12/08/2020 12:06 GMT+7

Hẻm Sài Gòn - những đời người - Kỳ 4: Hẻm Ông Tiên

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Suốt nhiều năm, hẻm 96 Phan Đình Phùng (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) được người dân quen gọi là hẻm Ông Tiên, bởi có người nơi này đã giúp bao phận đời nghèo khó ngày ra đi...

Hẻm Sài Gòn - những đời người - Kỳ 4: Hẻm Ông Tiên - Ảnh 1.

Người qua đường ghé uống nước ở đầu hẻm Ông Tiên - Ảnh: D.QUÍ

Có hôm, tôi phải chạy tới chạy lui giúp 3 đám tang. Tôi đi từ 3h chiều hôm trước, xong xuôi hết thì chạy xe về tới tiệm là 4h sáng hôm sau và dựa tường ngủ ngồi luôn.

Ông ĐỖ VĂN ÚT

Hẻm nhỏ rộng tình người

Ngay đầu hẻm nhỏ này còn nhiều dịch vụ từ thiện như vá xe, thay ruột xe miễn phí cho người khuyết tật, trà đá cho người đi đường, phát cơm và tủ thuốc cho người nghèo. Chủ nhân của những hình ảnh đẹp này chính là ông Đỗ Văn Út (57 tuổi).

Vừa trở về sau nửa ngày đi giúp một đám tang ở Q.Bình Thạnh, lau mồ hôi trên mặt, ông Út gọi ly cà phê đá uống cho tỉnh người. Ông bảo mình không mệt, mấy chục năm qua đã quen rồi. Rồi những ký ức con hẻm xưa lại trở về trong đầu, ông bắt đầu kể chuyện đời hẻm, đời người...

Con hẻm 96 này ngày xưa vốn là nơi trú ngụ của những mảnh đời nghèo khó, dân tứ xứ đổ về đây ăn ở, mưu sinh, tạo dựng nên khu nhà sàn ven kênh Nhiêu Lộc (nay là đoạn đường Trường Sa, Q.Phú Nhuận). Sống bên dòng kênh ô nhiễm, người dân hay mắc bệnh nhưng không có tiền chạy chữa.

Thuở ấy, nơi này có một ông thầy thuốc người Hoa khám bệnh và bốc thuốc đông y. Thương dân nghèo, ông chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người khó khăn. Về sau, để nhớ ơn ông, người dân gọi hẻm 96 này là hẻm Ông Tiên. Cái tên thân thương ấy được nhiều người gọi suốt hơn 45 năm qua.

"Nhiều khi hỏi đường tới hẻm 96, người ta không biết, mà nói hẻm Ông Tiên là biết ngay" - ông Út cười kể.

Ngày ấy, con hẻm này rất nhỏ, chỉ vừa đủ một chiếc xích lô chạy vào. Những năm 1990 sang thập niên 2000, kênh Nhiêu Lộc được cải tạo lại, bờ kè Trường Sa được dựng lên. Hẻm nhỏ bắt đầu thay da đổi thịt.

Dãy nhà sàn cũ nát năm nào giờ thay bằng những ngôi nhà lầu mọc lên san sát nhau. Hẻm không dài, nhưng có mấy ngã rẽ bên trong thông ra hai đường Phan Đình Phùng và Trường Sa (Q.Phú Nhuận) với nhiều hàng quán...

Những người rời xa năm nào tìm về, nhưng diện mạo hẻm chẳng còn như xưa. Họ chỉ nhớ mang máng hẻm nhỏ nằm cạnh bờ kênh. Thấy vậy, ông Út quệt trước hẻm dòng chữ "hẻm Ông Tiên" để chỉ đường cho bà con nhận ra ngay.

Ông Út kể mình sống ở đây từ nhỏ, thời trẻ làm đủ nghề để kiếm sống nên thấu hiểu cảnh đời bà con nghèo xóm mình.

"Cơ duyên đưa đẩy chứ lúc đầu tôi không có ý định làm đâu. Hồi đó, mỗi lần có người nghèo mất, tôi hay tới phụ giăng bạt, mua giúp áo tang, rồi làm đơn gửi tổ trưởng khu phố để xác nhận hoàn cảnh, gọi điện xin hòm từ thiện. Tôi làm vài lần rồi một trại hòm ở Q.Gò Vấp nói có ai nghèo mất thì gọi để họ cho hòm, khỏi thủ tục gì hết.

Mới đầu xin được hòm nhỏ thôi, sau này họ lấy cả hòm bán đem cho" - ông Út kể và cho biết tấm bảng "Trợ táng và tặng áo quan miễn phí cho gia đình khó khăn. Phục vụ 24/24 kể cả ngày lễ, tết và chủ nhật" được giăng lên từ đó.

Hẻm Sài Gòn - những đời người - Kỳ 4: Hẻm Ông Tiên - Ảnh 3.

Ông Út thật bình dị và giúp được nhiều mảnh đời khốn khó - Ảnh: DIỆU QUÍ

Làm từ thiện phải kiên trì

Ông Út không nhớ đã giúp bao phận đời có một đám tang trọn vẹn. Đầu năm đến giờ, ông đếm cũng cỡ 20 người. Hẻm 96 hồi đó nhiều người nghèo, ban đầu ông chỉ giúp bà con ở đây, rồi dần việc thiện lan đến các quận lân cận, ngoại thành...

"Vừa rồi, tôi mới giúp hai đám ở Q.12 và Hóc Môn. Bây giờ hễ ai biết số điện thoại gọi xin là tui cho hết. Nhiều khi nửa đêm, mưa gió nghe điện thoại báo có người nghèo mất là tôi chạy đi liền. Có người hoàn cảnh khó khăn, dù chưa mất, họ đã gọi điện xin hòm trước để lo liệu. Giờ đang ngồi nói chuyện mà lỡ có điện thoại là tui cũng đi liền, hẹn khách được chứ sao hẹn người mất được", ông cho biết.

Nhìn lại cuộc đời, ông Út thấy lòng nhẹ nhàng. Ông bảo thời gian của mình giờ giao cho bá tánh hết. Chẳng mong được trả ơn, ông chỉ cầu cho bản thân đủ sức khỏe để tiếp tục giúp người.

"Có lần tôi lo đám xong, người nhà họ đưa mình bao thư. Tôi cảm ơn nhưng trả lại. Bao thư đó với tôi vô nghĩa lắm, trong đó có 1-2 triệu xài cũng hết mà cái tình nghĩa nó không còn. Người ta nghèo, mình giúp còn không hết" - ông Út trải lòng.

Tuy nhiên, không chỉ chuyện ma chay, ông Út còn vá xe miễn phí cho người khuyết tật từ năm 1998. Và hơn 15 năm nay, ông thay tặng luôn ruột xe.

"Người ta tật nguyền, phải bươn chải kiếm từng đồng ở đất Sài Gòn này để nuôi thân, nuôi gia đình là điều đáng quý rồi. Mình có cơ hội dùng cái nghề sửa xe này để giúp họ đỡ được phần nào thì sao không làm" - ông già hào sảng tâm sự.

Năm 2012, ông Út tiếp tục làm chuyện "bao đồng" khi làm thêm bình trà đá nhà làm với hai cái ly bằng inox để đầu hẻm, ai đi qua khát nước cứ việc uống thoải mái. Mùa nắng nóng, cứ 30 phút là ông phải châm thêm nước, mỗi tháng tốn mấy trăm ngàn tiền đá, tiền trà mà thấy bà con "đã khát" là ông vui rồi.

Ngay phía trên tường chỗ ông sửa xe có một tủ thuốc do ông và nhà hảo tâm cùng đóng góp, trị một số bệnh thông thường như cảm ho, trúng gió, nhức đầu, đau răng, tiêu chảy, hay bông băng thuốc đỏ. "Cái tủ nhỏ mà... có võ" ấy đã giúp bao người nghèo khó đỡ tiền thuốc thang.

Làm gì cũng phải có sự kiên nhẫn! Ông già trầm giọng: "Từ thiện phải có cái tâm và kiên trì, khó đó chứ không dễ đâu à". Thời gian đầu, mỗi lần nghe điện thoại báo tin có người mất là ông lại bỏ tiệm sửa xe để chạy đi giúp, có khi vài tiếng, khi hơn nửa ngày trời nên nhiều người nói ông được trại hòm cho tiền, cần gì khách sửa xe.

"Tôi không buồn, người ta không hiểu mình nên mới nói vậy. Tôi làm để giúp người giúp đời, chứ chẳng vụ lợi gì hết. Giờ mình giận hờn không làm, người nghèo họ cần mà mình bỏ thì tội người ta lắm" - vừa nói, ông vừa ra coi bình nước miễn phí đã vơi chưa.

Chạy ngược xuôi làm thiện nguyện cả ngày nhưng ông Út rất ít ăn uống gì ở đó. "Lúc mình làm việc nhiều khi người ta không thấy, đến lúc mình ăn cơm người ta thấy lại nói "ổng vô xạo xạo để ăn thôi". Phải giữ tự trọng của mình" - ông trầm giọng tâm sự.

Ông Út hiện thuê trọ sống một mình ở hẻm kế bên sau khi bán căn nhà cũ ở hẻm 96 và chuyển về Hóc Môn thời gian dài. Gần 10 năm nay, ông làm thêm nghề xe ôm để có đồng ra đồng vào trang trải bản thân và giúp người nghèo.

"Khi tôi chạy xe ôm hoặc lo làm từ thiện bên ngoài thì giao tiệm sửa xe lại cho hai thằng đệ tử trông coi, lúc nào tôi có mặt thì tôi làm với tụi nó. Mỗi ngày cũng kiếm được hai, ba trăm ngàn. Tiền kiếm được khi đủ khi thiếu, nhưng chủ yếu giúp người ta là chính" - ông nói.

Chào ông Út, tôi lại lang thang vào hẻm nhỏ Ông Tiên. Nó cũng bình thường như bao hẻm Sài Gòn khác mà sao tôi lại thấy nó thật đẹp. Có lẽ vì ở đây có những con người giản dị và thật dễ thương...

Cho đi để nhận lại

Hỏi không sợ lỗ vốn, hết tiền hay sao, ông già cười đáp: "Mình không giàu thì giúp theo kiểu không giàu. Không cần người trả ơn nhưng tôi tin là mình bỏ ra cái này sẽ được cái khác. Lo mấy đám đầy việc, chạy đi chạy về mấy chục cây số, ăn ngủ không được, mà sao người tôi cứ tỉnh bơ, khỏe ru trong khi tôi đã gần 60 tuổi rồi".

Hiếm con hẻm nào có nhiều chùa như hẻm này. Người dân ở đấy như sống trong cảnh thiền.

Kỳ tới: Hẻm thiền

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 3: Tình thân ở hẻm nghèo Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 3: Tình thân ở hẻm nghèo

TTO - Nghèo lắm! Mấy chục năm sau, lứa trẻ chúng tôi lớn lên ở khu chăn nuôi vẫn nhắc những điều khó quên này. Với những đứa trẻ hẻm nghèo hồi đó, ngã tư Bảy Hiền như 'trung tâm thành phố'.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên