11/08/2020 14:28 GMT+7

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 3: Tình thân ở hẻm nghèo

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Nghèo lắm! Mấy chục năm sau, lứa trẻ chúng tôi lớn lên ở khu chăn nuôi vẫn nhắc những điều khó quên này. Với những đứa trẻ hẻm nghèo hồi đó, ngã tư Bảy Hiền như 'trung tâm thành phố'.

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 3: Tình thân ở hẻm nghèo - Ảnh 1.

Các con đường đất đá lầy lội ngày trước ở khu chăn nuôi đã được sửa sang đẹp đẽ - Ảnh: QUỐC VIỆT

Hồi đó còn nghèo lắm nhưng nhà nào trong hẻm cũng thân thiết như bạn bè. Nhà này có chuyện gì, nhà kia biết ngay để cùng mừng hay sẻ chia nỗi buồn cho nhau.

Bà Trần Thị Phương (cư dân hẻm Hiệp Nhất)

"Ra ngã tư Bảy Hiền coi tivi, đang có phim Maika, tụi bay ơi". Tôi nhớ mãi đám trẻ hẻm nghèo khu chăn nuôi (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) rất thân thiết với nhau và có niềm vui này mỗi tối. Đó là những năm cuối thập niên 1970 sang nửa đầu thập niên 1980, rất hiếm nhà nào khu vực này có tivi. Lác đác một vài nhà còn cái trắng đen thì phải vừa xem vừa... đấm vào thùng tivi để nó chịu lên hình.

Những ngày khó quên

Nghèo lắm! Mấy chục năm sau, lứa trẻ chúng tôi lớn lên ở khu chăn nuôi vẫn nhắc những điều khó quên này. Với những đứa trẻ hẻm nghèo hồi đó, ngã tư Bảy Hiền như "trung tâm thành phố". 

Tối tối các cửa tiệm bán tivi ở đó (ban đầu là tivi trắng đen, sau mới có tivi màu trong thùng gỗ cũ của Nhật) hay mở. Và lứa nhỏ tụi tôi túa ra đó đứng tròn mắt xem ké hết phim Maika lại đến Đi tìm thuyền trưởng Grant... 

Ban ngày không xem tivi, chúng tôi còn một niềm vui khác là dắt díu nhau ra chợ Tân Bình để leo cầu thang. Cái thời mới bán đồng hồ điện tử bằng nhựa, đứa nào cũng thèm "nhễu nước miếng" nhưng chẳng cha mẹ nào có tiền mua cho con.

Phải hơn cả chục năm sau 1975, các con hẻm nhỏ, kể cả trục đường Hiệp Nhất, Tự Lập, Hòa Hiệp, Tân Khai vẫn còn lổm nhổm đất đá. Khuất sau cảnh nghèo khó dễ nhìn thấy của đa số nhà cửa đều vá chằng vá đụp bằng tôn, ván, giấy dầu, bạt nhựa, chúng tôi còn những kỷ niệm sẽ theo mình tới già. Nhà tôi ở dãy hẻm 1200 sau lưng đường Hiệp Nhất. 

Gia đình tôi cũng nghèo xác xơ, nhưng mẹ tôi chịu khó đạp xe, chạy "chợ trời" An Đông nên có đồng ra đồng vào. Và thế là nhà tôi như cái khạp gạo "phòng đói" cả xóm. Mỗi tuần ít nhất cũng vài hàng xóm cặp rá sang mượn gạo, kể cả mượn... nửa chén nước mắm về dầm ớt ăn cơm.

Tiếng là cho mượn, chứ thật ra là cho, vì có mấy người trả lại đâu. Hầu hết những người chạy ăn từng bữa này đi kinh tế mới về, đạp xích lô mưu sinh. 

Hẻm tôi ở, chỉ một vài nhà có con gái làm công nhân xí nghiệp dệt Thành Công, đồng lương ổn định chút xíu vẫn được xem là "quý tộc" cả xóm. Tuy nhiên, cư dân hẻm vẫn đầm ấm tình thân. Người đầu hẻm, kẻ cuối hẻm đều thân thiết, sẻ chia với nhau, chứ không sống biệt lập như bây giờ.

Từ khoảng năm 1970, khu chăn nuôi đã có nhiều con hẻm, nhưng sau này tôi vẫn nhớ nhất là các hẻm thủy đài ở đường Tự Lập, hẻm trại chăn nuôi Hiệp Nhất, hẻm chùa Di Đà ra kênh Nhiêu Lộc, hẻm 60 của Việt kiều Campuchia về, hẻm sau lưng Trường Nguyễn Thượng Hiền. 

Ký ức tôi sẽ không thể nào quên một số nhà có khoảnh sân trước, và nhà nào có dây mơ leo là y như rằng gốc Bắc. Nhà tôi cũng một dây mơ leo phía trước và hay bị bọn trẻ ghẹo "lá thúi đ...". Nhiều người Bắc vào từ hồi di cư 1954 mưu sinh bằng nghề "chạy chợ". 

Họ ra chợ Ông Tạ, chợ khu B, chợ Tân Bình gần đó để buôn bán lặt vặt. Những người Bắc đến sau năm 1975 đa số làm công nhân viên chức. Còn bà con Việt kiều từ Campuchia về hoặc dân đi kinh tế mới dạt lên thường có cuộc sống bấp bênh nhất...

Trong lúc người lớn quay quắt kiếm miếng cơm manh áo thời khó khăn hậu chiến, đám trẻ chúng tôi lại có nhiều trò vui tự do. Cuối chùa Di Đà là con hẻm nhỏ xíu trổ thẳng xuống kênh Nhiêu Lộc. 

Những năm đầu 1980, đoạn kênh chỗ này còn có những tảng đá lớn để chúng tôi băng qua bên kia khu Hoàng Việt với những căn nhà khang trang, khách sạn lộng lẫy thời bấy giờ. 

Nhiệu Lộc ngày đó còn đầy nhà cao cẳng và cầu tõm, nhưng sau cơn mưa cuốn trôi chất thải, nước kênh vẫn còn khá trong. Đám trẻ hay bì bõm dưới ấy, bắt cá bảy màu, vớt trùn chỉ. Chúng tôi cứ đi xuôi xuống đến gầm cầu Ông Tạ thì bắt được cả những con cua nhỏ trốn trong hốc đá.

Một thời Sài Gòn cúp điện triền miên. Những căn nhà tôn xập xệ nóng hầm hập. Đám trẻ chúng tôi hay lang thang ra sau Trường Nguyễn Thượng Hiền mà lúc ấy vẫn còn nhiều cây lớn tỏa bóng mát và các ao vũng nước. Loanh quanh, chúng tôi đã vớt được cả thau ốc bươu làm nồi luộc ngon lành cho trẻ nghèo...

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 3: Tình thân ở hẻm nghèo - Ảnh 3.

Hẻm nhỏ ở trại chăn nuôi (trại bên phải) giờ là nhà cửa khang trang của dân ở - Ảnh: Q.VIỆT

Tivi, xe máy vào hẻm nghèo

Tôi nhớ không lầm thì khoảng từ năm 1985-1986, các con hẻm nghèo khu chăn nuôi cũng chầm chậm đổi thay theo tình hình đất nước. 

Mẹ tôi từ người chạy "chợ trời", quen dần mối lái, đã tập tành cắt may đồng phục nữ sinh. Đồ bán chạy, mẹ tôi gọi thêm vài cô hàng xóm lấy vải về nhà may phụ, kiểu như "may gia công" sau này.

Những chiếc váy được mẹ tôi bỏ mối ở chợ An Đông, chợ Tân Bình, sau có cả người buôn ở Hà Nội đặt xe lửa chở ra. Bếp nhà tôi bắt đầu dậy mùi thịt cá thường xuyên từ dạo ấy. 

Một buổi tối, mẹ tôi gọi người chở về chiếc tivi màu cũ của Nhật mà hồi đó hay gọi là "hàng nội địa" nằm trong cái thùng gỗ to đùng. Những đứa trẻ tối tối quây quần ở nhà tôi, không còn phải lò mò ra ngã tư Bảy Hiền xem ké tivi các cửa tiệm nữa.

Tuy nhiên, trong dãy hẻm sau lưng đường Hiệp Nhất này, căn nhà xây khang trang đầu tiên không phải của mẹ tôi, mà là ông Long hàng xóm. Ông làm kỹ thuật một lò gốm, nhưng tiền xây nhà được cho là trúng số. Căn nhà một lầu, mái đúc sân thượng, có cửa kính sang trọng nhất xóm lúc bấy giờ. 

Thời gian sau, căn nhà kế bên cũng được xây lớn với chủ là một cô gái lấy chồng người Đài Loan. Chẳng hiểu cô có phải là một trong những phụ nữ Việt đầu tiên lấy chồng Đài Loan sau năm 1975. 

Nhà tôi ở giữa hẻm cũng được sửa sang, nhưng điều kiện của mẹ tôi chỉ có thể xây cất chắp vá nhiều lần. Dù chỉ gác suốt, mái lợp tôn, nhưng sự xuất hiện thêm "căn nhà lầu" này cũng góp phần đổi thay bộ mặt hẻm nghèo...

Gần nhà tôi, những con hẻm khác của khu chăn nuôi cũng dần dần đổi thay. Cuộc sống người dân khá lên ban đầu thể hiện ở những thứ rất nhỏ như mua thêm được cái quạt máy Liên Xô, cái bàn ủi điện, tủ lạnh một ngăn cũ, sau đó là thêm nhiều tiếng tivi, cassette, đầu băng chiếu phim. 

Tôi nhớ cư dân xóm hẻm đã chộn rộn hẳn lên khi ngày nọ có người hàng xóm pạch pạch chạy xe máy về dựng trước cửa. Những chiếc xe rất "nát" so với thời nay như chiếc Honda Dame cũ kỹ hay "xe bãi" (xe máy cũ được nhập về bán ở biên giới) mà là mơ ước của bao người.

Đầu những năm 1990, các con đường ở khu chăn nuôi bắt đầu được trải nhựa. Những con hẻm nhỏ như hẻm Hiệp Nhất tôi ở cũng được người dân góp tiền đổ bêtông. Khu chăn nuôi một thời nghèo khó, luộm thuộm dần sạch đẹp hơn. 

Tôi nhớ ngày dẫn được đường ống nước máy vào nhà, ai cũng mừng vui. Qua rồi cái thời chiều chiều túm tụm bên những cái giếng đào lờ nhờ màu vàng đục.

Và sự đổi thay lại tiếp tục khi những chiếc xích lô (sau này là xe máy ôm) dần biến mất ở hẻm nghèo...

Những hàng xóm đặc biệt

Tôi nhớ nhà mình có những hàng xóm rất lạ. Có những chú cứ thỉnh thoảng lại biến đi đâu mất khá lâu, rồi lại xuất hiện với cái đầu trọc lóc. Người lớn đồn nhau các chú ấy đi vượt biên bị bắt lại.

Ngoài đường Tự Lập còn có một hàng xóm rất đặc biệt mà mãi sau tôi mới quen. Đó là ông Nguyễn Hồng Công bỏ thành phố, ra tận miền núi Quảng Bình để tìm "kho báu vua Hàm Nghi" cho đến ngày bệnh chết luôn ở ngoài đó.

-------------------------

Suốt nhiều năm, hẻm nhỏ đường Phan Đình Phùng được người dân quen gọi là hẻm Ông Tiên bởi nơi đây đã giúp đỡ bao phận nghèo khó...

Kỳ tới: Hẻm Ông Tiên

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên