17/08/2020 13:13 GMT+7

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ cuối: Hẻm nhập cư bên bờ sông

LÊ VÂN - TRẦN MẶC - TÚ NGUYỄN
LÊ VÂN - TRẦN MẶC - TÚ NGUYỄN

TTO - Những con hẻm nhỏ như còn dấu bùn đất nhà quê mang theo và cả mồ hôi mưu sinh nhọc nhằn của thân phận người nghèo cố gắng vươn lên...

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ cuối: Hẻm nhập cư bên bờ sông - Ảnh 1.

Cuộc sống nhập cư tằn tiện để mong có ngày mai đổi thay - Ảnh: VÕ DUY

Chật chội chút nhưng được cái cha mẹ, con cái quây quần, con lớn cũng biết phụ nấu miếng cơm, nhặt bó rau. Tối tối cả nhà ngồi ăn cơm cùng nhau, vậy là vui rồi.

Chị Nguyễn Thị Hoa

Dọc một số con hẻm dẫn vào bờ sông An Lộc (phường 15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) là nơi trú ngụ của nhiều phận đời nhập cư cùng bao khát khao đổi đời. 

Những con hẻm nhỏ như còn dấu bùn đất nhà quê mang theo và cả mồ hôi mưu sinh nhọc nhằn của thân phận người nghèo cố gắng vươn lên...

Hẻm nhỏ tha hương

Chỉ tính riêng khu phố 2, chạy dọc một đoạn quanh bờ sông An Lộc hiện đã có khoảng vài chục hộ gia đình làm nghề buôn bán phế liệu và nhiều nghề lặt vặt khác. Những dãy nhà trọ gọi là mới nhưng đã tồn tại trên 10 năm. 

Đa số người dân hẻm này đều từ Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng vào lập nghiệp, mà đông nhất vẫn là người dân từ các làng nghề làm dây đồng ở Vĩnh Phúc. 

Vì vậy nhiều người còn gọi những hẻm nhập cư này là hẻm Vĩnh Phúc hay hẻm Thanh Hóa ở Sài Gòn...

Ngoài ra, con hẻm cũng được mọi người truyền miệng nhau gọi vui là "hẻm ve chai", bởi phần lớn dân nhập cư ở đây đều theo nghề này, dù cũng có những người bán hàng rong lặt vặt khác. 

Có nhà thì vợ đi mua ve chai, chồng làm thợ hồ hay công nhân. Cũng có gia đình cả hai vợ chồng đều đi lượm lặt, thu mua ve chai, chồng đi buổi tối, vợ ban ngày luân phiên nhau để nghỉ ngơi và tranh thủ kiếm tiền từng buổi.

Cư dân hẻm này chia làm nhiều nhóm thu mua phế liệu khác nhau. Nhóm thì mua các loại xốp nhựa tái chế, nhóm mua chuyên bọc nilông hay đồng nhôm, đồ điện... 

"Nhưng phần lớn đã làm nghề này thì hễ cái gì người ta bỏ đi mà mình lượm lặt được hay bán được thì đều mang lại thu nhập. Tích cóp từng đồng cắc là vậy" - chị Nguyễn Thị Huệ bộc bạch.

Nhiều người còn tận dụng những thứ lượm được hay mua rẻ như cho về làm đồ dùng sinh hoạt ở nhà trọ. Những đồ phế liệu nào không thể tận dụng được hoặc trong nhà đã có thì họ mới đem bán cho vựa để tái chế.

Buổi chiều, bước vào xóm trọ ở một con hẻm đường Lê Đức Thọ, chúng tôi bắt gặp những chiếc ghế sô pha cũ đã thủng lỗ chỗ, lộ ra lớp mút lót màu ố vàng xếp dàn hàng ngoài đầu hẻm làm nơi tụ tập của cư dân hẻm mỗi lúc nghỉ ngơi. 

Những người phụ nữ trong xóm trọ ngồi ở ghế, tay chuyền nhau miếng cơm cháy được lấy ra từ đáy một nồi cơm ăn chung như người trong gia đình. 

Bên ngoài dãy trọ, họ dựng những chiếc xe đạp cũ chất đầy những bao đựng phế liệu. Phía trong, khoảng cách giữa hai dãy nhà trọ hẹp chỉ chừng chưa tới 1 mét, vài cô bác tranh thủ thu quần áo vào vì trời sắp mưa to.

Khu trọ chắc đã tồn tại nhiều năm rồi nên mái tôn gỉ sét lộ ra mấy cái lỗ lớn. "Ngày mưa, khu trọ ướt cả ngoài vào trong, ngồi nhà mà vẫn phải mặc áo mưa cho đỡ ướt" - một chị trong hẻm ve chai vừa nhặt rau chuẩn bị cơm tối vừa nói với tôi.

Ngồi trước cửa phòng trọ, bà Lê Thị Huyện (54 tuổi) kể: "Tôi vào Sài Gòn năm 1989, tính đến nay cũng ngót 32 năm. Khu này ngày trước toàn là sình bùn, từ năm 2000 trở lại mới thay đổi trông đỡ hơn". 

Bà Huyện là một trong những người tiên phong từ Vĩnh Phúc vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề ve chai. Về sau công việc mang lại thu nhập ổn định nên kéo theo bà con, họ hàng cùng vào tạo thành cả con hẻm ve chai như hiện tại.

Những ngày dịch giã, cả xóm ve chai trở nên thất thu, ngày nào nhiều lắm cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn. 

Bà Huyện kể: "Hôm nay đi từ 7 giờ sáng đến trưa mà chẳng kiếm được mấy, trời lại mưa to, thôi thì về sớm nghỉ ngơi". 

Trong căn phòng cũ kỹ xộc lên mùi ẩm mốc những ngày mưa Sài Gòn, chị Nguyễn Thị Huệ, quê Vĩnh Phúc, ngồi trên nền đất, tay bóc vỏ mớ đậu phộng rang để làm thức ăn cho mấy ngày tới. 

Căn phòng nhỏ chỉ độc mỗi chiếc giường, chiếc tủ lạnh mini tái chế cùng ít vật dụng nấu ăn đơn giản là không gian sinh sống của hai vợ chồng mười mấy năm nay.

Hai vợ chồng chị Huệ rời Vĩnh Phúc vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm 2000. Ngày ấy, giá phòng trọ chỉ vài trăm ngàn mà giờ đã lên hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Họ cố gắng tiết kiệm hết cỡ để gửi tiền về cho hai đứa con gái còn đi học. 

"Đời mình đã khổ rồi, tụi nó muốn học thì cho nó học, phải cho nó học để bớt khổ" - chồng chị Huệ tâm sự thêm: "Bao nhiêu năm rồi, mỗi lần về quê rồi lại quày quả vào Nam đi làm, hai đứa con cứ quấn lấy, đứa thì ôm chân, đứa ôm cổ không cho mẹ đi, lần nào gọi điện thoại về cũng hỏi khi nào mẹ về với con". Câu hỏi ấy tụi nhỏ nhà chị Huệ đã hỏi mười mấy năm, mấy đứa nhỏ giờ cũng lớn mà chị vẫn chưa trả lời được.

Mùa dịch, hẻm ve chai được hỗ trợ tiền từ UBND phường theo chính sách của Nhà nước. Mỗi người dân làm ve chai ở hẻm này người thì được mấy trăm ngàn hay 1 triệu đều gửi về cho con cái ở nhà. 

Ở đây, có người thương, cho quần áo hay đồ dùng sinh hoạt, họ cũng gửi hết về ngoài quê cho mấy đứa nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Hà, 53 tuổi, vừa trò chuyện vừa dùng tay trần phân loại từng món đồ phế thải. Bàn tay bà bị thanh kim loại cứa đến chảy máu vẫn không ngơi việc, những vết chai sần trên lòng bàn tay hiện rõ. Bà kể mình đã quen rồi, giờ có mang găng tay cũng chẳng làm được. 

Mấy chục năm trong nghề, bà đã sớm quen với những may rủi mà nghề mang lại, miễn sao kiếm được tiền lo cho gia đình ở quê.

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ cuối: Hẻm nhập cư bên bờ sông - Ảnh 3.

Dãy nhà trọ nghèo ở hẻm ve chai - Ảnh: TRẦN MẶC

Những ước mơ đổi đời

Tuy nhiên, ở hẻm nhỏ của những người nhập cư này, không hiếm người đã đổi đời thành "triệu phú nhờ ve chai". 

"Đầu hẻm là mấy cái vựa to lắm, nhà nào cũng có vài xe tải thu gom phế liệu, nhân công thì cả chục người. Dân làng đồng Vĩnh Phúc cả đấy"- chị Tuyết, một người buôn bán ve chai lâu năm, kể.

Dạo bước vào khu này, những vựa phế liệu thành công chẳng khác nào đốm sáng trong cuộc sống còn lắm nhọc nhằn của nhiều người dân hẻm. 

Nhìn người để nuôi hi vọng, ước mơ đổi đời của cư dân hẻm nghèo còn dồn về cho những đứa con đang dần lớn lên ở quê cùng ông bà nội ngoại.

Cũng có nhiều gia đình ở hẻm vì sống lâu năm nên muốn chuyển hẳn vào Sài Gòn sinh sống để tiện làm ăn như gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở hẻm 702, một nhánh nhỏ trên đường số 5, Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp). 

Vào Sài Gòn gần 20 năm, vợ chồng chị Hoa lúc đầu còn gửi con ở quê cho ông bà. Nay hai đứa đều vào học cấp 2, ông bà cũng già yếu nên họ mang con vào xin học luôn. "Chật chội chút nhưng được cái cha mẹ con cái quây quần, con lớn cũng biết phụ nấu miếng cơm, lặt bó rau. Tối tối cả nhà ngồi ăn cơm cùng nhau, vậy là vui rồi".

Ở hẻm ve chai, cư dân hẻm chia nhau thành nhiều nhóm đi thu mua ve chai 24/24 giờ mỗi ngày. Có những nhóm đi thu mua ban đêm thì tập trung về hẻm vào lúc 3h-4h sáng để phân loại rồi bán cho vựa. 

"Thường thì chúng tôi đi ban đêm, tranh thủ đến trước các xe gom rác để nhặt nhạnh. Nghề đã cực còn cạnh tranh lắm, chậm chân là mấy xe rác họ cũng phân loại thu gom hết, chả còn gì mà lượm" - chị Ngát, một cư dân hẻm, kể chuyện.

Không ai nói với ai, nhưng người dân hẻm ve chai tự ý thức được phận nghèo tha hương và cố gắng tằn tiện, làm lụng nhiều hơn để dần vươn lên, nhất là đời con cháu mình. 

Trong lúc trò chuyện, chị Hà Thị Tuyết, 40 tuổi, cười nói: "Cuộc đời tôi chỉ mong được khỏe mạnh để chăm lo cho con ăn học có cái nghề mà kiếm sống ổn định, nhẹ nhàng".

Mưa Sài Gòn chợt đến rồi chợt đi trên những hẻm nhỏ của phận nghèo nhập cư. Tôi nghe những lời tâm sự mưu sinh đầy nhọc nhằn, nhưng tôi cũng nghe cả những ước mơ đổi thay của tương lai con cái mai này...

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 8: Hẻm nhỏ Quán Nghèo Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 8: Hẻm nhỏ Quán Nghèo

TTO - Ở Sài Gòn, nhiều con hẻm không tên đã được định danh nhờ những quán ăn gia đình từ gần cả trăm năm trước. Chỉ riêng ở quận 10, có hai quán ăn gia đình người gốc Hoa đã vô tình đổi tên hẻm thành tên quán.

LÊ VÂN - TRẦN MẶC - TÚ NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên