vợt cha truyền con nối đã song hành cùng hẻm chợ Phùng Hưng này gần cả trăm năm.

Hẻm Sài Gòn - Những đời nngười - Kỳ 6: Mùi cà phê hẻm chợ Phùng Hưng - Ảnh 1.

Bà Chung Ngọc Liên rang cà phê thủ công bằng chiếc lò đã hơn 60 năm của gia đình - Ảnh: LÊ VÂN

Cả đời tôi đã sống chết với nghề ba để lại, đó cũng là điều mãn nguyện mà mình không phải hối tiếc dù mai sau quán có thất truyền.

Cô CHUNG HOÀNG

Thức cùng hẻm chợ

Hẻm Phùng Hưng chỉ dài chừng 690 mét, một đầu là đường Hồng Bàng, đầu kia dẫn ra đại lộ Võ Văn Kiệt. Trong cuốn Đất Gia Định xưa, nhà văn Sơn Nam viết: Đất Chợ Lớn xưa tập trung ở vùng "Đèn Năm Ngọn" - nơi có tháp đèn cổ xưa nay còn ở ngay giữa ngã tư Phùng Hưng - Trần Hưng Đạo, quận 5. 

Vùng này xưa sáng đèn từ khuya đến lúc bình minh. Giới thương gia thường tụ tập để định giá các mặt hàng qua lại buôn bán ở vùng này. Hoặc là nơi để tư sản người Hoa mời mọc quan chức Pháp - Việt để tiếp đãi, đền ơn.

Vì vậy ngay trong hẻm Phùng Hưng này, một khu chợ sầm uất bậc nhất đất Gia Định xưa đã ra đời ngót nghét gần trăm năm nay. Giữa con hẻm nổi tiếng với khu ăn uống của tư sản người Hoa xưa, có nhiều gia đình người Hoa di cư sang khu Chợ Lớn này mưu sinh bằng nghề "kẻ chợ" - bán buôn những hàng quán bình dân cho người lao động nghèo từ xưa đến nay vẫn giữ lửa nghề qua nhiều đời con cháu.

Trở lại nhịp sống thế kỷ 21, cứ tầm 2h sáng mỗi ngày, quán cà phê vợt Ba Lù đã mở cửa rộn ràng cùng những người buôn bán ở chợ. Quán cà phê mang dấu ấn thời gian này đã thức ngủ cùng nhịp sống của hẻm chợ cũng đã gần trăm năm.

Ông Trần Bạch Hỷ là vị khách từng trải qua ba đời chủ ở cà phê vợt Ba Lù này, tận từ thời ông chủ của ông Ba Lù. Nay dù đã 95 tuổi, ông Hỷ vẫn không bỏ được thói quen bắt đầu buổi sáng tỉnh táo bằng một ly cà phê sữa ở quán cà phê xưa cũ đã gắn nhiều ký ức đời mình.

"Cà phê xưa giờ ở đây pha bằng vợt, phải uống nóng mới đúng vị, cảm được cả vị thơm của hương cà phê và hương bơ Pháp trăm năm, hương rượu đế nhè nhẹ..." - ông Trần Bạch Hỷ vừa nhâm nhi ly cà phê vừa nhẹ nhàng nói về vị cà phê mà ông đã mê uống từ thời còn niên thiếu.

Ngược dòng thời gian, từ thời Pháp thuộc, ông Ba Lù tên thật là Lâm Thiệu Điện từ đảo Hải Nam, Trung Quốc, di cư sang khu người Hoa ở Chợ Lớn này để khởi nghiệp. Ban đầu, ông chỉ phụ quán cà phê cho một ông chủ người Hoa mang nghề rang, xay và bán cà phê sang Việt Nam mưu sinh. 

Nhà ông chủ của ông Ba Lù thời ấy không thiếu con, nhưng người Hoa nhìn người bằng ý chí. Thấy anh Ba Lù thời đó chăm chỉ, sáng dạ, ông chủ người Hoa đã để lại cái nghề gia truyền cho người làm thuê mà ông hết mực tin yêu. Từ ấy, ông Ba Lù giữ lửa nghề như giữ cái lò quý rang xay cà phê đã gần trăm năm của gia đình người chủ cũ. Và sau này, quán cà phê ông Ba Lù được truyền lại cho cô con gái thứ của ông là Chung Hoàng.

Trước năm 1975, cả nhà ông Ba Lù cùng nhau mưu sinh ở chợ Phùng Hưng bằng nghề bán cà phê thủ công theo bí quyết gia truyền. Đất nước hậu chiến là thời kỳ "ngăn sông cấm chợ", cả con hẻm chuyển sang bán hàng ăn, cà phê chỉ được "bán chui".

Sau Đổi mới, cà phê ông Ba Lù mở lại, cả hẻm chợ Phùng Hưng cứ mỗi sáng sớm, chiều tối lại ngào ngạt hương cà phê vợt bí truyền từ rang xay đến pha nấu. Nghề cà phê đã nuôi khôn lớn cả chục người trong đại gia đình ông Ba Lù sau khi ông khuất núi. Và người con gái được ông Ba Lù yêu thương nhất cũng là cô Chung Hoàng, người đứng ra gánh vác gia nghiệp ông để lại đến giờ.

Hẻm Sài Gòn - Những đời nngười - Kỳ 6: Mùi cà phê hẻm chợ Phùng Hưng - Ảnh 3.

Anh Chung Quốc Hùng, người em trai út, pha cà phê vợt cho khách - Ảnh: LÊ VÂN

Mai sau còn có cà phê ông Ba Lù?

Ngôi nhà cổ có tuổi đời xấp xỉ bằng con hẻm chợ Phùng Hưng của ông Ba Lù đến nay vẫn còn nguyên vẹn, là nơi thờ cúng của gia đình. Bà Chung Ngọc Liên (64 tuổi), con gái đầu của ông Ba Lù, vẫn ngủ tại chiếc giường kê sát tường, phía trên là tấm ảnh gia đình mình đã bám bụi thời gian. 

Bà kể lại: "Nhà chỉ rộng chừng 1 mét, nhưng được cái dài tới 60 mét nên cả đại gia đình, bao gồm 13 người nhà tôi, thêm vài người họ hàng ở chung buôn bán hủ tiếu trong chợ Phùng Hưng này là gần 20 người. Nằm xếp lớp dài dằng dặc từ đằng trước ra đằng sau như vậy đó".

Gần trăm năm qua, cà phê Ba Lù ở hẻm Phùng Hưng vẫn giữ nguyên công thức rang xay thủ công bằng lò sắt, củi lò, quay tay để rang cà phê. Đây là chiếc lò rang cà phê đời thứ hai ở cà phê Ba Lù, được một người thợ sắt lành nghề trên đường Nguyễn Trãi quận 5 làm cho. Nhưng đến nay thì người thợ ấy cũng đã hơn 95 tuổi, lò rang này hầu như cũng không còn ai làm nữa.

Ở quán Ba Lù, hiện chỉ còn bốn chị em cùng nhau rang, xay và bán cà phê. Cô Chung Hoàng quản lý chung, người em trai Chung Thời Quang và cô Chung Ngọc Liên lo phần rang xay bằng chiếc lò rang thủ công gia truyền hằn dấu thời gian. Người em thứ tám Chung Quốc Hùng thì pha cà phê và bán ở quán.

"Mỗi tháng rang khoảng 4 mẻ cà phê hạt gần 100kg. Rang rồi xay để bán cà phê bột và bán ở quán. Bơ để rang cà phê là loại bơ Pháp từ thời ông chủ của ba tui truyền lại, hãng bơ này cũng hơn 100 tuổi rồi, nhưng phải đúng bơ này thì cà phê mới đúng kiểu công thức ông Ba Lù" - anh Chung Thời Quang vui vẻ chia sẻ về công việc rang xay cà phê của mình.

"Quán mở sớm từ 2h sáng đến 6h tối, mấy chị em chia nhau ra làm để luân phiên nghỉ lấy sức" - anh Chung Quốc Hùng, người trẻ nhất trong đại gia đình ông Ba Lù rành cả ba thứ tiếng: Anh, Hoa, Việt đang đứng quán bán, kể chuyện.

Đến đời cô Chung Hoàng thì chỉ còn người em trai kế cô là anh Chung Quốc Hùng yêu thích và muốn làm nghề cà phê. Con cháu trong nhà lớn lên cũng ra đi làm công ty hay mở mang làm ăn riêng. 

Cô Chung Hoàng nói trong bùi ngùi xúc động: "Dù mai này không ai bán cà phê ông Ba Lù thì vẫn còn câu chuyện để kể cho con cháu. Rằng có ông Ba Lù đã khởi nghiệp và truyền nghề cho con cháu mình. Còn sau này hết đời mình chắc thất truyền quá, rang xay thủ công nên cực lắm, lại dậy sớm thức khuya, nếu không thương cái nghề thì chẳng bao giờ theo được".

Sài Gòn buổi sáng đông vui. Tôi ngồi lặng nghe cô Chung Hoàng tâm sự trong không gian ngào ngạt mùi cà phê...

"Xưa con hẻm chợ này toàn thương gia giàu có bậc nhất khu Chợ Lớn, con cháu họ trải qua nhiều thăng trầm lịch sử giờ vẫn giữ lại nghề bán buôn gia đình. Như quán cà phê vợt của ông Ba Lù này, tôi là khách quen từ thời ông chủ quán còn làm thuê" - ông Trần Bạch Hỷ, 95 tuổi, cư dân hẻm Phùng Hưng, quận 5.

____________________________

Kỳ tới: Trở lại hẻm "dữ"

Có những con hẻm một thời không người lạ nào muốn lạc bước vì sợ tiếng tai "đất dữ", nhưng bây giờ đã đổi thay...

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 5: Hẻm thiền giữa Sài thành Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 5: Hẻm thiền giữa Sài thành

TTO - Nhiều người gọi hẻm 498 đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp là 'hẻm thiền' vì trong cùng một con hẻm nhỏ mà có tới bốn ngôi chùa trầm mặc. Bước chân vào đây, người ta thấy như lạc vào thế giới khác biệt với cuộc sống quay cuồng, ồn ào bên ngoài.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên